Chuyện về gia đình yêu thể thao tiêu biểu

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo chân những vận động viên cầu lông bán chuyên nghiệp đến câu lạc bộ (CLB) Hoàng Hiệp từ 5 giờ sáng, mới cảm nhận hết tinh thần, phong trào thể dục thể thao (TDTT) quần chúng của người Tân Hội (huyện Đan Phượng).

Đáng nói hơn, phong trào ấy lại được khơi dậy và vun đắp từ tình yêu thể thao của một gia đình tiêu biểu vì sức khỏe cộng đồng.
Từ tình yêu dành cho thể thao, gia đình anh Nguyễn Thạc Trọng (sinh năm 1971) và chị Nguyễn Thị Tố Hảo (sinh năm 1975) đã tâm huyết đóng góp công sức và tiền bạc xây dựng sân cầu lông miễn phí cho bà con ở địa phương. Không phải ngẫu nhiên mà người làng luôn “khoe” gia đình họ luôn đi đầu trong cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, tạo bước chuyển mình trong phong trào TDTT ở Tân Hội.

Không chỉ lo làm kinh tế

Vừa lau mồ hôi sau khi kết thúc 5 séc cầu lông, anh Trọng vừa nói, ngoài việc sản xuất kinh doanh giò chả, các thành viên trong gia đình anh rất quan tâm tới việc rèn luyện thể thao bởi “có sức khỏe là có tất cả”. Vì thế cả nhà anh chị duy trì đều đặn thói quen tập thể thao hàng ngày, và cũng rất tích cực trong các hoạt động TDTT ở địa phương. Anh Trọng nhớ khi còn trẻ, vợ chồng anh đã rất mê thể thao. Anh thường xuyên tham gia thi đấu các môn như cờ tướng, bóng đá, việt dã, cầu lông… Gần như không chiều nào, anh vắng mặt trên sân bóng. Chính điều đó đã cuốn hút các con của anh chị vào các môn thể thao ngay từ khi còn nhỏ. Thành viên nào trong gia đình cũng thành thạo ít nhất một trong các môn: Cầu lông, bơi, bóng bàn… Chị Hảo còn “khoe”, riêng môn cầu lông, anh Trọng thường xuyên đi thi đấu ở cấp xã, huyện và giành nhiều giải cao.
 Tình cảm gia đình thêm gắn bó khi anh Trọng, chị Hảo tham gia chương trình ''Vui khỏe có ích''.
Năm 2011, thấy phong trào TDTD của địa phương, nhất là môn cầu lông thu hút nhiều người tham gia, mà sân bãi không có. Vợ chồng anh Trọng đã bàn nhau xây dựng sân cầu lông để mình và mọi người cùng có chỗ rèn luyện sức khỏe. Và để thực hiện ý tưởng đó, anh Trọng đã mượn 600m2 đất trống của người chú, rồi bỏ vào đó hơn 400 triệu đồng để “biến thành” sân cầu lông Hoàng Hiệp. Sau đó, anh cùng bạn bè thành lập CLB cầu lông xã Tân Hội, vận động bà con trong thôn, xóm cùng tham gia. Cứ ngày 2 buổi sáng và chiều, không chỉ các bậc cao niên mà còn người dân mọi lứa tuổi đều đến sân luyện tập. Không chỉ người dân trong xã, mà có nhiều người ở các xã lân cận, thậm chí huyện khác cũng mang vợt đến sân cùng tham gia. Sau 6 năm hoạt động, đến giờ CLB cầu lông đã có gần 70 hội viên. Năm nào CLB cũng tổ chức nhiều giải đấu cho các hội viên cùng ứng thí, kinh phí làm giải thưởng nhiều khi lên tới 30 – 40 triệu đồng. Cũng phải nói rằng, gia đình anh Trọng luôn là nhà tài trợ chính cho giải. “Từ khi có sân cầu lông Hoàng Hiệp, CLB cầu lông Tân Hội năm nào cũng đoạt giải cao trong mỗi giải thi đấu của huyện, TP. Có những kỳ thi đấu, có bao nhiêu giải thưởng, CLB đều “ẵm” về hết” - anh Trọng kể.

