Có hay không “cấu kết” trục lợi từ gói tín dụng 30.000 tỷ?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị đã có một loạt bài phản ánh về hiện tượng chủ đầu tư với mục...

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị đã có một loạt bài phản ánh về hiện tượng chủ đầu tư với mục đích bán được nhiều sản phẩm đã hạ giá bán để khách hàng đủ điều kiện hưởng gói vay ưu đãi rồi thu tiền chênh lệch ngoài luồng. Vậy, có hay không sự móc nối giữa chủ đầu tư và ngân hàng?

Trong khi mánh khóe này vẫn đang “cướp đi” những chế độ đãi ngộ từ gói vay mà đáng lẽ ra thuộc về người thu nhập thấp. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị lại tiếp tục gõ cửa các bên liên quan để tìm hiểu căn nguyên sự việc.

Thoái thác trách nhiệm

Sau nhiều lần khất hẹn, tại Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Atlantic (Thành Thái - Cầu Giấy- Hà Nội) ông Nguyễn Hoài Văn - Tổng Giám đốc đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về thông tin nhân viên kinh doanh thuộc sàn Atlantic chủ động tư vấn cho khách hàng ký hợp đồng thấp hơn giá niêm yết (1,05 tỷ đồng) để hưởng gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng rồi thu tiền trao tay ngoài luồng. Theo ông Văn, 30% căn hộ tại dự án Gemek Tower là nhà ở xã hội được hưởng gói tín dụng ưu đãi, còn lại nhà ở thương mại giá rẻ. Đặc thù của sàn BĐS Atlantic là đơn vị phân phối, hưởng hoa hồng phần trăm từ phía chủ đầu tư nên bán đúng giá chỉ đạo thể hiện trong hợp đồng phân phối. Sàn không có chủ trương bán nhà dựa hơi gói tín dụng.
Các căn hộ tại dự án Gemek Tower được rao bán kèm theo cam kết có thể vay gói 30.000 tỷ đồng.          Ảnh: Vân Hằng
Các căn hộ tại dự án Gemek Tower được rao bán kèm theo cam kết có thể vay gói 30.000 tỷ đồng. Ảnh: Vân Hằng
Khi phóng viên đưa ra hàng loạt bằng chứng cho việc nhiều khách hàng được nhân viên của sàn tư vấn việc hạ giá bán để được ngân hàng (NH) TMCP Tiên Phong (TPBank - Chi nhánh Thăng Long – phòng giao dịch Phạm Hùng) cho vay từ gói 30.000 tỷ đồng, ông Văn cho rằng: “Thứ nhất, tình trạng này có thể bắt nguồn từ việc mua đi bán lại của nhà đầu tư thứ phát do dự án này đã được mở bán một đợt từ năm 2009. Tuy nhiên, giai đoạn đó BĐS còn trầm lắng nên đến tận bây giờ họ mới bung hàng rồi thu tiền chênh lệch. Thứ 2, có một tỷ lệ nhất định suất ngoại giao dùng để đối ngoại (!?). Tuy nhiên, trong trường hợp nhân viên của sàn đi “đánh hàng ngoài”, ảnh hưởng đến các kế hoạch tiếp theo của công ty sẽ bị đuổi việc”.

Trước việc giải thích lắt léo, hỗn độn và gần như tương tự nhau từ phía chủ đầu tư và sàn phân phối dự án Gemek Tower, phóng viên nêu thắc mắc: “Vậy “suất ngoại giao” này chiếm bao nhiêu tỷ lệ quỹ hàng và được niêm yết giá ưu đãi như thế nào?” thì đều nhận được câu trả lời: “Đây là thông tin nội bộ từ phía công ty”.

Bà Nguyễn Thu Hiền – Giám đốc truyền thông TP Bank cho biết: “TPBank được NHNN cho phép tham gia chương trình tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội từ tháng 2/2015. Việc tham gia chương trình là một hoạt động ủng hộ chính sách của Nhà nước và hỗ trợ người dân, mang ý nghĩa xã hội là chính chứ không đặt nặng về mục tiêu lợi nhuận”.

Theo bà Hiền, đến nay, NH chưa phát hiện trường hợp nào lách luật để trục lợi từ gói 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên bà Hiền cho biết, sau khi nhận được thông tin sẽ cho kiểm tra, nếu phát hiện sẽ yêu cầu dừng ngay, tùy mức độ vi phạm cụ thể sẽ xử lý. NH luôn thẩm định kỹ để đảm bảo các hồ sơ được bên vay xuất trình cho NH có đủ điều kiện vay gói 30.000 tỷ đồng không. Bên vay phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp và chân thực của các hồ sơ này. Trong hợp đồng tín dụng với bên vay, NH cũng ghi rõ nếu sau này các cơ quan pháp luật phát hiện các trường hợp gian lận, không đủ điều kiện vay gói 30.000 tỷ đồng thì khách hàng sẽ phải hoàn trả lại phần ưu đãi và chịu lãi theo lãi suất vay thông thường.

“Đâu ra lắm suất ngoại giao?”

Bình luận về việc các chủ đầu tư lợi dụng gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, kẽ hở nói trên là có thật chứ đâu ra lắm suất ngoại giao như vậy. Nếu có suất ngoại giao thì đặt câu hỏi ngược lại là ngoại giao với ai? Đừng chìa suất ngoại giao ra để bịt chỗ này chỗ kia, tất cả hãy nói thật ra là ngoại giao với ai chứ đừng nói chung chung.

Đã đến lúc đừng hỏi nhau rằng thật hay không thật, có hay không có việc “móc nối” giữa các bên, mà cần phân tích cơ chế có dẫn đến việc cấu kết hay không? Cơ chế lỏng lẻo chắc chắn dẫn đến cấu kết. Tại sao không khi ba bên đều có lợi? Chỉ cần một NH đồng ý với chủ đầu tư, người mua nhà rồi kết hợp với nhau tạo ra hợp đồng có giá trị không đúng với giá trị thật là có thể được hưởng ưu đãi mà không ai kiểm soát. Đây chính là kẽ hở của gói 30.000 tỷ đồng, do giải ngân mãi không được nên tìm mọi cách giảm nhẹ những điều kiện khác đi. Một khi các điều kiện được nới rộng hết mức thì đến một lúc nào đó sẽ dẫn đến cấu kết.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Việc DN thu tiền bên ngoài sổ sách nhằm lách quy định là một mánh khóe tinh vi để trục lợi từ gói 30.000 tỉ đồng. DN vừa bán được hàng lại lách được thuế do các khoản trao tay tiền chênh ngoài không có sổ sách kê khai. Từ đấy phải xem xét có sự cấu kết giữa chủ đầu tư các dự án trên và NH hay không vì rõ ràng để hiện tượng này xảy ra tràn lan chứng tỏ khâu thẩm định cho vay của các NH đang “cố tình có vấn đề”.