Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là nội dung được đưa ra tại Hội thảo “Thông tin thị trường và cơ hội xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Trung Quốc” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại TP Trùng Khánh, Trung Quốc tổ chức sáng ngày 9/11, tại Hà Nội.

Hội thảo nhằm tăng cường khả năng xuất khẩu những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc cũng như thu hút đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam.

Báo cáo từ Cục Xúc tiến thương mại cho hay, hiện nay, Trung Quốc đang là thị trường trọng điểm của Việt Nam về xuất khẩu, còn trên phương diện tổng thể, Trung Quốc cũng là một trong những đối tác thương mại lớn nhất. Kim ngạch thương mại hai chiều luôn có những đột biến – nhiều lần vượt các cam kết của Lãnh đạo cấp cao hai nước.

Theo ông Đỗ Kim Lang - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, hội thảo không những mang đến các thông tin thị trường và cơ hội cho các ngành hàng thế mạnh như gạo, cà phê, trái cây, thủy sản… của Việt Nam vào Trung Quốc; mà còn giải đáp, tháo gỡ những thắc mắc của doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, hỗ trợ cụ thể và hiệu quả để giúp doanh nghiệp hiểu thêm về kiểm dịch hàng hóa khi xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

Trong khi đó, ông Đào Việt Anh - Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh cho hay, Việt Nam và Trung Quốc có nhiều thuận lợi trong giao thương, Trung Quốc cũng có nhu cầu lớn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam như nông lâm sản: gạo, sắn, cao su, rau quả, chè…; hàng thủy sản như tôm, cá da trơn…

Tuy nhiên, hàng Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn khi vào Trung Quốc do các vấn đề thuế quan, kiểm nghiệm kiểm dịch, thiếu thông tin thị trường, kết nối giao dịch…

“Các doanh nghiệp Việt Nam trong giao dịch, kinh doanh tại Trung Quốc cần thông qua hệ thống các Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại tại Trung Quốc; xác minh thực lực và uy tín của các doanh nghiệp Trung Quốc, thực hiện các giao dịch bằng hợp đồng, thông lệ quốc tế để có tính ràng buộc” -, ông Đào Việt Anh lưu ý.

Đồng thời cho rằng, doanh nghiệp nên tìm hiểu sâu về các quy định nhập khẩu của Chính phủ Trung Quốc với các sản phẩm hợp tác, cập nhật thông tin thị trường, các quy định về chất lượng sản phẩm và thị hiếu người tiêu dùng tại các địa phương Trung Quốc; tăng cường tham gia các hoạt động xúc tiến thương mnại và mở rộng thị trường do các cơ quan, tổ chức và hiệp hội tổ chức…

Một số địa chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt cũng được ông Việt Anh nêu ra như Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh, Phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh, các chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Côn Minh, Quảng Châu, Nam Ninh và phòng Trung Quốc - Vụ Thị trường châu Á – Thái Bình Dương thuộc Bộ Công Thương…

Năm 2015, theo thống kê của Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam – Trung Quốc đạt 66,6 tỷ USD, tăng 13,4% so với năm 2014. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 17,1 tỷ USD, tăng 14,8%; nhập khẩu 49,5 tỷ USD, tăng 13,3%; nhập siêu 32,4 tỷ USD, tăng 12,5%.