Sáng 24/8, một số TS và phụ huynh đứng trước cửa Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội để trình bày hoàn cảnh và xin được rút Giấy chứng nhận điểm thi THPT quốc gia 2016. Lý do chính vẫn là do muốn được chuyển sang xét tuyển bổ sung ở trường khối công an, quân đội để được miễn học phí, ra trường đảm bảo có việc làm. Tại ĐH Kinh tế quốc dân, Ngoại thương cũng có những trường hợp xin rút hồ sơ, song không được chấp nhận. Ông Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, ngày 23/8 đã có 30 trường hợp TS đến xin rút hồ sơ. Chủ trương của trường là nếu được phép về mặt kỹ thuật thì tạo điều kiện cho các em. Tuy nhiên, đến 19 giờ ngày 21/8, trường hoàn thành rà soát dữ liệu và báo cáo Bộ GD&ĐT, đồng nghĩa mã xét tuyển của TS trúng tuyển đã hết thời hạn, lúc này hệ thống của Bộ GD&ĐT quản lý. “Trong trường hợp đã giải thích, tư vấn nhưng TS vẫn cương quyết thì trường đáp ứng nguyện vọng. Tất nhiên, TS phải viết cam kết dành chỉ tiêu của mình cho bạn khác để trường tuyển bổ sung, nếu TS gặp vấn đề trong xét tuyển bổ sung, trường không chịu trách nhiệm”. Có cho TS trúng tuyển nguyện vọng 1 rút hồ sơ hay không đang là vấn đề được bàn luận. Theo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ, TS được đăng ký 2 trường, mỗi trường tối đa 2 nguyện vọng và không được rút hồ sơ. Hơn nữa, các em đã có rất nhiều thời gian xem xét nộp hồ sơ vào trường nào. Nay TS đòi rút hồ sơ, làm xáo trộn việc tuyển sinh của các trường; ảnh hưởng đến nhiều TS khác. Tuy nhiên, có chuyên gia lại cho rằng, trong trường hợp TS đăng ký nguyện vọng 1 vào các trường công an, quân đội nhưng bị trượt, nay các trường đó hạ điểm xét tuyển bổ sung, TS thấy có cơ hội trúng thì trường có TS rút hồ sơ nên tạo điều kiện, vì số TS xin rút hồ sơ không nhiều. Chỉ có điều Bộ GD&ĐT nên có văn bản chỉ đạo và các trường công khai thông tin xét tuyển, điểm trúng tuyển để tránh tình trạng tiêu cực có thể xảy ra.