Cô giáo trọn đời vì học sinh khuyết tật
Kinhtedothi - Được làm việc ở môi trường mình đã từng học tập và phát triển, suốt 30 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Huệ ở Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An, xã Thụy An, huyện Ba Vì đã cống hiến những gì tốt đẹp nhất cho những người đồng cảnh ngộ như mình.
Cô giáo Nguyễn Thị Huệ dạy nghề thêu cho các em học sinh khuyết tật. |
Đối với nhiều giáo viên, dạy học sinh bình thường đã khó, còn đối với cô Huệ, dạy học sinh khuyết tật là cả quá trình khó khăn. Thế nhưng, bằng tấm lòng của mình, cô đã dạy nhiều nghề cho các em học sinh, đến nay nhiều lứa học sinh đã trưởng thành và đã có việc làm từ nghề cô truyền dạy. Sau khi được gia đình cho lên trung tâm phục hồi, cô Huệ đã được Trung tâm nhận để dạy nghề cho các em khuyết tật. Được lãnh đạo cơ quan tin tưởng, suốt 30 năm qua, với các nghề thay đổi theo thị hiếu thị trường, cô Huệ sau khi được qua các lớp bồi dưỡng, đào tạo đã tự học, sáng tạo và truyền dạy cho các lứa học sinh nhiều nghề như dệt len, may, làm hương, tranh đá quý, làm hoa giả, thêu… Để dạy nghề cho các em học sinh khuyết tật, cô Huệ luôn tận tụy, âm thầm dạy bảo, hướng dẫn bằng cử chỉ, ký hiệu bằng tay, chân kết hợp với lời nói. Đồng thời, khi các em vào học nghề, cô đã chỉ dạy cặn kẽ về nghề để các em hiểu về nghề mình học. Đối với mỗi nghề, cô hướng dẫn từng động tác một, từng đường kim mũi chỉ, việc gắp các viên đá nhỏ làm sao để phối màu tạo nên những bức tranh đá quý theo mẫu. Từ đó, các em học sinh khuyết tật làm quen dần với nghề. Với nhiều học sinh khả năng tiếp thu chậm, cô Huệ luôn dành nhiều thời gian và kiên trì động viên, khuyến khích để các em không nản với việc học nghề của mình. Cô Huệ tâm sự, cái khó nữa trong dạy nghề là học sinh ở nhiều vùng miền, hoàn cảnh gia đình khác nhau. Để nắm bắt được tâm lý học sinh, cô luôn trò chuyện, gần gũi chia sẻ với từng em để giúp các em cùng hòa nhập môi trường học tập. Với những sự cố gắng của mình, cô đã dạy nhiều lứa học sinh khuyết tật thành thạo nhiều nghề, các sản phẩm tranh đá quý, hương, thêu, may mặc của các em đã được thị trường đón nhận, nhiều cá nhân, đơn vị khi đến trung tâm đã mua và khen ngợi. Cô Huệ trăn trở, hiện nay các sản phẩm của các em khuyết tật ở trung tâm làm rất tốt nhưng sự liên kết trong tiêu thụ sản phẩm cho còn hạn chế nên hàng hóa làm ra chưa đến được nhiều với nhiều người yêu thích các sản phẩm này. Chia tay cô, tôi ấn tượng về một người khuyết tật, nhưng bằng ý chí, nghị lực đã vươn lên trong cuộc sống, lại đem cả tâm hồn, trí tuệ, sức lực của mình để giúp những người đồng cảnh ngộ, giúp nhiều em khuyết tật có một việc làm ổn định và vươn lên cùng cộng đồng xã hội. Đã suốt 30 năm qua, cô vẫn âm thầm dạy nghề cho những em học sinh khuyết tật trên mọi miền Tổ quốc khi về điều trị, học tập tại Trung tâm này.