Có cơ sở để hạ lãi suất

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là nhận xét của các chuyên gia khi nhìn nhận về diễn biến thị trường tiền tệ từ nay đến cuối năm. Đang có nhiều diễn biến tích cực ủng hộ cho quan điểm này.

Dư địa cho tăng trưởng tín dụng còn lớn
Chỉ còn 2 tháng nữa là hết năm, Chính phủ một lần nữa hối thúc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm mặt bằng lãi suất, giúp DN hạ chi phí vốn, thúc đẩy tăng trưởng. Thông tin tại phiên họp Chính phủ tháng 10, tín dụng nền kinh tế cuối tháng 10 ước tăng 12,69% so với tháng 12/2016. Như vậy, dư địa để tăng trưởng tín dụng trong 2 tháng cuối năm còn khá lớn. So với mục tiêu đặt ra là tăng trưởng 21 - 22% thì còn khoảng 9 - 10% nữa, tương đương khoảng gần 500.000 tỷ đồng. Ngân hàng muốn đẩy vốn ra thì phải hạ lãi suất để kích cầu tiêu thụ.

Kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi xuất khẩu tại Công ty CP May 10.  Ảnh:  Thanh Hải

Ông Phạm Thế Anh - chuyên gia kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, đang có nhiều chuyển động tích cực trong hoạt động của các ngân hàng. Điều này có được do bản thân nền kinh tế đang tốt lên, đồng thời các ngân hàng đang đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu. Đơn cử, động thái mua lại nợ của các ngân hàng như Techcombank, MB, VietinBank… cho thấy năng lực tài chính của ngân hàng mạnh mẽ, đồng thời thị trường tài sản chuyển động tích cực. Với diễn biến này, ngân hàng sẽ chủ động trong các phương án kinh doanh, bảng cân đối tài sản tốt cho phép mở rộng các lĩnh vực hoạt động.

Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, có thể khẳng định "cục máu đông nợ xấu" đang được "rã đông" nhanh hơn dự kiến. Điều này thể hiện trong việc tỷ lệ nợ dưới chuẩn của các ngân hàng đã giảm mạnh theo báo cáo tài chính quý III đang được nhiều ngân hàng công bố, và kết quả kinh doanh của các ngân hàng được cải thiện hơn rất nhiều, nhất là mảng thu từ dịch vụ bán lẻ sẽ bù đắp chi phí vì việc giảm lãi suất cho vay ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận.

Lạm phát và tỷ giá trong tầm kiểm soát

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết, lạm phát và tỷ giá sẽ là 2 yếu tố tác động đáng kể lên mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra cho thấy, 2 yếu tố này vẫn trong tầm kiểm soát.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2017 tăng 0,41% so với tháng trước, lạm phát bình quân 10 tháng qua là 3,71%, vẫn trong tầm kiểm soát. Tỷ giá 10 tháng qua tiếp tục bình ổn. Dự trữ ngoại hối đã đạt 45 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay, trong đó chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay tăng thêm 6 tỷ USD. “Cung về ngoại tệ sẽ tiếp tục tăng lên, do vậy, nếu NHNN không có động thái chủ động phá giá tiền đồng để tăng dự trữ ngoại hối cũng như hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu thì nhiều khả năng tỷ giá sẽ dao động trong biên độ hẹp, thậm chí còn có thể lên giá so với đồng USD” - ông Hiếu nhận định.

Quan sát thị trường, tỷ giá trung tâm và tại các ngân hàng không có nhiều biến động, trong khi tỷ giá liên ngân hàng ở mức 22.710 VND/USD, ngang mức giá mua vào của NHNN, đồng nghĩa với việc NHNN có thể sẽ mua được ngoại tệ từ các ngân hàng. Kết quả này cũng đồng nghĩa với việc có một khối lượng tiền đồng tương ứng sẽ được bơm ra thị trường. Nhờ vậy, thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục được cải thiện. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng do đó cũng sẽ khó có sự biến động mạnh trong thời gian tới, thậm chí còn có khả năng chạm ngưỡng thấp kỷ lục như từng diễn ra trong năm 2016.
Bản tin của Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho biết, lãi suất liên ngân hàng tuần qua có xu hướng giảm nhẹ đối với các loại kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần, biên độ giảm ở mức 0,02 - 0,16%. Nhu cầu đối với trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm đang có xu hướng tăng lại, cho thấy thanh khoản đang cải thiện. Đây cũng là cơ sở để tin tưởng thị trường sẽ tiếp tục ổn định trong thời gian tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần