Chuyện treo ấn từ quan: Xưa quen, nay sao… lạ

Nhật Minh - Phương Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không phải đến kỳ họp Quốc hội vừa rồi, chuyện “treo ấn từ quan” hay văn hóa từ chức mới được đem ra bàn luận sôi nổi để tạo thành một cơn sóng dội trong dư luận: Có hay không văn hóa ấy ở chốn quan trường thời nay?

Người đời góp tiếng về chuyện đó đã bao năm, nhưng cho đến tận giờ vẫn chưa giải mã được: “Treo ấn từ quan” là chuyện rất quen của thời xưa, nhưng nay sao vẫn cứ… lạ.
Một thời vang bóng

Hậu thế còn nhắc mãi tấm gương danh sư Chu Văn An - vị thầy của vua Trần Hiến Tông; Nguyễn Trãi vị khai quốc công thần của triều Lê, hay Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trí đức cao vời, cũng chỉ làm quan mấy năm, rồi cương quyết từ quan, cáo lão hồi hương khi đang ở ngôi cao, chức trọng. Có thể nói chính xác, triều đại nào nước ta cũng đều có những danh thần, công bộc khảng khái chốn quan trường như vậy. Các vị ấy làm quan bằng tài đức thực sự của mình với tinh thần phụng sự Tổ quốc, nên việc từ quan cũng nhẹ như lông hồng.
 Người dân tham quan đền thờ Chu Văn An. 
Câu chuyện của danh sư Chu Văn An không chỉ được sử sách ghi lại như một lời ngợi ca, mà thiên hạ còn lưu truyền muôn đời về tài đức vẹn toàn. Ấy là khi vua Trần Hiến Tông mất (1341), người em là Trần Hạo (Trần Dụ Tông) nối ngôi, lơi là việc triều chính, suốt ngày lo rượu chè, đánh bạc chơi bời, xây cung điện, đào hồ, đắp núi. Chu Văn An nhiều lần can ngăn vua và viết “Thất trảm sớ”, dâng lên nhà vua xin chém đầu 7 gian thần lộng hành triều chính. “Thất trảm sớ” không được vua Dụ Tông chấp nhận, nên Chu Văn An đã treo ấn từ quan, về sống ẩn dật ở vùng núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương). Từ câu chuyện này mà thành ngữ “Treo ấn từ quan” được hiểu như một thái độ phản kháng của người thanh quan.

Câu chuyện cáo quan về quê dạy học của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng nức tiếng trong thiên hạ cho đến tận hôm nay – khi người đương thời day dứt với câu hỏi: Có hay không văn hóa từ chức chốn quan trường? Bởi ở tuổi 45, sau gần 8 năm làm quan, dù được các vua nhà Mạc trọng vọng, ban chức và phong tước rất cao (Hữu Thị lang bộ Hình, Tả Thị lang bộ Lại, kiêm Đông Các đại học sĩ, tước Trình Tuyền hầu; rồi Thượng thư bộ Lại, tước Trình Quốc công), nhưng khi nhận ra bản chất của vương triều nhà Mạc, ông dâng sớ xin chém đầu 18 đại thần ỷ thế lộng hành, trong đó có ông sui gia và con rể. Song Mạc Phúc Hải không nghe, ông liền cáo quan về quê năm 1542. Ông cho dựng am Bạch Vân dạy học; lập quán Trung Tân bốc thuốc chữa bệnh, cứu giúp người cơ nhỡ; làm cầu Nghinh Phong, Trường Tân (Trường Xuân) vừa để hóng mát, vừa để bà con qua lại dòng Tuyết Giang (sông Hàn) cho thuận lợi… Ngay cả Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến - một ông quan mà các cụ ta vẫn gọi là quan lớn. Nhưng vì căm ghét bọn tham quan ô lại, bất lực trước thời cuộc, liền cáo quan về làng sống với dân lành và vơ vẩn cùng “mấy chùm trước dậu hoa năm ngoái”…

Vậy là xa lánh chốn quan trường về ở ẩn đọc sách, dạy học, làm thơ… đã trở thành một hình thức không chỉ được xã hội chấp nhận, mà còn trở thành một nét đẹp văn hóa cho đến giờ vẫn vang bóng.