Là một trong những người cao tuổi tham gia tập cầu lông từ những ngày đầu mở sân Hoàng Hiệp, ông Đỗ Gia Dũng (sinh năm 1964) - chủ DN vận tải hành khách và du lịch, không giấu việc tập thể thao hàng ngày đã giúp kiềm chế được căn bệnh tiểu đường. “Dù công việc kinh doanh bận đến mấy nhưng tôi vẫn dành thời gian tập thể thao. Buổi sáng đánh cầu lông, chiều đạp xe. Sau khi tham gia các buổi tập, tôi thấy tinh thần thoải mái, sức khỏe được nâng lên, tôi đã vận động các thành viên trong gia đình cùng tham gia”. Nói về gia đình anh Trọng, ông bảo, đó là một gia đình tâm huyết, gương mẫu, tích cực trong mọi phong trào, đặc biệt là phong trào TDTT. Nhờ sân cầu lông Hoàng Hiệp mà mưa, gió, bão, người dân vẫn có thể đến đây tập luyện vì đây là sân trong nhà. Qua đó, khơi dậy tinh thần rèn luyện TDTT của đông đảo người dân trong thôn, xã. Hơn thế, trong những buổi luyện tập ấy, mọi người không chỉ hướng dẫn nhau chơi mà còn chia sẻ những kinh nghiệm sản xuất, đời sống hằng ngày. Tình làng nghĩa xóm vì thế thêm khăng khít, gắn bó.

Tìm giá trị sống

Chứng kiến sân cầu lông do tay mình xây dựng được bà con trân trọng và nhiệt tình hưởng ứng, anh Trọng thành thật: “Điều mình làm ra mà được mọi người ủng hộ là phấn khởi nhất. Tôi chỉ mong ai nấy có đời sống vui vẻ, sức khỏe được cải thiện để lao động, sản xuất ngày càng hiệu quả. Nhất là lớp trẻ, rèn luyện thể thao để hướng tới lối sống lành mạnh”. Anh Trọng đang ấp ủ dự định mở lớp dạy bơi miễn phí cho các cháu nhỏ. Anh không giấu, đã nhiều lần anh mở lớp, mời giáo viên về dạy bơi chống đuối nước miễn phí cho các cháu nhỏ nhưng không thành, bởi trẻ chưa thích và chưa cảm thấy cần thể thao. Mặt khác, anh cũng chưa vận động, thuyết phục được gia đình các cháu đến tham gia.
Niềm vui của anh Trọng, chị Hảo khi được luyện tập cầu lông cùng các vận động viên trong câu lạc bộ. Ảnh: Thanh Bình.
Còn chị Hảo thì lại chia sẻ bằng cái nhìn rất đỗi thành thật của một người phụ nữ trong gia đình. Chị bảo, người phụ nữ cần sức khỏe, cần tinh thần phấn chấn để làm tốt được vai trò giữ lửa hạnh phúc trong gia đình. Tìm điều đó dễ dàng nhất là trên sân tập. Ngay cả việc anh chị đầu tư làm sân cầu lông cũng không phải là đầu tư vào lợi nhuận, mà là đầu tư vào sức khỏe. Không chỉ chị Hảo, mà rất nhiều “vận động viên” phụ nữ trên sân Hoàng Hiệp đồng cảm với quan niệm thể thao còn là sợi dây kết nối, gắn kết các thành viên trong gia đình. Nhất là giữa nhịp sống hối hả hiện nay, mọi người luôn bị cuốn vào vòng xoáy cơm áo gạo tiền, học hành và bộn bề công việc, khiến người ta dễ rời xa những giây phút sum họp gia đình, sẻ chia cuộc sống… Thế nên chỉ cần chút thời gian cùng nhau tập luyện, cùng nhau trong một hoạt động lành mạnh và vì sức khỏe, là ai nấy đã ít nhiều cảm nhận được giá trị sống, và vun đắp tình cảm gia đình.

Có lẽ chính từ cái nôi yêu thương ấy mà cậu bé Nguyễn Thạc Hoàng Hiệp (9 tuổi) – con trai anh Trọng và chị Hảo, đã “bén duyên” với môn bơi lội từ bé. Anh Trọng kể, anh cho con bơi thường xuyên từ lúc con 1 tuổi. Năm 2016, tình cờ cho con tham gia tập huấn chống đuối nước của huyện, các vận động viên phát hiện con có năng khiếu bơi lội nên đã tuyển thẳng con vào lớp bơi của TP. Rồi Hiệp được tuyển vào đội tuyển bơi quốc gia, mới được một năm, chưa thi đấu nhiều, nhưng anh chị vẫn luôn ở phía sau “tiếp lửa” cho con. Mỗi khi con đi thi đấu xa, anh chị đều sắp xếp công việc để có thể kết hợp thực hiện một chuyến đi ý nghĩa cho con.

Cuộc sống của gia đình anh Trọng đầy ắp niềm vui. Sau thời gian lao động vất vả hàng ngày là những giây phút quây quần gia đình, bà con lối xóm, cùng nhau tập luyện thể thao. Thế nên, không chỉ là gia đình thể thao tiêu biểu, nhà anh Trọng còn là một gia đình văn hóa tiêu biểu của xã. Đây chính là những hạt nhân để xây dựng nên đời sống văn minh của người Hà Nội trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần