Có dấu hiệu “lợi ích nhóm” trong việc chuyển nhượng cổ phần tại BVEC?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị ngày 23/3 có bài “Chuyển nhượng cổ phần đầy khuất tất tại BVEC: Ai “chống lưng” cho sai phạm?” thông tin về việc chuyển nhượng vốn khuất tất tại Dự án mở rộng Quốc lộ 51, theo hình thức BOT (DA BOT QL51).

 Liên quan đến vấn đề này, ngoài Bộ Giao thông vận tải thì mới đây Bộ trưởng Bộ Xây dựng có chỉ đạo Thanh tra Bộ vào cuộc làm rõ vụ việc.

“Chiêu thức” thâu tóm vốn Nhà nước?

Như trước đó, Báo Kinh tế & Đô thị đã đưa tin, tại DA BOT QL51 trên địa phận tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có tổng mức đầu tư ghi trong hợp đồng BOT là hơn 3.300 tỷ đồng, mới được đưa vào sử dụng và thu phí trong vài năm gần đây, nhưng các nhà đầu tư (NĐT) đã chuyển nhượng liên tục cổ phần tại dự án. Theo đó, từ ba nhà đầu tư (NĐT) ban đầu trong hợp đồng BOT QL51 ký năm 2009 gồm Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và KCN Việt Nam (IDICO), Tổng công ty Sông Đà và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đến tháng 7/2015, 2 NĐT là Tổng công ty Sông Đà và BIDV rút khỏi DA, thay vào đó là 2 NĐT mới là Tổng công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng (DIC) và Công ty CP xây dựng và thương mại tổng hợp Thái Ninh (Công ty Thái Ninh).
1>	Căn nhà ở số 95 Đặng Văn Ngữ - Hà Nội
 Căn nhà ở số 95 Đặng Văn Ngữ - Hà Nội
Và khi 2 NĐT đồng thời là các cổ đông sáng lập là BIDV, Tổng công ty Sông Đà “bất ngờ” rút khỏi dự án thì toàn bộ số vốn của BIDV được chuyển nhượng cho Công ty Thái Ninh (có địa chỉ số 95 Đặng Văn Ngữ - Đống Đa, Hà Nội); vốn của Tổng công ty Sông Đà chuyển cho DIC mà không báo cáo Chính phủ, không báo cáo bên A là Tổng cục Đường bộ - Bộ Giao thông vận tải?

Ngoài ra, trong quá trình chuyển vốn, khi cả hai cổ đông là DIC và IDICO có ý định thoái vốn để đầu tư vào các trọng điểm khác thì đều được Bộ Xây dựng chỉ đạo “ưu tiên” bán cho Thái Ninh để công ty này có thể sở hữu toàn bộ vốn của dự án BOT quốc lộ 51 có tổng đầu tư lên tới gần 4.000 tỷ đồng.

Đến tháng 3/2016, DIC tiếp tục có văn bản thông báo tới Công ty Thái Ninh và BVEC là hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 02/CNCP/DIC CORP-THAININH ngày 22/9/2014) giữa DIC và Thái Ninh được tiếp tục thực hiện. Trên thực tế, theo tài liệu thể hiện, cho đến thời điểm hiện tại, cả DIC, IDICO và Thái Ninh mới chỉ góp khoản vốn hơn 100 tỷ đồng trong tổng số vốn phải góp là 1.700 tỷ đồng. Nếu quá trình chuyển nhượng được Bộ Xây dựng “ưu tiên” để IDICO bán cho Thái Ninh thực chất chỉ là phần vốn ít ỏi, còn chủ yếu là những khoản đang còn… nợ. Dư luận đặt ra nghi vấn, phải chăng với với chuyển nhượng vốn diễn ra “suôn sẻ” thì chẳng khác nào Công ty Thái Ninh “tay không bắt giặc” thâu tóm toàn bộ nguồn vốn của DA?
1>	Trạm thu phí trên quốc lộ 51
Trạm thu phí trên quốc lộ 51
Nghi vấn “lợi ích nhóm”?

Về việc tham gia góp vốn tại DA QL51, ngày 18/6/2015, Công ty CP Đầu tư phát triển Cường Thuận - IDCO (CTC), là công ty liên kết của IDICO, đồng thời là nhà thầu tham gia thực hiện DA đã có Văn bản số 100/2015/CV-CTC về việc đề nghị IDICO xem xét chấp thuận cho CTC được mua lại phần góp vốn mà Tổng Công ty đã góp và tham gia góp phần vốn còn lại của IDICO tại BVEC với tư cách là cổ đông chính thức tại BVEC… Đến ngày 19/2/2016, Bộ Xây dựng có Công văn 282/BXD-QLDN do Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh ký lại yêu cầu IDICO xây dựng phương án thoái vốn, xem xét ưu tiên mua cho Công ty Thái Ninh… Với động thái chỉ đạo của Bộ xây dựng giống như việc “bật đèn xanh” để “định hướng” nhằm mục đích IDICO bán cổ phần cho Công ty Thái Ninh - hiện là cổ đông hiện hữu duy nhất tại BVEC (sau khi IDICO thoái vốn) trong khi Công ty Thái Ninh không phải là cổ đông sáng lập BVEC (?).
Có dấu hiệu “lợi ích nhóm” trong việc chuyển nhượng cổ phần tại BVEC? - Ảnh 1
Theo tìm hiểu của phóng viên được biết, tại hợp đồng 02/CNCP/DIC-Thai Ninh thì phần thông tin bên B - tức là Công ty Thái Ninh – cũng chỉ thông tin rất sơ sài: Công ty này có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0102588119 do Sở KHĐT Hà Nội cấp ngày 26/12/2007, thay đổi lần 1 ngày 19/7/2011. Công ty do bà Phạm Thị Bích Ngà đăng ký làm giám đốc và địa chỉ Công ty tại số 95 Đặng Văn Ngữ - quận Đống Đa (Hà Nội). Vậy liệu Công ty Thái Ninh có khả năng sở hữu tỷ lệ vốn lớn tại dự án có tổng vốn lên tới gần 4.000 tỷ đồng?. Đáng lưu ý, tại địa chỉ 95 Đặng Văn Ngữ là một căn nhà cao 6 - 7 tầng, mà theo người dân khu vực cho biết, ở căn nhà này chỉ là nhà ở không có  có biển hiệu công ty nào.

Đối với việc Công văn 282/BXD-QLDN do Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh ký yêu cầu IDICO xây dựng phương án thoái vốn, xem xét ưu tiên mua cho Công ty Thái Ninh, đại diện lãnh đạo IDICO cho rằng: Công ty Thái Ninh là công ty “gia đình” bởi 3 cổ đông sáng lập đều là người nhà thân thích của Thứ trưởng Bộ xây dựng (?!). Việc chỉ đạo ưu tiên này là thiếu khách quan, và sai quy định trong quản lý doanh nghiệp nói chung và quy định tại dự án BOT nói riêng.

Liên quan đến dự DA BOT QL 51, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng: Dự án đầu tư QL51 là không minh bạch, chất lượng kém. Người dân sẽ nghi ngờ rằng làm đường BOT là nhóm lợi ích của một nhóm người có quyền lực, nhóm người quyền lực đó chỉ cơ quan quản lý Nhà nước mới biết. Chính sự không minh bạch từ đấu thầu, nghiệm thu, tính mức thu phí dẫn đến mưc phí đường BOT liên tục tăng, đồng thời vốn đầu tư cho một km đường cao tốc BOT quá cao.

Theo ông Liên, việc một dự án nghìn tỷ như vậy mà DN BOT vốn chỉ có 10% là một điều rất vô lý vì một trong những điều kiện để đấu thầu dự án BOT là năng lực tài chính của đơn vị đấu thấu mà việc DN chỉ có 10% vốn cho thấy năng lực của DN này là quá yếu kém. Không chỉ vậy, còn một điều phi lý khác là đến khi làm xong đường rồi chưa nghiệm thu mà vẫn tiến hành thu phí.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng đưa ra quan điểm, với sai phạm tại DA BOT QL51 Thanh tra chính phủ phải vào cuộc làm rõ trách nhiệm các bên liên quan.

Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.