Đã 70 năm nay từ ngày theo chân đoàn quân Nam bộ thành đồng tập kết ra Bắc năm 1954, cây vú sữa Miền Nam là một biểu tượng của sự kiên định sắc son của người Nam bộ nói chung và Cà Mau nói riêng luôn hướng về Đảng, Bác Hồ, Thủ đô. Cây vú sữa ấy được Bác Hồ chăm sóc mỗi ngày để vơi đi nỗi thương nhớ Miền Nam ruột thịt.
Miền Nam luôn ở trong trái tim Bác
Ông Hồ Trung Việt, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau thông tin: “Giai đoạn từ cuối năm 1949 đến 1955, Xứ ủy Nam Bộ - Trung ương Cục miền Nam đóng tại Cà Mau. Điểm Chắc Băng và sông Đốc là nơi tập tập kết của khu vực Cà Mau. Nhà má Lê Thị Sảnh (người tặng cây vú sữa Bác Hồ) ở gần Ranh Hạt nằm cặp bờ kênh Chắc Băng (đoạn giáp ranh Cà Mau với Kiên Giang, nay ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình), địa điểm bộ đội tập trung để lên tàu ra Bắc sau khi Hiệp định Geneve có hiệu lực.”
Theo tư liệu và nhân chứng kể lại, trong buổi lễ tiễn đưa bộ đội xuống tàu, má Sảnh bước lên khán đài trao cho đồng chí Nguyễn Trung Kiên, Đại đội trưởng Đại đội pháo binh 370, Tiểu đoàn 307 cây vú sữa được bứng trong vườn và nhờ gửi đến Thủ đô Hà Nội, chuyển tận tay Bác Hồ. Má Sảnh muốn gửi gắm, khi Bác thấy cây vú sữa cũng như thấy đồng bào miền Nam. Má hứa sẽ cùng với đồng bào tiếp tục đấu tranh đến ngày thống nhất đất nước...
Đầu năm 1955, trên con tàu Kilinki (quốc tịch Ba Lan) ra Bắc, cây vú sữa được chăm sóc rất đặc biệt. Nhiều ngày lênh đênh trên biển, sóng gió lớn nhưng chăm sóc đặc biệt nên khi tới Sầm Sơn (Thanh Hóa), cây vẫn xanh tươi. Mồng 3 Tết năm ấy, đồng chí Lê Đức Thọ (khi đó là Phó Bí thư, kiêm Trưởng Ban Tổ chức Xứ ủy Nam Bộ, sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng) và đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh (khi đó là Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, phụ trách đoàn cán bộ tập kết) đã mang cây vú sữa vào Phủ Chủ tịch kính tặng Bác Hồ. Bác vô cùng xúc động khi được biết đây là cây vú sữa của đồng bào tận vùng Đất mũi Cà Mau gửi tặng. Cây vú sữa được Bác trồng ngay gần bờ ao, bên cạnh ngôi nhà 54, nơi Bác ở 4 năm đầu sau khi chuyển về khu Phủ Chủ tịch.
Vú sữa là loài cây ưa khí hậu nóng đặc trưng ở miền Nam, ít chịu được lạnh ở miền Bắc. Nên mặc dù bận nhiều công việc nhưng trước giờ làm việc mỗi ngày, Bác đều dành thời gian tự tay chăm sóc. Mùa đông giá rét, Bác nhắc các đồng chí phục vụ bện rơm quấn quanh thân cây, lấy mùn tấp vào gốc để chống lạnh cho cây. Mùa mưa bão, Bác nhắc nhở anh em chằng chống cho cây khỏi đổ.
Nhờ sự quan tâm chăm sóc của Bác, cây vú sữa lớn dần, cành lá sum sê và vươn cao, rễ bám sâu vào lòng đất. Cây vú sữa trong vườn Bác từ những năm tháng đó đã trở thành biểu tượng của tấm lòng Bác Hồ đau đáu nhớ tới đồng bào miền Nam ruột thịt, đang phải chịu nỗi đau chia cắt đất nước. “Hình ảnh cây vú sữa mang ý nghĩa sâu xa. Hằng ngày, Bác chăm sóc cây vú sữa, như là Bác đang nâng niu tình cảm của miền Nam. Hình ảnh của miền Nam ở bên cạnh Bác. Cây vú sữa của Cà Mau, đại diện cho miền Nam có mặt bên cạnh Bác, như lời hứa của nhân dân miền Nam với Bác không bao giờ rời xa. Bắc - Nam mãi sẽ là một nhà” - ông Hồ Trung Việt khẳng định.
Bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử
“Qua lời kể của nhiều cán bộ, trước khi mất, Bác có căn dặn một khi đất nước độc lập mà Bác chưa được vào Nam, Bảo tàng Việt Nam phải chăm sóc, bảo quản thật tốt cây vú sữa của nhân dân miền Nam tặng Bác, sau đó cho nhân giống cây vú sữa ấy và gửi tặng lại cho đồng bào miền Nam” – ông Hồ Trung Việt thông tin.
Năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tỉnh uỷ Minh Hải (nay là Cà Mau và Bạc Liêu) giao cho Bảo tàng tỉnh ra Hà Nội xin giống cây vú sữa ở nhà sàn Bác Hồ do má Lê Thị Sảnh gửi biếu Bác về trồng lại trên mảnh đất quê hương. Ngày 19/5/1990, cây vú sữa được chuyển về đến huyện Thới Bình và được trồng trong khuôn viên Phủ thờ Bác (ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực, huyện Thới Bình) đến ngày nay.
Ngày 12/11/2024, UBND tỉnh Cà Mau đã long trọng tổ chức khánh thành và công nhận di tích cấp tỉnh Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam tại xã Trí Lực huyện Thới Bình, nhân kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024).
"Tôi đề nghị chính quyền địa phương cùng với các ban, ngành, đoàn thể cần có phương án cụ thể để bảo quản và phát huy giá trị di tích. Phát triển nơi đây trở thành công trình văn hóa tiêu biểu của huyện, địa chỉ đỏ góp phần giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau" - ông Nguyễn Minh Luân Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nói.
Ông Lê Thanh Hùng, 54 tuổi cháu nội má Lê Thị Sảnh cho biết, má Sảnh sinh năm 1903, mất ngày 9/5/1986. Lúc còn sống, má tôi (bà Nguyễn Thị Bảy - con dâu má Sảnh, cũng là người sống chung với má Sảnh lúc sinh thời) kể lại, bà nội tôi rất thương bộ đội và đặc biệt kính yêu Bác Hồ. Bà nội thường hay xay bột, đổ bánh cho bộ đội ăn. Trước khi bà mất, chiếc cối xay ấy được giao lại cho con dâu giữ làm kỷ niệm, hiện gia đình đã hiến tặng cho bảo tàng tỉnh Cà Mau.
"Trên bia kỷ niệm đó có hình ảnh của Bác Hồ, hình ảnh người bà thân thương của chúng tôi. Chúng tôi hứa sẽ cùng địa phương gìn giữ, bảo quản, phát huy giá trị di tích này" - ông Lê Thanh Hùng xúc động nói.