"Muốn có văn hóa từ chức, chúng ta phải đẩy mạnh tuyên truyền trong xã hội về việc này, nên khuyến khích sự tự nguyện từ chức và đánh giá cao những người có đủ dũng khí, lòng tự trọng, biết liêm sỉ tự nguyện từ chức, đồng thời định hướng dư luận xã hội không nặng nề đối với những người tự nguyện từ chức. Bản thân cán bộ lãnh đạo, quản lý cần phải tự nhận thức rằng chức vụ không chỉ đi liền với quyền lợi, mà cao hơn phải thấy chức vụ đi liền với trách nhiệm, với tinh thần, thái độ cống hiến, hy sinh. Nếu thấy lĩnh vực mình phụ trách đi xuống, xảy ra việc này việc kia thì nên chủ động từ chức. “Rút” đúng lúc không những uy tín không thấp đi mà còn cao hơn dù không còn giữ chức vụ nữa." - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH,GD,TTN&NĐ của Quốc hội Lê Như Tiến

Đương thời hiếm hoi

Lục lại quá khứ, tự hào thuở vàng son để thấy rằng phong thái, khí tiết quý giá chốn quan trường kia thật hiếm hoi ở thời nay. Song có thể thấy những người ở thế hệ U60, 70 vẫn còn nhắc lại với thái độ vị nể chuyện từ chức của nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Đoàn Duy Thành. Dám từ bỏ một chức vụ cỡ Tể tướng không phải là điều dễ làm đối với nhiều người. Thế mà ông đã từ bỏ chức Phó Thủ tư­ớng phụ trách thương mại xuất nhập khẩu, lưu thông phân phối, tài chính, ngân hàng khi thấy mình không thể tiếp tục làm việc. Ông rời “ghế Tể tướng”, về thảnh thơi, an nhàn để sau này cho ra mắt cuốn sách như một tập hồi ký “Làm người là khó” để thiên hạ một dạo chưa hiểu đã hiểu sâu hơn về ông.

Thế hệ U60, 70 cũng đầy cảm mến khi nhắc tới vị Bộ trưởng “trông lúc nào cũng như nông dân” - Lê Huy Ngọ, nhưng không bao giờ vắng mặt ở hiện trường trong bất kỳ một lần bão lũ, hạn hán, mất mùa… nào. Đầu đội mũ cối, người khoác áo mưa màu bộ đội, chân đi ủng, lúc đứng ở đầu bờ, lúc lội xuống ruộng, lúc đứng trên thuyền, ông chỉ đạo cứu hộ cứu nạn, cứu lúa tường tận, rạch ròi. Vất vả bao nhiêu năm, đến khi ngành NN&PTNT có chuyện này, chuyện kia, ông xin từ chức. Ông rời ghế Bộ trưởng, người đời không những không chê trách ông “trốn trách nhiệm”, mà còn nể phục và thương mến ông nhiều hơn.

Và gần đây nhất là chuyện về Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự - người nức tiếng ở đất Hội An vì những cống hiến cho đất và người nơi đó. Ông quyết định thôi làm Bí thư Thành ủy Hội An dù còn hơn 2 năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu, với lý do rất đời: Để những người kế nhiệm tiếp tục làm cho Hội An phát triển vững bền. “Với tôi, làm ở vị trí lãnh đạo tròn 21 năm là quá lâu. Nó dần trở thành lối mòn, ngại đổi mới, ngại đột phá. Cứ “đường xưa lối cũ em về” như vậy mãi làm cho TP không bứt phá được, chưa kể là sẽ cản trở sự đi lên của anh em” – mấy ai nghĩ như thế khi mà việc tìm cách kéo dài nhiệm kỳ công tác đang “nghe rất quen”. Chuyện Nguyễn Sự “về hưu non” đã trở thành một sự kiện của dư luận, bởi không phải vì ông vướng lùm xùm nào đó như lẽ thường thấy, mà bởi đây là lần đầu tiên, có một vị quan chức đương nhiệm công khai từ chức giữa lúc mọi việc đang xuôi chèo mát mái.

