Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cô giáo “vượt bão” mang chữ đến đảo Cồn Cỏ

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Gần 8 năm gắn bó công việc ươm mầm thế hệ măng non của đảo, cô giáo trẻ Hoàng Thị Hiếu (SN 1987) ở Quảng Trị ấp ủ nhiều nguyện vọng để cải thiện chất lượng giảng dạy và mong muốn trường được đầu tư nhiều về cơ sở vật chất, y tế dự phòng để chữa bệnh cho học sinh nơi đây.

Cô là một trong 42 giáo viên tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2016.
Rời ghế nhà trường, mang ấp ủ thời sinh viên có thể “gieo chữ” cho học sinh vùng nghèo khó, cô Hiếu đã tình nguyện đến công tác tại trường mầm non ở đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) trong sự ái ngại của gia đình và bạn bè. Ấn tượng với cơn say sóng “nhớ đời” khi lần đầu tiên ra đảo, cô Hiếu bảo: “Mình luôn nghĩ ở đảo cũng như ở đất liền, ở đâu cũng là nhà, cháu nhỏ ở đảo phải chịu nhiều thiệt thòi, nhưng vẫn luôn nở nụ cười trên môi làm cho mình luôn thấy hạnh phúc và ấm áp. Và đây là động lực giúp mình vượt qua khó khăn, thử thách”.
Thời gian đầu mới ra đảo, cô giáo trẻ thường khóc thầm mỗi đêm vì nỗi nhớ nhà da diết. Nhưng với lòng yêu nghề và học sinh nơi đây, cô lại quyết tâm mang con chữ đến cho học sinh đảo Cồn Cỏ nhiều hơn. Chia sẻ về khó khăn trong những ngày đầu mới ra đảo, cô Hiếu nhớ lại: “Lạ lắm, ở đảo chỉ nghe sóng vỗ rì rào, cơ sở vật chất còn hạn chế, thiếu thốn đủ thứ nhưng điều đó không khiến giáo viên nơi đây nguôi ý chí mang con chữ đến với các em học sinh”.
8 năm gian nan công tác tại đảo, cô Hiếu đã quen dần với những cơn bão lũ của miền Trung. Nhiều lúc cô thấy hoang mang, lo sợ trước sức tàn phá của những cơn bão mạnh đến nỗi nhà bị tốc mái, cửa kính bể và người dân phải đi sơ tán. “Lúc đó, xa chồng, bụng mang dạ chửa, mình tủi thân, sợ hãi và phút chốc muốn rời đảo. Tuy nhiên, vì thương các trẻ em ở biển đảo chịu quá nhiều thiệt thòi, mình không thể bỏ các em rồi lại cùng đồng nghiệp tiếp tục công việc giảng dạy”. Cô Hiếu kể.
Thương các em học sinh có hoàn cảnh giống con mình, cô Hiếu xem các bé nơi đây như con và tận tình chỉ dạy từng câu chữ, kể từng câu chuyện hay cho các bé nghe. Với quan niệm “miễn các em có chỗ để học chữ, cô sẵn sàng bỏ thêm công sức và kiêm nhiệm nhiều công việc khác nữa” nên để đảm bảo hoạt động cho ngôi trường này, cô Hiếu và một nữ đồng nghiệp khác kiêm nhiệm nhiều vai trò từ cô giáo đến kế toán, thậm chí là bảo vệ. Khoảng thời gian gần 8 năm không phải là quá dài, nhưng cô giáo trẻ luôn cố gắng truyền đạt lại những kiến thức đã học được cho học sinh. Nhất là cái chữ và nhân cách con trẻ để khi các con vào đất liền yên tâm học tập.
Với căn phòng học rộng rãi của mái trường khang trang vững chãi, hiện nay, trường có một lớp học gồm 11 cháu, là lớp ghép nhiều độ tuổi từ 1-5 tuổi. Tuy cơ sở vật chất của trường đã được cải thiện, nhưng vẫn còn thiếu thốn đồ dụng dạy và học như đồ chơi cho trẻ, sách vở... Hầu hết đồ chơi và dụng cụ học tập đều do các tổ chức, nhà hảo tâm mang từ đất liền ra tặng. Và điều mà cô mong mỏi nhất là Cồn Cỏ có thêm cấp học mới để các bé được ở bên cạnh bố mẹ chăm sóc.  Tuy nhiên, điều khiến nỗi lòng cô giáo trẻ luôn trăn trở hàng đêm là làm thế nào để cải thiện chất lượng giảng dạy cũng như nguyện vọng tổ chức bữa ăn trưa cho các bé mầm non. Thêm vào đó, đảo đang rất thiếu cơ sở vật chất y tế để chữa bệnh cho trẻ. “Nhiều trẻ đau ốm nhưng không có thuốc uống. Cô giáo và phụ huynh không biết phải làm sao”. Cô Hiếu tâm sự.
Lập nghiệp trên đảo đã khó, sự nghiệp “gieo chữ”, trồng người trên đảo còn khó khăn hơn rất nhiều. Nhưng những ai đã gắn bó với đảo từ những ngày đầu đều có cảm giác gần gũi, khó chia xa. Và đây cũng là điều mà cô Hoàng Thị Hiếu không nỡ rời đảo khi con gái của cô sắp phải vào đất liền học lớp 1.