Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ hội để doanh nghiệp “hồi sinh”

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp buộc nhiều DN phải thực hiện phương án “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, phương án này đã nảy sinh một số bấp cập nhất định.

Những bất cập này đã kịp thời được Chính phủ nắm bắt và có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ cho DN vững vàng vượt khó khăn cũng như sẵn sàng khôi phục sản xuất, kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới”.
Nữ lao động làm việc trong phân xưởng may tại Tổng Công ty May 10. Ảnh: Thanh Hải

Từ những phản ánh thực tế của các hiệp hội, DN, thời gian qua, Chính phủ đã rất quyết liệt, nhanh chóng ban hành các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho DN, người lao động, người dân với một loạt nghị quyết, nghị định ra đời trong thời gian rất ngắn. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022; Nghị quyết số 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết số 105 về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; Nghị quyết số 116 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp...

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều nghị định về việc gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất, về đánh giá sơ bộ tác động môi trường; quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa; các nghị quyết về hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện...

Tại Hà Nội, với tinh thần chủ động, triển khai tích cực, đồng bộ của hệ thống chính trị nên công tác hỗ trợ DN gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo các Nghị quyết của Chính phủ và văn bản chỉ đạo của UBND TP đã được triển khai kịp thời, cơ bản đúng đối tượng và thời gian, bảo đảm an sinh xã hội; góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong DN, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế của Thủ đô.

Mới đây nhất, ngay trong ngày 28/9, Ban Quản lý Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các DN trong khu công nghiệp và DN vận tải, để thúc đẩy sản xuất an toàn trong tình hình mới. Đây là giải pháp hỗ trợ sản xuất kịp thời của TP, được ví như “phao cứu sinh” giúp DN vượt khó, sớm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh thích ứng trong tình hình mới. Đây cũng là động thái tích cực thể hiện sự nhanh nhạy, khẩn trương của Hà Nội theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc chuyển từ mục tiêu “không có Covid-19” sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19".

Như vậy, DN chỉ có thể dồn sức cho sản xuất khi an tâm với những cơ chế rõ ràng, tiêu chí cụ thể. Việc cần làm lúc này là cơ quan quản lý và địa phương nên ngồi lại với DN để xem xét cụ thể tình hình của từng DN, tiếp tục trao đổi và lắng nghe những đề xuất của họ về phòng, chống dịch và đảm bảo sản xuất. Bởi, trong bối cảnh hiện nay, khó có thể có một giải pháp chung nào phù hợp với tất cả loại hình DN.

Tin tưởng với giải pháp chiến lược kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, cùng sự đồng hành, hỗ trợ đắc lực từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, DN sẽ từng bước ổn định, tiến tới phục hồi sản xuất, kinh doanh hoàn toàn. Tận dụng cơ hội còn lại trong 3 tháng cao điểm cuối năm, hơn lúc nào hết, DN đang kỳ vọng về một giai đoạn mới “hồi sinh” mạnh mẽ hơn sau đại dịch và sẵn sàng cho các kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong năm 2022.