Cần có lộ trìnhDự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH do Bộ GD&ĐT xây dựng đang được lấy ý kiến quy định rõ điều kiện chuyển trường ĐH thành ĐH. Theo đó, trường ĐH đã đạt chuẩn kiểm định chất lượng và có ít nhất 5 trường thuộc trường ĐH được thành lập theo quy định. Dự thảo cũng quy định, các trường ĐH muốn liên kết thành ĐH phải đáp ứng điều kiện: Có ít nhất 3 trường ĐH đã đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục ĐH tham gia liên kết; các trường phải cùng loại hình. Cùng với đó là 3 điều kiện khác như có nghị quyết của hội đồng trường, ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp trường ĐH đối với trường ĐH công lập, chấp thuận của UBND cấp tỉnh – nơi có trụ sở chính của trường ĐH.Chuyển trường ĐH thành ĐH đa lĩnh vực trong bối cảnh tăng cường hiệu quả quản trị ĐH, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống, bảo đảm hiệu suất đào tạo cao, thích ứng với một xã hội có nền kinh tế thị trường là việc làm hết sức cần thiết. Tuy nhiên theo PGS.TS Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội, việc chuyển trường ĐH thành ĐH cần có lộ trình. Hơn nữa, chuyển trường ĐH đa ngành, đa lĩnh vực thành ĐH cũng cần có các điều kiện khác, trong đó, liên quan đến sứ mạng, tầm nhìn, chiến lược… “Hiện nay, ở một khía cạnh nào đó, Bách khoa Hà Nội đã chuyển đổi theo một hướng, dưới trường ĐH có các viện đào tạo. Cùng với việc được giao thực hiện tự chủ theo Nghị quyết 77, trường bắt đầu từng bước phân cấp, phân quyền cho các viện ngày càng nhiều hơn. Đây là lộ trình, có sự chuẩn bị, để nếu Bách khoa Hà Nội chuyển thành ĐH thì đã có định hướng trước” – ông Trần Văn Tớp nhấn mạnh.Hướng tới gọn nhẹ, hiệu quả Thực tế, từ những năm 90 của thế kỷ 20, Việt Nam đã có mô hình ĐH với sự ra đời của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh và sau đó là 3 ĐH vùng (ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng). Tuy nhiên, nhiều năm làm quản lý và nghiên cứu hoạt động của giáo dục ĐH, TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT nhận định: Đã hơn 20 năm nhưng các ĐH được hình thành vẫn chưa thực sự “mạnh”. Có ý kiến cho rằng ở các ĐH này tầng trên “ĐH” là thừa, gây cản trở đến hoạt động của các “trường ĐH thành viên”. Nhẽ ra khi hình thành ĐH đa lĩnh vực phải sắp xếp về tổ chức nhưng lại không làm được việc đó. Các trường ĐH chỉ là thành viên của đơn vị lớn hơn, tức ĐH. GS Từ Quang Hiển từng là Hiệu trưởng trường ĐH thành viên, Giám đốc ĐH Thái Nguyên rất thấu hiểu tình trạng của ĐH vùng, đã đề nghị giải thể ĐH vùng. Lý do bởi, ĐH vùng gây cản trở sự phát triển của các trường ĐH thành viên. Việc thành lập ĐH vô tình tạo ra cấp trung gian trong quản lý giáo dục ĐH hiện hành.Trở lại Đề án quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH do Bộ GD&ĐT trình lên Chính phủ từ năm 1992, ở phương án IV, tất cả các ĐH đa lĩnh vực phải được tổ chức như một chỉnh thể thống nhất. Đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo, với một hệ thống quản trị 3 cấp là ĐH (University), trường (College) và khoa (Deparment)- theo mô hình University của Mỹ. Để làm được việc đó, cần phải tổ chức lại tất cả các trường ĐH chuyên ngành tham gia vào ĐH đa lĩnh vực. Thế nhưng trong quá trình triển khai lại không như thế, mà có xu hướng tồn tại dưới một dạng “liên hiệp các trường ĐH chuyên ngành” với cấu trúc 4 cấp: ĐH – trường – khoa – bộ môn. “Khi thành lập ĐH đa lĩnh vực, xã hội mong chờ ở những ưu việt như: Bộ máy tổ chức gọn nhẹ (không trùng lặp các khoa, bộ môn ở các trường thành viên khác nhau), ngân sách được đầu tư tập trung. Sinh viên được tự do lựa chọn các môn học hoặc các chương trình liên ngành ở các trường thành viên trong ĐH; sinh viên được học với giảng viên giỏi nhất ở tất cả các môn học…Tuy nhiên, hiện nay, các trường ĐH thành viên vẫn hoạt động gần như độc lập, không phối hợp với nhau về đào tạo nên ĐH không có được sức mạnh tổng hợp. Từ những phân tích trên, TS Lê Viết Khuyến khẳng định, những điều kiện đưa ra trong dự thảo Nghị định để chuyển trường ĐH lên ĐH, các trường ĐH liên kết thành ĐH vẫn là cơ chế xin – cho. Vì thế, dự thảo Nghị định chỉ cần công bố các tiêu chí, tiêu chuẩn, nếu trường nào đạt yêu cầu thì trở thành ĐH.