Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Cổ đông chiến lược mua hãng phim có nhất thiết không được bán bún?"

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là câu hỏi đã được chuyên gia Kinh tế Võ Trí Thành đặt ra tại Hội thảo công bố Báo cáo Cổ đông chiến lược trong cổ phần hóa (CPH) DNNN do CIEM tổ chức chiều 30/9.

Ông Thành cho rằng, chúng ta phải rõ ràng mục tiêu tìm cổ đông chiến lược khi CPH DNNN. Nếu tìm cổ đông chiến lược lâu dài, đồng hành cùng DN thì quy định yêu cầu nhà đầu tư cam kết giữ ngành nghề kinh doanh, giữ thương hiệu 3-5 năm là cần thiết. 

“Tuy nhiên, nếu mục tiêu CPH để lấy tiền đi làm việc khác thì có cần thiết phải đưa ra quy định mua hãng phim buộc phải làm phim chứ không được đi bán bún không?”- ông Thành dẫn ví dụ từ sự việc cổ phần hóa hãng phim Việt Nam đang gây chú ý thời gian qua.

Sự việc cổ phần hóa hãng phim Việt Nam gây nhiều tranh cãi thời gian qua.

Mục tiêu thứ 3 theo vị chuyên gia này là có thể cổ đông chiến lược “tôi rất muốn làm phim, tôi bán cái này để làm nghệ thuật ở chỗ khác”. “Nếu xem xét kỹ mục tiêu thì chúng ta sẽ có những quy định rõ hơn, phù hợp với cơ chế thị trường hơn khi tìm cổ đông chiến lược cho DNNN”- TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Kết quả khảo sát 46 tổng công ty được phê duyệt phương án CPH giai đoạn 2011 - 2016 của CIEM chỉ ra, đa số Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước quy mô lớn chưa thu hút được cổ đông chiến lược; tỷ lệ sở hữu của cổ đông chiến lược thấp, kém thu hút cổ đông chiến lược nước ngoài.

Trong số 46 DN này có 14 DN trong phương án CPH không bán cho nhà đầu tư chiến lược, 2 DN bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược với tỷ lệ cao hơn phương án được phê duyệt, 17 DN bán hết số cổ phần cho cổ đông chiến lược theo tỷ lệ được phê duyệt, 9 DN không bán được cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược và 4 DN còn lại không bán hết số cổ phần được phê duyệt cho nhà đầu tư chiến lược.

Đại diện Ban Cải cách và Phát triển DN- CIEM cho hay, thực tế, trong số 28.369 tỷ đồng được phê duyệt bán cho nhà đầu tư chiến lược chỉ có 12.762 tỷ đồng đã bán được, đạt chưa đến 1/2 con số được phê duyệt. Phần lớn tỷ lệ bán cho nhà đầu tư chiến lược được phê duyệt thường nhỏ. Đây có thể là một nhân tố làm giảm sự quan tâm của các nhà đầu tư chiến lược nói chung và các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nói riêng. Chỉ có 6/46 số các phương án phê duyệt chiếm 13% có tỷ lệ bán cho nhà đầu tư chiến lược trên 50%. 5/6 DN đó đã bán được hết số cổ phần cho cổ đông chiến lược. Kết quả này cung cấp một bằng chứng cho thấy, tỷ lệ sở hữu của cổ đông chiến lược cao thì sẽ thu hút các nhà đầu tư chiến lược hơn.

Báo cáo cũng đưa ra 5 nguyên nhân khiến việc bán cổ phần của DNNN “ế” cổ đông chiến lược. Đó là do việc khống chế tỷ lệ sở hữu của cổ đông chiến lược nước ngoài; định giá DN và giá cổ phiếu còn bất hợp lý; nhiều DNNN không có sức hấp dẫn với cổ đông chiến lược; thiếu công khai, minh bạch thông tin; quy trình phức tạp và phương thức bán cổ phần thiếu linh hoạt. Các giải pháp được CIEM để thu hút cổ đông chiến lược.

Đó là quy định tiêu chí rõ rang minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, bao gồm cả đối với nhà đầu tư chiến lược quốc tế. Đổi mới cơ chế xác định giá trị DN và giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Nâng cao tính công khai, minh bạch thông tin trong quá trình CPH. Nâng cao vai trò của nhà đầu tư chiến lược vào quản trị DN sau CPH. Tiếp tục đổi mới, cải thiện quản trị, nâng cao hiệu quả của khu vực DNNN nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược.