Ngay cả Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, được ban hành để thực thi từ năm 2011, song đến nay, đây vẫn là bài toán không dễ tìm ra lời giải. Một bộ phận lớn người dân đô thị nói riêng và người thu nhập thấp trên cả nước vẫn đau đáu một giấc mơ an cư.
Thực tế, đã có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ ưu đãi cho các đối tượng chính sách xã hội cải thiện được nhà ở đã được ban hành, song quá trình triển khai đã và đang bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục. Do vậy, để giải quyết tốt hơn nhu cầu cải thiện nhà ở cho người dân, trong thời gian tới sẽ có một loạt chính sách mới.
Thông tin mới nhất từ Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), đến nay, cả nước đã có 1.040 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp (bao gồm 507 dự án nhà ở xã hội độc lập với tổng diện tích đất hơn 1.375ha và 533 dự án được xây dựng trên quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị, với diện tích đất hơn 1.983ha). Trong đó đã hoàn thành 248 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng hơn 103.500 căn, với tổng diện tích hơn 5.175.000m2; đang tiếp tục triển khai 264 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 216.500 căn, với tổng diện tích khoảng 10.825.000m2 và 512 dự án chưa triển khai hoặc đang làm thủ tục đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, với tổng diện tích hơn 5.175.000m2 nhà ở xã hội đã xây dựng, hiện mới chỉ đạt được khoảng 41,4% so với mục tiêu đề ra, bởi trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 cần xây dựng 12.500.000m2 nhà ở.
Rõ ràng, con số 41,4% còn quá khiêm tốn, trong khi đó, nhà ở trung - cao cấp đã được dồn dập xây dựng, có nguy cơ dư thừa nguồn cung. Việc các DN không chú trọng triển khai xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp có nhiều nguyên nhân. Nhưng tựu trung xuất phát từ cơ chế chính sách và tự bản thân phần lớn DN đặt lợi ích kinh tế lên trên lợi ích xã hội. Để khỏa lấp vấn đề này, Bộ Xây dựng đang soạn thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Ngoài nội dung liên quan đến giải pháp tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc cơ bản về nguồn vốn ưu đãi, quỹ đất, giảm bớt thủ tục hành chính, trình tự thủ tục đầu tư, giá bán nhà..., đáng chú ý, trong lần sửa đổi này, Ban soạn thảo đề xuất nhóm giải pháp khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp.
Theo cách lý giải của Ban soạn thảo, nhà thương mại giá thấp là các chung cư có diện tích căn hộ nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 20 triệu đồng/m2, tối đa không vượt quá 1,5 tỷ đồng/căn. Nhà đầu tư nhà ở thương mại giá thấp cũng được xem xét vay ưu đãi. Đặc biệt, với những dự án này, sẽ thực hiện chỉ định thầu để đẩy nhanh tiến độ phát triển dự án, đồng thời đề xuất cơ chế Nhà nước hỗ trợ giải phóng mặt bằng.
Đây là một đề xuất có ý nghĩa xã hội sâu sắc, nhân văn. Nếu được triển khai, không những thị trường bất động sản phát triển bền vững hơn, hạn chế sự "đóng băng", mà còn giúp người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình tiến gần hơn giấc mơ an cư để lạc nghiệp.