Xúc phạm giáo viên Vụ việc xảy ra ngày 28/2 tại trường Tiểu học Bình Chánh (Bến Lức, Long An). Biết hình phạt học sinh (HS) bằng cách quỳ gối là sai, cô giáo đã xin lỗi phụ huynh và hứa sẽ khắc phục sai sót. Tuy nhiên, các phụ huynh này vẫn gây áp lực, buộc cô giáo phải quỳ trước sự chứng kiến của một số GV.
Cách hành xử thiếu văn hóa ấy của phụ huynh đối với cô giáo lan truyền trên mạng xã hội sau đó, khiến không ít người giận dữ. Nguyễn Hồng Quang viết trên trang Facebook cá nhân của mình: “Mỗi HS khi vi phạm cần phải có những biện pháp xử phạt khác nhau từ nhẹ đến nặng. Nhưng việc phụ huynh có dấu hiệu bắt ép GV phải quỳ để xin lỗi phụ huynh là hành động phản giáo dục, xúc phạm GV”. Cùng đó, không ít người cho rằng, cách hành xử xúc phạm GV như sự vụ nói trên là do phụ huynh ngày nay quá cưng chiều con. Viết trên Facebook của mình, bạn Nguyễn Hằng đề nghị chính quyền vào cuộc làm rõ, ai sai xử nghiêm theo pháp luật. Theo bạn Nguyễn Hằng, HS đi học nghịch phá bị phạt là chuyện bình thường.Không đồng tình với cách hành xử của phụ huynh kia, nhưng cũng rất nhiều ý kiến cho rằng, cần nhìn nhận sự việc một cách công bằng, GV cũng không nên phạt HS quỳ đến mức khiến HS quá sợ, không dám đến lớp. Như cô Nguyễn Thị Huế - GV trường Tiểu học Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) phân tích, môi trường giáo dục là môi trường văn minh, quá trình giáo dục con người vô cùng nhạy cảm, đòi hỏi sự mềm dẻo trong cách ứng xử và linh hoạt trong cách giao tiếp, giải quyết tình huống. “Các hành vi của trẻ có thể đúng hoặc sai, đưa ra hình phạt là cần thiết. Nhưng phạt thế nào để đủ răn đe, không ảnh hưởng đến việc học tập, tâm lý của trẻ, GV phải cân nhắc” – cô Huế chia sẻ.Tăng cường an ninh trường họcĐể hạn chế sự việc này, cô Nguyễn Hồng Vân - GV một trường tiểu học ở quận Ba Đình (Hà Nội) cho rằng, nhà trường cần tăng cường an ninh trường học, bảo đảm an toàn cho thầy cô giáo. "Tại sao phụ huynh không giáo dục con rằng, muốn không bị phạt, con phải ngoan, chăm học” – cô Vân nhấn mạnh.Cũng cho rằng, đây là hành vi phản cảm, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường giáo dục, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết, trước hết về góc độ của cô giáo, chúng ta có thể khẳng định, GV được phép sử dụng hình thức kỷ luật để HS tự chịu trách nhiệm về việc làm của mình. “Tuy nhiên ở đây, cô giáo cần rút kinh nghiệm. Thứ nhất, tính kỷ luật phải được chuẩn bị cho HS hiểu, HS làm sai, HS phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, kèm hình thức kỷ luật đi theo. Thứ 2, cô giáo đã không làm đúng nguyên tắc sư phạm để giáo dục HS, chưa phối hợp với gia đình để giáo dục HS. Khi bị phụ huynh đe nẹt, cô giáo phải giữ vững khí tiết, lập trường của mình, không thể họ bắt làm gì mình phải làm theo” – TS Lâm phân tích.Ông Lâm cũng cho rằng, phía nhà trường, an ninh trường học, hiệu trưởng, bảo vệ đã không làm tròn trách nhiệm, để người ngoài vào trường đe dọa GV. Ngoài việc không hướng dẫn, uốn nắn GV cách sử dụng hình thức giáo dục đối với HS, nhà trường còn không bảo vệ tốt danh dự cho cô giáo. Theo ông, phụ huynh cũng phải rút kinh nghiệm, phối hợp với nhà trường, cô giáo chủ nhiệm để giáo dục con mình, không nên quá bênh con. “Muốn GV giáo dục được con mình, cô giáo phải có nhân cách. Nhưng, cha mẹ HS đã hủy hoại nhân cách của GV, bắt cô giáo quỳ xuống xin lỗi là đã hủy hoại điều kiện giúp con mình nên người. Lỗi nặng nhất của phụ huynh ở đây là thiếu tôn sư trọng đạo.” – TS Lâm nhấn mạnh.
"Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Sở GD&ĐT Long An xác minh sự việc. Về nguyên tắc, nếu giáo viên sai so với quy định hiện hành thì phải nhận trách nhiệm và có hình thức xử lý phù hợp. Tuy nhiên, bên cạnh đó, bất kể hình thức làm nhục, xúc phạm danh dự, ảnh hưởng đến danh dự nghề nghiệp của người giáo viên, vi phạm nhân quyền thì cần phải lên án, thậm chí có hình thức xử lý nếu như vi phạm pháp luật." - Ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT |