Cienco 1 tố liên danh MPC thu phí thiếu minh bạch: Mập mờ chuyện ăn chia

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) - cổ đông dự án cải tạo nâng cấp tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ đã lên tiếng tố Công ty CP BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ (MPC) thu phí thiếu minh bạch.

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, hành động này thêm một lần nữa tô đậm những bất cập ở các trạm thu phí BOT.

Có tật, giật mình?

Theo ông Đinh Ngọc Đàn - Phó Tổng Giám đốc Cienco 1, công tác thu phí tại dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ có nhiều điểm chưa hợp lý. Bởi đây là tuyến đường có mật độ phương tiện cao, nhưng doanh thu thu phí hàng tháng trung bình chỉ 36 tỷ đồng, tức là khoảng 1,2 tỷ đồng/ngày. Đặc biệt, tháng 2/2016 là dịp Tết Nguyên đán, lượng phương tiện đông hơn nhưng mức thu lại chỉ hơn 35 tỷ đồng, thấp hơn những tháng khác. Từ tháng 1/2016 đến nay, mặc dù Cienco 1 đã nhiều lần đề nghị MPC cung cấp báo cáo tình hình thu phí với mức thu cụ thể theo từng ngày đến việc được thành lập tổ kiểm tra độc lập để cùng tham gia quản lý việc thu phí nhưng đều bị từ chối.
Trạm thu phí trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Phạm Hải
Trạm thu phí trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Phạm Hải
Cũng theo ông Đàn, để đảm bảo có số liệu đối chứng, Cienco 1 đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Frontier Solution lắp đặt thiết bị hệ thống giám sát lưu lượng trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Tuy nhiên, phía chủ đầu tư BOT thường xuyên cử người ra cản trở, dùng biển báo hoặc xe tải… che chắn camera. Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, việc Cienco 1 tiến hành giám sát việc thu phí, ngoài việc đảm bảo lợi ích của cổ đông còn góp phần đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân. Nếu liên danh MPC tự tin việc thu phí của họ là đúng, vậy tại sao họ phải ngăn cản Cienco 1 tiến hành giám sát.

Đừng phá hoại một chủ trương tốt

Liên quan đến những bất cập tại trạm thu phí BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ không can thiệp vào hoạt động DN, HĐQT của MPC sẽ quyết định các vấn đề hoạt động của liên danh. Những vấn đề này, HĐQT của liên danh sẽ phải có những giải pháp đảm bảo tính minh bạch trong thu phí theo ý kiến của cổ đông. Trong trường hợp các giải pháp đã được đưa ra mà cổ đông Cienco 1 vẫn cảm thấy chưa thỏa đáng thì có thể thuê đơn vị độc lập giám sát, và lúc đó, các cơ quan chức năng cũng sẽ vào cuộc.

Theo nhiều chuyên gia, hành động “vạch áo cho người xem lưng” của Cienco 1 xuất phát từ việc ăn chia không sòng phẳng của các cổ đông trong liên danh, tuy nhiên đây là việc làm rất cần thiết trong thời điểm hiện nay. Việc làm này đã một lần nữa chỉ ra những bất cập trong công tác giám sát việc thu phí của các DN BOT. Cụ thể, một chuyên gia tính toán, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ là 1.973 tỷ đồng, với mức phí thu vào từ 1,2 - 1,4 tỷ đồng/ngày như Cienco 1 tính toán thì mỗi năm DN sẽ thu được gần 470 tỷ đồng. Và nếu nhân với 17 năm 2 tháng (thời gian thu hồi vốn của dự án) sẽ là hơn 7.956 tỷ đồng. Mặc dù DN BOT không bỏ túi được hết số tiền trên, mà còn phải trang trải các loại chi phí khác phát sinh trong quá trình thu phí…, thế nhưng nếu việc thu phí vẫn cứ nhập nhèm, thiếu minh bạch như hiện nay thì chủ trương huy động các nguồn lực tham gia phát triển hạ tầng giao thông sẽ đi vào ngõ cụt, và người dân sẽ phải chịu thiệt thòi nhất khi phải đóng phí cao trong nhiều năm để làm lợi cho các DN BOT.
Dự án tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 1.973 tỷ đồng. Cổ đông lớn nhất tại dự án có số vốn điều lệ 823 tỷ đồng là Công ty CP Đầu tư phát triển Xây dựng Minh Phát (nắm 65% vốn điều lệ, giữ vị trí Tổng Giám đốc), 2 cổ đông khác là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành sở hữu 17%, Cienco 1 sở hữu 18% vốn điều lệ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần