Kỷ vật vô giá
Có lẽ những người Việt Nam được sống trong giai đoạn 1945 - 1946 không ai là không biết tới tấm áo đặc biệt này của Bác Hồ. Chiếc áo len màu be, cổ tròn là món quà của Bác Hồ tặng cho các chiến sĩ vào mùa đông năm 1946. Đặc biệt hơn khi chiếc áo đó được Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam mang ra đấu giá trong chương trình "Tuần lễ vàng" vào chiều 18/11/1946. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết người đàn ông đã bỏ ra đến 3.500 đồng bạc Đông Dương (tương đương gần 200 lượng vàng) để mua chiếc áo đặc biệt này. Vào những ngày tháng 5 lịch sử này, chúng tôi đã may mắn gặp được ông Trương Anh Tuấn - con trai thứ 2 của cụ Trương Văn Thìn tại ngôi nhà nhỏ tại 39 phố Thi Sách, Hà Nội và nghe ông kể lại những kỷ niệm về người cha mình. Vẫn cái phong thái chậm rãi mà đầy khoáng đạt của người Hà Nội xưa, ông Tuấn đã kể cho chúng tôi nghe kỷ niệm về người cha đáng kính và kỷ vật vô giá của gia đình.
Cụ Trương Văn Thìn với chiếc áo của Bác Hồ.
Sinh năm 1914, cụ Trương Văn Thìn ngay từ thuở thiếu thời đã khá chí thú vào công việc kinh doanh. Với đầu óc khá nhanh nhạy, chỉ một thời gian ngắn cụ đã là một trong những người buôn hạt giống lớn nhất miền Bắc. "Vua hạt giống" là từ mà người dân thời bấy giờ nói về cụ Thìn. Không chỉ thế cụ còn sở hữu khá nhiều ngôi biệt thự to và đẹp ở Hà Nội thời đó. Tuy là người có của ăn, của để, nhưng cụ Thìn là một người sống kín đáo, giản dị và tiết kiệm. Mùa đông năm 1946, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Vận động "Mùa đông binh sĩ" đã họp để phát động phong trào may áo trấn thủ cho chiến sĩ. Mở đầu cuộc vận động, chiều 17/11/1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam tổ chức buổi lễ "Mùa đông binh sĩ". Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ đã đến dự. Tại buổi lễ, Bác Hồ đã cởi chiếc áo len mà Người được tặng, đang mặc trên người để tặng lại các chiến sĩ. Phong trào toàn dân may áo trấn thủ ủng hộ bộ đội lúc bấy giờ sôi nổi, mạnh mẽ, ở khắp mọi nơi, mọi giới, mọi ngành. Ở Hà Nội, chỉ trong 2 ngày 16 và 17/11/1946, đã quyên góp được trên 30 vạn đồng và một số lớn bông, len đủ làm trên 5 vạn lõi chăn bông và áo trấn thủ gửi ra tiền tuyến. Các liên đoàn thợ may ở Hà Nội nhận may hàng vạn áo không lấy tiền công. Còn ở các địa phương thì khẩu hiệu "mỗi làng 2 áo trấn thủ, 2 chăn cho bộ đội" được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng.
Thể lệ cuộc đấu giá chiếc áo của Bác Hồ cũng "vô tiền khoáng hậu": Mỗi người muốn được quyền sở hữu chiếc áo khi trả giá đều phải nộp tiền vào, ai trả hơn, trả hơn nữa cũng bỏ tiền vào quỹ dành mua áo cho chiến sĩ... Cứ như vậy cho đến khi không còn ai trả giá cao hơn thì người cuối cùng được quyền sở hữu chiếc áo đó. Cụ Thìn là người may mắn lọt vào vòng đấu giá cuối cùng với số tiền là 3.500 đồng Đông Dương. Buổi đấu giá kết thúc, từ chiếc áo len đã thu được tổng số tiền là bốn vạn đồng Đông Dương.
Tình cảm thiêng liêng
Sung sướng cầm chiếc áo len của Bác trên tay, cụ Thìn vội vã chạy về báo tin cho cả nhà. Nhưng lúc đó trong nhà chỉ còn 1.000 đồng bạc Đông Dương. Không do dự, cụ đã rao bán ngôi nhà tại phố Nguyễn Gia Thiều và bảo vợ là bà Nguyễn Kim Dung (bà Dung, sinh năm 1916 là con gái cụ Nguyễn Bân - Tước Thái bảo thái tử, người dạy học cho các Thái tử nhà Nguyễn) mang bán hết đồ nữ trang của mình (kiềng, xuyến vàng, quần áo…) để có đủ 3.500 đồng bạc Đông Dương chuyển cho Ban tổ chức.
Chiếc áo len của Bác Hồ được cả gia đình cụ Thìn coi là bảo vật thiêng liêng, giữ gìn hết sức cẩn thận, dù thời cuộc trải qua nhiều biến động. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, gia đình cụ Thìn tản cư về Hà Nam, Sơn Tây... Trong những ngày tháng cam go đó của dân tộc, chiếc áo của Bác luôn luôn là bảo bối của gia đình. Dù điều kiện khó khăn đến đâu, chiếc áo này vẫn được giữ gìn cẩn thận.
Cuối năm 1949 vì hoàn cảnh khó khăn, gia đình cụ Thìn buộc phải trở về Hà Nội. Sống trong lòng địch, nhưng chiếc áo Bác Hồ vẫn được cất cẩn thận: Lần ở phố Tràng Tiền, bà Dung đã giấu chiếc áo trên gác 2; khi ở 52 Trần Nhân Tông, địch đến bắt cụ Thìn (do ông tham gia chống lệnh di cư vào Nam) và lục soát khắp nhà nhưng chiếc áo Bác Hồ vẫn nguyên vẹn. Gia đình giữ chiếc áo đó suốt như vậy và ngày 10/9/1969, sau tang lễ Bác Hồ, cụ Thìn quyết định đem chiếc áo len quý giá hiến tặng cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.
Ngày 22/11/1995, cụ Trương Văn Thìn đã được Bộ Văn hóa trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Nay cụ đã mất nhưng bức thư cảm ơn gửi cho Đảng, Nhà nước vẫn nồng nàn một tình cảm thiêng liêng với dân tộc, bức thư có đoạn: "Tôi mua chiếc áo len này, lòng nghĩ rằng sẽ làm cho nhiều, rất nhiều chiến sĩ vượt qua được cái lạnh của mùa đông năm ấy. Từ đó, tôi có được một vật quý, một kỷ niệm về lòng thành của mình với Tổ quốc buổi ban đầu đầy khó khăn, gian khổ. Năm 1969, Bác đã đi xa. Cả nước bàng hoàng đau xót. Với tất cả tình cảm của mình với Bác Hồ, tôi đã tặng lại chiếc áo đó cho Viện Bảo tàng Cách mạng để nhân dân cả nước có thể thấy được tấm lòng của Bác với anh em binh sĩ…".