Rõ là chuyện “treo ấn từ quan” quen lắm, nhưng ở thời đương đại, vẫn đếm trên đầu ngón tay.

Có hay không “văn hóa từ chức”?

“Văn hóa từ chức” từng được bàn luận sôi nổi trong chính trường Việt Nam nhiều năm qua. Song rất nhiều người cho rằng, trên thực tế chẳng có mấy trường hợp từ chức được ghi nhận. Có nhiều lý do để giải thích hiện trạng này, song điều quan trọng là nhận thức về văn hóa từ chức còn rất xa lạ với giới quan trường và xã hội khi chỉ nhìn nhận vấn đề này nặng về khía cạnh tiêu cực.
 Ảnh mang tính chất minh họa.
Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cũng nhận định: Lâu nay, cán bộ xin từ chức vì mất uy tín ở nước ta rất hãn hữu; phần lớn từ chức là để xin thôi việc, vì lý do sức khỏe, về quê hợp lý hóa gia đình… Còn từ chức do năng lực quản lý có hạn, do tín nhiệm thấp gần như không có. “Tôi đã nhiều lần bày tỏ trước Quốc hội là ở Việt Nam, việc cán bộ, công chức từ chức là khó khăn; chứ ở nước ngoài, đây là việc hết sức bình thường và trở thành “văn hóa từ chức”. Không làm được việc, từ chức thì có gì đâu, còn cố níu kéo chẳng qua chỉ vì lợi ích riêng” – ông Tiến khẳng định. Ông Tiến phân tích, ở nhiều nước, cán bộ quản lý từ chức không phải vì tiêu cực, tham nhũng mà chỉ đơn thuần là do sai sót, thiếu bao quát dẫn đến quản lý không hiệu quả. Như việc để xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, hay người đứng đầu ngành y tế để dịch bệnh bùng phát do không có năng lực dập dịch kịp thời… Việc từ chức tự nguyện của người có chức quyền sẽ tạo cơ hội cơ cấu lại, kiện toàn đội ngũ cán bộ của cơ quan, nghĩa là tạo ra sự hợp lý hơn trong xã hội.

Chia sẻ về vấn đề này bên hành lang Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV vừa qua, đại biểu Dương Trung Quốc bày tỏ: Từ chức là chuyện không có gì lạ lẫm, việc từ chức là bình thường, thể hiện trách nhiệm, lòng tự trọng của mỗi người, đó là những phẩm chất rất cần. Sở dĩ lâu nay ít có người từ chức, ngoài hành lang pháp lý chưa cụ thể thì còn có những nguyên nhân khác, trong đó có việc chức tước gắn liền với lợi ích. Nhưng nếu theo đúng chuẩn mực, quy định Nhà nước thì lợi ích này không hề lớn, chỉ có những người lợi dụng khai thác lợi ích đó mới tha thiết với chức vụ. Việc từ chức lâu nay “khó” thực hiện do nặng 2 nguyên nhân: Có lợi ích cụ thể và tâm lý từ chức giống như một sự kỷ luật. “Chúng ta phải chuẩn bị thay đổi dần tâm thế, nhận thức về vấn đề này” – ông Dương Trung Quốc khẳng định.

Gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu cao thông điệp hướng tới xây dựng một Chính phủ liêm chính là điều kiện thích hợp để chính trường Việt Nam tiếp tục bàn tới “văn hóa từ chức”. Nhiều người tin rằng nếu chúng ta thực sự tạo ra được một môi trường xã hội lành mạnh, theo nghĩa thẳng thắn phê phán các biểu hiện sai trái, đồng thời ủng hộ và bảo vệ những tấm gương liêm chính thì câu chuyện xây dựng văn hóa từ chức có điều kiện và khả năng sẽ thành hiện thực.

"Hành lang pháp lý về việc từ chức nếu được xây dựng sẽ nhắc nhở, tạo cho mọi người sự chủ động trong ứng xử, nhất là ứng xử với chức vụ của mình. Còn cứ nói chung chung như thời gian qua thì mãi chỉ thế thôi." - Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc