Ba thập kỷ ghi dấu ấn thành công
Hết sức ấn tượng khi ngay từ khi bước chân vào văn phòng của Tập đoàn CMClà ngập tràn các biểu ngữ với tựa đề “Inspire the Digital Heritage - Kiến tạo di sản số”. Đó có lẽ là một thông điệp rất mới nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập CMC (26/5/1993 - 26/5/2023) phải không, thưa ông?
Đúng là như vậy, đó chính là mục tiêu mới của CMC. Từ hôm nay, sau 30 năm thành lập, chúng tôi sẽ chính thức bắt đầu con đường mới, kỷ nguyên mới của CMC, kỷ nguyên “kiến tạo di sản số”.
Lý do chúng tôi lựa chọn thông điệp đó là bởi vì, nếu như trong không gian truyền thống, chúng ta có rất nhiều di sản, như Hoàng Thành Thăng Long, hay Vịnh Hạ Long…, thì trong không gian số, cũng sẽ có những di sản số. CMC đang hướng đến mục tiêu trở thành tập đoàn số toàn cầu, tầm nhìn của chúng tôi không chỉ là 10 năm, 30 năm, hay 50 năm, mà là hàng trăm năm.
Sau sự phát triển bền vững, chúng tôi muốn trở thành một tập đoàn phát triển trường tồn, giống như nhiều tập đoàn lớn trên thế giới và trong hành trình đó, CMC muốn kiến tạo được những di sản số, không phải chỉ cho riêng mình, mà hơn hết, là cho đất nước, cho xã hội, cho nhân loại.
Đó là một tầm nhìn xa. Nhưng có lẽ trước tiên, hãy nói về 30 năm đã qua của CMC. Chắc hẳn, đã có những di sản số mà CMC kiến tạo được?
Cách đây 30 năm, chúng tôi - những người sáng lập CMC, những kỹ sư công nghệ trẻ tuổi, đã có một ước mơ là xây dựng một công ty công nghệ, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc và điều đó đã thành sự thực. Sau 30 năm dấn thân và kiên định với ước mơ của mình, CMC cũng đã có một di sản đáng tự hào. Chúng tôi đã trở thành một công ty đi đầu về công nghệ số, công nghệ điện toán đám mây với việc cung cấp dịch vụ chuyển đổi số cho hàng ngàn doanh nghiệp không chỉ ở Việt Nam, mà còn nằm trong Top 500 công ty lớn nhất toàn cầu. Samsung, Bosch, Hitachi, Honda, PepsiCo… đều là đối tác và là các khách hàng của chúng tôi.
Chúng tôi có hệ thống trung tâm dữ liệu trung lập đạt chuẩn thế giới, trong đó có trung tâm dữ liệu đặt tại KCX Tân Thuận (TP.HCM) đã được công nhận là trung tâm dữ liệu an toàn và hiện đại nhất Việt Nam tính tới thời điểm này.
Chúng tôi giờ đây đã là một tập thể gần 6.000 cán bộ nhân viên, với doanh thu năm tài chính 2022 (kết thúc vào ngày 31/3/2023) đạt 8.363 tỷ đồng, lợi nhuận EBITDA gần 900 tỷ đồng, đều tăng trưởng hai con số, tương ứng là 21% và 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chúng tôi cũng có rất nhiều di sản số khác. Đó là hạ tầng số vật lý với 2.500km đường trục backbone CVCS (Cross Vietnam Cable System)…; là hạ tầng số phi vật lý với hệ sinh thái số dành cho tổ chức & doanh nghiệp C.Ope2n, với CMC Cloud- nền tảng điện toán đám mây makeinVietnam hàng đầu; là các công nghệ lõi phát triển thành các giải pháp số áp dụng cho việc hoạt động, kinh doanh, bảo mật của tư nhân, doanh nghiệp, nhà nước…; là nhân lực số với tầng tầng lớp lớp thế hệ con người CMC có tính kế thừa từ các lãnh đạo, kỹ sư, cộng sự, tới sinh viên đại học số… Tất cả đều là những di sản số mà CMC nỗ lực kiến tạo.
Những thành tựu đạt được là rất đáng tự hào. Đâu là dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của Tập đoàn, thưa ông?
30 năm là một chặng đường rất dài, bây giờ ngồi nhớ lại, có lẽ phải chia ra từng thập kỷ. Thập kỷ đầu tiên chính là giai đoạn sáng nghiệp. Ngay khi thành lập công ty, chúng tôi đã hợp tác để nghiên cứu, chế tạo và đi thẳng vào tổng đài điện tử 256 số, chứ không phải là tổng đài analog nữa. Sau đó, là thành lập công ty đầu tiên ở Việt Nam sản xuất máy tính theo mô hình công nghiệp, mang tên CMS.
Thập kỷ thứ hai, quy mô công ty lớn dần lên, chúng tôi tạo dựng được nhiều giải pháp cho các khách hàng lớn và quan trọng. Từ sản xuất máy tính, chúng tôi sản xuất máy chủ, rồi lấn sân sang lĩnh vực viễn thông. Đây là giai đoạn mà chúng tôi mở rộng quy mô, lập nhiều công ty, như CMC Soft, CMC Distribution, rồi mở cả một “super store” rất nổi tiếng lúc bấy giờ là Blue Sky…
Nhưng dấu mốc quan trọng nhất có lẽ là việc chúng tôi quyết định chuyển đổi mô hình kinh doanh từ các công ty nhỏ lẻ trở thành mô hình tập đoàn và sau đó, vào năm 2010, chính thức trở thành công ty đại chúng, niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE TP.HCM. Đó là bước ngoặt mang tính chất quyết định, tạo tiền đề cho sự phát triển bứt phá của CMC sau này.
Còn thập kỷ thứ ba chính là lúc chúng tôi phát huy sức mạnh của Tập đoàn để từng bước trở thành tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam… Nếu như ở thập kỷ đầu tiên, doanh thu của chúng tôi chỉ là 100 – 200 tỷ đồng/năm, thì sang thập kỷ tiếp theo, chỉ một hợp đồng cũng có quy mô từng đó, doanh thu tăng lên 3.000 – 4.000 tỷ đồng/năm, và hiện nay, đã vượt ngưỡng 8.000 tỷ đồng. Có nghĩa là, sau mỗi thập kỷ, quy mô doanh thu của chúng tôi đã tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với trước.
Hơn thế nữa, ở thập kỷ thứ ba, chúng tôi quyết định đi ra toàn cầu với chiến lược Go Global mang các giải pháp, dịch vụ tiên tiến ra thị trường thế giới và mở rộng sang lĩnh vực giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực số không chỉ cho CMC mà phục vụ cho cả thị trường với mục tiêu rõ ràng là trở thành Tập đoàn số toàn cầu quy mô tỷ đô.
Hiện thực hóa khát vọng trở thành tập đoàn số toàn cầu
CMC đã đặt mục tiêu trở thành tập đoàn số toàn cầu, với doanh thu vào năm 2025 sẽ đạt 1 tỷ USD, quy mô nhân lực trên 10.000 người. Mục tiêu này có quá tham vọng hay không, khi chỉ còn 3 năm nữa là đến dấu mốc này?
Nếu để Tập đoàn một triển một cách tự nhiên, có lẽ, chúng tôi cũng sẽ chỉ đạt được 70% tham vọng của mình. Vì thế, cái chúng tôi cần chính là các giải pháp đột phá. Các đột phá mà chúng tôi đang nhắm tới là xây dựng và phát triển hạ tầng số; cung cấp giải pháp và năng lực chuyển đổi số cho khách hàng… với chất lượng ở đẳng cấp thế giới (World-class). Đây chính là những đòn bẩy quan trọng, mà ở CMC, chúng tôi gọi là “Big Move”. Có 20 “Big Move” như vậy được đặt ra trên toàn Tập đoàn để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của CMC trong thời gian tới.
CMC có vẻ hơi chậm chân trên con đường bước ra thị trường toàn cầu, nhưng dường như lại đang có bước phát triển thần tốc. Vì sao lại như vậy, thưa ông?
Đó là một câu hỏi thú vị, và câu trả lời là CMC Global không phải là một startup, đi lên từ số ‘0’. CMC Global khi được thành lập cách đây 6 năm (năm 2017), đã có nền tảng kinh nghiệm, năng lực tài chính, quản trị của một CMC đã có 25 năm thành công rồi.
Thực ra trước đó, chúng tôi cũng đã có các bước thử nghiệm, chỉ là chưa tìm được “điểm chạm” để đảm bảo thành công. Còn giờ đây, sau khi phân tích, đánh giá và có chiến lược đúng đắn, tổng hòa các yếu tố thuận lợi đã tạo cho CMC Global tốc độ phát triển nhanh như vậy, chỉ sau 6 năm CMC Global đã có hơn 3000 lập trình viên và đứng thứ hai tại thị trường ITO.
Có một câu chuyện mà không ít người đã nói đến, đó là dường như các bước đường phát triển của CMC cũng giống một số tập đoàn công nghệ hàng đầu khác tại Việt Nam. Ông có cảm thấy e ngại về điều này?
Câu hỏi này tôi cũng hay nhận được từ các khách hàng, các cổ đông, thậm chí là từ cả các đối thủ cạnh tranh. Nhưng tôi cho rằng, một công ty mà giống hệt một công ty khác thì không có cơ hội để thành công. Mỗi công ty phải xây dựng cho mình một năng lực cạnh tranh, một sự khác biệt so với các công ty khác. Chúng tôi có rất nhiều điểm khác biệt riêng, mà có thể nhiều người không nhận ra. Chúng tôi xuất thân từ dân công nghệ, và từ trước tới nay, CMC vẫn tập trung vào công nghệ, dựa vào công nghệ để phát triển. Ngay cả sản phẩm, dịch vụ chúng tôi cũng đi theo hướng công nghệ để tiếp cận thị trường hơn là đi theo hướng thương mại. Tức là làm các sản phẩm chuyên sâu hơn, tạo ra nhiều giá trị hơn cho khách hàng.
Bắt đầu kỷ nguyên kiến tạo di sản số
Cùng với tham vọng trở thành tập đoàn số toàn cầu, ông cũng đã từng chia sẻ khát vọng đưa Việt Nam trở thành “Digital Hub” của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Khát vọng này liệu có quá thách thức?
Cơ hội bao giờ cũng đi kèm với thách thức. Khó có một cơ hội rất lớn nào mà lại dễ dàng được. Nhưng tôi cho rằng, thách thức không phải là quá lớn, chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi để có thể hiện thực hóa được khát vọng này. Vị trí địa chính trị thuận lợi, nhân lực chất lượng cao là lợi điểm.
Hiện nay, chúng tôi đang xúc tiến quyết liệt các chương trình hành động cho dự án Digital Hub trên khắp cả nước, trong đó ngoài việc xây dựng Data Center trung lập với kết nối cao, quy mô lớn tại Khu chế xuất Tân Thuận và Khu công nghệ cao SHTP, chúng tôi sẽ cho xây tổ hợp CCS tại khu công nghệ cao Hòa Lạc, và CCS Đà nẵng. CMC cũng chủ trì xây dựng trạm trung chuyển Internet Tiểu vùng sông Mê Kông GMS-IX, đầu tư xây dựng tuyến cáp trục xuyên Việt CVCS…
Thêm nữa, Chính phủ hiện nay có rất nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tôi nghĩ, chúng ta hội tụ cả thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Do vậy, đó không phải là một giấc mơ hão huyền hay xa vời, nếu có chiến lược đúng đắn và quyết tâm chính trị lớn, trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ trở thành “Digital Hub” của khu vực APAC.
Và còn có thể trở thành một cường quốc về công nghệ số, kinh tế số nữa chứ! Tôi đã nghe ông nói về khát vọng to lớn này…
Đó là tầm nhìn, là khát vọng của CMC trong 10 năm, 20 năm, 50 năm và thậm chí là lâu hơn nữa. Công nghệ biến đổi từng ngày nên sẽ thật khó để xác định sản phẩm, dịch vụ sẽ phát triển cụ thể như thế nào. Chỉ biết rằng, chiến lược, tầm nhìn phát triển của CMC phải gắn với chiến lược phát triển của đất nước, của xã hội.
Việt Nam có thể trở thành “Digital Hub”, có thể trở thành trung tâm tài chính, thương mại của thế giới và phải vươn lên trở thành cường quốc về kinh tế số, là trung tâm cung cấp dịch vụ số của thế giới. Chúng tôi, các công ty công nghệ, sẽ đồng hành với đất nước trong hành trình thực hiện khát vọng lớn lao này.
Đó cũng là cách để CMC kiến tạo di sản số, phải không, thưa ông? Tôi vẫn được nghe kể rằng, ông và cố Chủ tịch Hà Thế Minh chính là một cặp bài trùng hoàn hảo. Nếu như cố Chủ tịch Hà Thế Minh là người xác định tầm nhìn “Tương lai số” của CMC trong giai đoạn đầu tiên, thì ông chính là người truyền cảm hứng “Khát khao chinh phục thế giới số” cho những người CMC từ năm 2017 cho tới nay. Bây giờ, ông sẽ dẫn dắt CMC viết tiếp giấc mơ đứng đầu thị trường như thế nào?
Khi tôi và anh Hà Thế Minh cùng các cộng sự thành lập công ty thì chúng tôi đã cùng nhau viết giấc mơ của mình. Còn bây giờ, tất cả chúng tôi đang cùng viết giấc mơ của CMC và của chính mỗi con người CMC.
Tôi đã từng tự hỏi, sau 30 năm, thì ước mơ tiếp theo của CMC là gì? Câu trả lời, như tôi đã khẳng định, chính là cùng nhau kiến tạo di sản số. Đó là ước mơ lớn lao của chúng tôi trong lúc này. Tất cả chúng tôi, sẽ cùng nhau kiến tạo các di sản số, cho CMC và cho mỗi người chúng tôi, để rồi, từ đó lan tỏa ước mơ, thôi thúc cả xã hội cùng chung tay kiến tạo nên di sản số của đất nước, của nhân loại.