Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ chế đồng bộ phát triển hydrogen trên hệ sinh thái năng lượng tái tạo

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiến lược năng lượng hydrogen là phát triển hệ sinh thái dựa trên năng lượng tái tạo, bao gồm sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối, sử dụng với hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Song cũng cần hoàn thiện cơ chế chính sách để triển khai.

Chủ động, phối hợp triển khai

Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 một lần thể hiện rõ chủ trương phát triểm kinh tế theo hướng xanh, chuyển đổi nền kinh tế bền vững, đạt mục tiêu Việt Nam đã cam kết. Theo Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Hoàng Tiến Dũng, với ngành điện Việt Nam là ngành tiêu thụ nhiều năng lượng và phát thải khí nhà kính, việc chuyển đổi nguyên liệu hoá thạch sang sử dụng hydrogen là hết sức cần thiết.

Đường ống dẫn khí LNG tại kho cảng Thị Vải của PV GAS. Ảnh: Khắc Kiên
Đường ống dẫn khí LNG tại kho cảng Thị Vải của PV GAS. Ảnh: Khắc Kiên

Trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra lộ trình chuyển đổi nhà máy nhiệt điện than sang sử dụng amoniac xanh, lộ trình chuyển đổi nhà máy sử dụng khí LNG sang hydrogen. Từ nay đến năm 2030, cần có nghiên cứu, sử dụng bước trộn các nhiên liệu như than với amoniac, khí hóa lỏng với hydro để sau đó triển khai từ giai đoạn 2030 - 2050.

Có một điểm lớn hiện phụ thuộc vào công nghệ đối với các nhà máy sử dụng than và khí, sang amoniac và hydrogen. Bởi công nghệ này vẫn chưa được thương mại hóa và giá thành sản xuất amoniac, hydrogen cao chắc chắn lộ trình để chuyển đổi nhiên liệu cần phù hợp với mức độ.

Bàn về vấn đề, Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ KH&CN) Lý Quốc Hùng nói, Vụ sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện việc rà soát, sửa đổi, xây dựng bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực sản xuất, sử dụng, lưu trữ, vận chuyển hydrogen và lĩnh vực thu giữ/sử dụng carbon phù hợp với các quy định, tiêu chuẩn quốc tế; Cập nhật những tiến bộ KHCN trên thế giới về năng lượng hydrogen; Xây dựng các nhiệm vụ nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu về công nghệ sản xuất, lưu trữ, phân phối và công nghệ sử dụng hydrogen.

Với chức năng nhiệm vụ của mình, ông Trần Trung Đức (Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ Bộ KH&ĐT) thông tin, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương thúc đẩy cơ chế chính sách để phát triển ngành công nghiệp hydrogen. Nghiên cứu đề xuất cấp thẩm quyền ban hành các quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi để sản xuất hydrogen. Đây là nhiệm vụ nặng, cũng là vướng mắc lớn để phát triển ngành công nghiệp này. Bộ thống nhất đề xuất bổ sung thêm 1 điều khoản trong Luật Đầu tư về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của các dự án điện gió ngoài khơi khi xây dựng Luật Điện lực sửa đổi cho phù hợp, đồng bộ.

Mong cơ chế hỗ trợ

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Ngô Sơn Hải cho biết, từ năm 2023, EVN đã chủ động giao tư vấn thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về tổng quan thị trường hydrogen, dự báo phát triển thị trường hydro trên thế giới. Kết quả nghiên cứu là cơ sở để EVN hoàn thành các bước tiếp theo.

Trên công trường thi công Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 - 4 của PV Power. Ảnh: Khắc Kiên
Trên công trường thi công Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 - 4 của PV Power. Ảnh: Khắc Kiên

Mặt khác, EVN đang triển khai xây dựng các lộ trình, giải pháp để chuyển đổi năng lượng tại Tập đoàn, trong đó có các nhà máy điện truyền thống chuyển sang đốt phối trộn hydro. Dự kiến, trong quý II, III/2024 sẽ xong các lộ trình để chuyển đổi các nhà máy điện cũ theo Quy hoạch điện VIII. Để thực hiện, EVN có 2 kiến nghị. Thứ nhất, đề nghị xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các dự án phát điện hydrogen có thể cạnh tranh được với nguồn khác trong hệ thống. Thứ hai, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn về phát điện hydro để triển khai thực hiện kế hoạch liên quan đến Chiến lược phát triển hydrogen.

Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) Phan Tử Giang cho hay, hiện Tập đoàn đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế CHLB Đức (GIZ) nghiên cứu tích hợp hydrogen xanh để thay thế dần hydrogen xám trong nhà máy sản xuất đạm. Tập đoàn cũng phối hợp với đối tác Hàn Quốc tìm kiếm phương án sản xuất và vận chuyển. Ngoài ra, nghiên cứu, thực hiện công tác đốt kèm hydrogen xanh để giảm bớt đốt than ở các nhà máy điện than nhằm giảm phát thải carbon…

Còn theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) Đặng Thanh Hải, hiện TKV đã làm việc với các đối tác nước ngoài, trong đó có Nhà máy Nhiệt điện Na Dương. Song, một trong những khó khăn lớn nhất là công nghệ vẫn chưa thống nhất để chuyển đổi nhiên liệu này. Do đó, rất cần có những dự án đi đầu, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm để triển khai. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) Lê Hoàng cho rằng, đây là vấn đề mới, rất mong trong quá trình triển khai thực hiện sẽ nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan, doanh nghiệp.

Dưới góc độ địa phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh Vũ Hồng Dương thông tin, Trà Vinh có một nhà máy hydro xanh đầu tiên ở Việt Nam đã thực hiện chủ trương đầu tư, với công suất 24.000 tấn/năm hydrogen và amoniac là 182.000 tấn/năm, Oxy là 195.000 tấn/năm. Đến nay, tỉnh đã chuẩn bị xong mặt bằng giao cho nhà đầu tư, còn cấp phép dịch vụ, các thủ tục pháp lý đang hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi để trình thẩm định. Hiện dự án cũng đang hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, dự kiến trình trong tháng 3/3024. Tiếp đến là hoàn chỉnh phần phòng cháy chữa cháy, dự kiến là vào tháng 5/2024. Tuy nhiên, đây là dự án mới nên việc hoàn thiện những hồ sơ đến nay vẫn còn một số vướng mắc, rất mong thời gian tới Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan có hỗ trợ đặc biệt để tỉnh triển khai.

Để triển khai chiến lược phát triển hydrogen xanh, đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), chuyên gia Hà Đăng Sơn mong muốn sớm có được phê duyệt kế hoạch thực hiện của chương trình năng lượng phát thải thấp Việt Nam. Trong đó có hoạt động liên quan tới hỗ trợ Vụ Dầu khí - Than về các triển khai, cụ thể hóa chiến lược này, cũng như thực hiện Quy hoạch điện VIII, các vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, hoặc các cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA).