Dự kiến, UBND TP Hà Nội sẽ hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào cuối năm 2023. Sự kiện này sẽ mở ra nhiều vận hội mới nhưng cũng không ít thách thức đối với chính quyền và Nhân dân Đông Anh thời gian tới.
Tăng thu hút đầu tư, giảm tải cho nội đô
Như vậy, sau một thời gian thực hiện các đề án thành phần và tiêu chí đủ điều kiện để thành lập đơn vị hành chính cấp đô thị (cấp quận), với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng sự đồng lòng, quyết tâm của đông đảo tầng lớp Nhân dân, Đề án “Thành lập quận Đông Anh và các xã thuộc quận” tại Kỳ họp thứ 12, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã chính thức được thông qua.
Qua đó cũng thể hiện vai trò, vị trí và những kỳ vọng lớn dành cho Đông Anh trong quá trình đô thị hóa của Thủ đô Hà Nội. Bởi Đông Anh sẽ trở thành hạt nhân của hệ thống đô thị mới nằm bên bờ phía Bắc sông Hồng, được định hướng là đô thị cửa ngõ, nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, gắn với sân bay Nội Bài và các khu công nghiệp thành một khu vực phát triển thương mại, logistics, trung chuyển hàng hóa quốc tế.
Trên địa bàn có nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch đi qua, như đường cao tốc Thăng Long – Nội Bài, đường cao tốc Nhật Tân – Nội Bài, Quốc lộ 5 kéo dài, Quốc lộ 3, Quốc lộ 3 mới, Quốc lộ 23A, đường 23B mở rộng…
Người dân Đông Anh rất phấn khởi, vui mừng khi HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết và thống nhất rất cao ban hành Nghị quyết tán thành chủ trương thành lập quận Đông Anh và 24 phường. Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức to lớn, là kết quả nỗ lực phấn đấu nhiều năm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Đông Anh.
Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh
Đến thời điểm hiện tại, việc thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận đã cơ bản bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2, Điều 128, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Huyện đạt 5/5 tiêu chuẩn để thành lập quận thuộc TP trực thuộc T.Ư, khu vực dự kiến thành lập phường đạt 4/4 tiêu chuẩn để thành lập các phường thuộc quận theo quy định.
Chính vì vậy, tại Tờ trình HĐND TP Hà Nội về việc đề nghị tán thành chủ trương thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận, do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn ký đã đẳng định: "Việc thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận để bảo đảm cho mục tiêu, định hướng phát triển, mang lại nhiều lợi ích cho huyện Đông Anh nói riêng, TP Hà Nội nói chung".
Đồng thời phù hợp với hiện trạng phát triển và tốc độ đô thị hóa của huyện trong thời gian qua, tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức chính quyền đô thị phù hợp, tạo điều kiện để Đông Anh hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý hành chính Nhà nước…
Trong khi đó, kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam cho rằng, việc phát triển các đô thị vệ tinh là xu hướng chung của nhiều TP lớn trên thế giới. Thay vì tập trung vào siêu đô thị, TP đa chức năng sẽ có nhiều khu đô thị nhỏ, cơ sở công nghiệp, dịch vụ…
Hiện nay, khu vực trung tâm Thủ đô tập trung quá đông dân số, dẫn tới tình trạng quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phát sinh ra hệ lụy về ô nhiễm môi trường, dịch bệnh... ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
“Tôi cho rằng, việc quy hoạch một số huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh) trở thành đô thị là hoàn toàn hợp lý, bởi khu vực này có đất đai rộng, thuận lợi cho việc hình thành các đô thị phía Bắc, phía Đông của Thủ đô.
Không những vậy, ngoài việc được thừa hưởng hạ tầng sẵn có tốt (sân bay quốc tế Nội Bài, đường sắt, đường cao tốc...), thời gian qua, những khu vực này đang tiếp tục được đầu tư nhiều hạ tầng hiện đại, là cơ sở để xây dựng chuỗi đô thị đa chức năng dọc sông Hồng. Tương lai đây sẽ là địa bàn thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm, giúp khu vực nội đô giảm tải áp lực dân số” – KTS Phạm Thanh Tùng phân tích.
Cơ hội gắn liền thách thức
Theo Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh, để thực hiện Đề án “Xây dựng huyện Đông Anh thành quận”, huyện đã phê duyệt và triển khai 15 đề án thành phần đối với từng lĩnh vực cụ thể để hoàn thành các tiêu chí theo đúng tinh thần Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Theo đó, đến thời điểm hiện tại, huyện đã hoàn thành 29/31 tiêu chí thuộc đề án thành lập quận. Cụ thể, nhóm tiêu chí cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội (6 tiêu chí); nhóm tiêu chí phát triển cơ sở hạ tầng đô thị (25 tiêu chí). Trong đó, có 2 tiêu chí chưa hoàn thành là số lượng trường THPT đạt chuẩn quốc gia và tỷ lệ tuyến phố văn minh đô thị.
“Hiện nay, huyện mới có 3/5 trường THPT đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (đạt 60%), sau khi được TP phân cấp đầu tư, huyện đã làm việc với Sở GD&ĐT, các sở, ngành liên quan để chuẩn bị và triển khai các bước đầu tư để bảo đảm tiêu chí trường học theo quy định.
Còn đối với tiêu chí về tỷ lệ tuyến phố văn minh, huyện cũng đã có văn bản gửi UBND TP và đề nghị Sở GT&VT đẩy nhanh công tác thẩm định công nhận 9 tuyến phố văn minh, để đáp ứng tiêu chuẩn thành lập quận” – Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho hay.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, huyện Đông Anh đã đáp ứng được những tiêu chuẩn thành lập quận và đang tiếp tục triển khai ngay các bước tiếp theo, trình các cấp có thẩm quyền, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ lên quận ngay trong năm 2023.
Để bảo đảm tính thống nhất trong quần chúng Nhân dân và thực hiện đúng các bước theo quy trình của pháp luật, huyện Đông Anh đã tổ chức lấy ý kiến của cử tri trên địa bàn về Đề án “Thành lập quận Đông Anh và các xã thuộc quận”, kết quả tổng số cử tri cho ý kiến, thống nhất với đề án đạt 99,98%.
Tuy nhiên, theo đánh giá, bên cạnh những thuận lợi, quá trình xây dựng huyện thành quận của Đông Anh sẽ gặp những thách thức lớn, đặc biệt là việc định hình bộ máy quản lý và con người đô thị. Bởi chức năng, nhiệm vụ của chính quyền nông thôn (cấp xã) và chính quyền đô thị (cấp phường) khác nhau.
Trong khi đó một số quy định của pháp luật hiện hành về tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp xã chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất quản lý đô thị khi thành cấp phường, nên nhiều nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đô thị, mang tính chất đô thị sẽ gây ra những khó khăn, lúng túng cho chính quyền cấp phường mới được thành lập.
Chúng tôi rất vui mừng khi huyện sắp lên quận bởi người dân có cơ hội được tiếp cận các dịch vụ đô thị tốt hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn địa phương được đầu tư hoàn thiện hơn nữa về cơ sở hạ tầng, như đường giao thông nông thôn, trường học, công viên, khu vui chơi giải trí… Đặc biệt là tạo điều kiện tốt hơn cho nông dân chuyển đổi việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.
Bà Nguyễn Thị Sinh, Đội 3, thôn Trung Oai, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh
Đặc biệt, nếu chỉ tập trung đầu tư hạ tầng tiện nghi, hiện đại mà không định hình nên “con người đô thị, lối sống đô thị” sẽ là rào cản lớn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, theo các chuyên gia, để định hình nên con người đô thị, huyện Đông Anh cần phải tập trung quan tâm đến vấn đề việc làm, nhà ở cho người dân để bảo đảm an sinh xã hội.
Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận với các dịch vụ, tiện ích công cộng tốt nhất. Cùng với đó, tuyên truyền, vận động để người dân thích nghi với môi trường sống đô thị, kèm theo đó là ý thức và việc tuân thủ pháp luật phải cao hơn...
“Tổ chức quản lý theo mô hình chính quyền đô thị phải bảo đảm bộ máy chính quyền tinh gọn, có tính tập trung, thống nhất, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt, có hiệu lực, hiệu quả cao; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, nâng cao tính minh bạch, năng động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Việc xây dựng chính quyền đô thị nhằm huy động cao nhất mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững, kèm theo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Vì vậy, cần phải có bước đi, lộ trình phù hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước và phục vụ tốt hơn cho người dân” – Thạc sĩ Nguyễn Thùy Dương, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, Hà Nội nêu quan điểm.
Việc thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận Đông Anh, trên cơ sở nguyên trạng 185,68km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số hơn 430.000 người hiện có, đã cơ bản bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2, Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương. 24 đơn vị hành chính cấp phường trực thuộc quận Đông Anh, gồm: Đông Anh, Bắc Hồng, Cổ Loa, Đại Mạch, Đông Hội, Dục Tú, Hải Bối, Kim Chung, Kim Nỗ, Liên Hà, Mai Lâm, Nam Hồng, Nguyên Khê, Tàm Xá, Thụy Lâm, Tiên Dương, Uy Nỗ, Vân Hà, Vân Nội, Việt Hùng, Vĩnh Ngọc, Võng La, Xuân Canh và Xuân Nộn.