Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ hội để nghề truyền thống đậu bạc Định Công phát triển

Thảo Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong “Thăng Long tứ nghiệp” 4 làng nghề tinh hoa truyền thống Thủ đô Hà Nội gồm: "Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã", thì quận Hoàng Mai có nghề đậu bạc Định Công.

Phát triển du lịch là một trong những kế hoạch trọng tâm để phát triển kinh tế quận Hoàng Mai giai đoạn 2025 - 2030 và những năm tiếp theo. Trong đó, du lịch làng nghề sẽ trở thành một phần không thể thiếu để xây dựng chiến lược phát triển, các nghề truyền thống đậu phụ Mơ (Mai Động), nghề kim hoàn Đậu bạc (Định Công) và làng nghề bánh cuốn Thanh Trì sẽ là những cái tên được nhắc đến nhiều nhất.

Sản phẩm Đậu bạc Định Công tinh xảo. Ảnh TC
Sản phẩm Đậu bạc Định Công tinh xảo. Ảnh TC

Tìm ra nét đặc sắc của văn hóa - lịch sử

Thủ đô Hà Nội là nơi tập trung số lượng làng nghề và các nghệ nhân nhiều nhất cả nước, với 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề truyền thống của cả nước. Để phát triển làng nghề truyền thống, TP Hà Nội đã thí điểm phát triển 6 làng nghề gắn với du lịch, xây dựng 9 điểm giới thiệu quảng bá sản phẩm làng nghề; TP Hà Nội đang tập trung phát triển các cụm công nghiệp, tạo điều kiện phát triển làng nghề bền vững.

Hà Nội đang triển khai xây dựng Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2024 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đề ra nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị, tôn vinh nghệ nhân; bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống; phát triển nghề mới; phát triển các làng nghề chủ lực gắn với tiềm năng và thế mạnh của địa phương; phát triển dịch vụ hỗ trợ và nâng cao vai trò của các tác nhân liên quan.

Trong các giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế quận Hoàng Mai giai đoạn 2025 - 2030 thì định hướng “phát triển lĩnh vực dịch vụ (kinh tế dịch vụ) và ngành du lịch” được đặt lên hàng đầu. Bởi cơ cấu kinh tế năm 2030 của quận Hoàng Mai hướng mục tiêu tỷ lệ thương mại dịch vụ lên trên 60% và xây dựng chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng thương mại, dịch vụ 13,5 - 14,5%/năm.

Nghệ nhân Quách Tuấn Anh, một trong những người thợ hiếm hoi của làng nghề. Ảnh: Thanh Giang.
Nghệ nhân Quách Tuấn Anh, một trong những người thợ hiếm hoi của làng nghề. Ảnh: Thanh Giang.

Với nguồn vốn và lợi thế vị trí địa lý, quận Hoàng Mai sẽ hướng tới phát triển du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh nhiều hơn đầu tư các khu vui chơi, giải trí. Với việc Công viên Yên Sở là công viên lớn nhất tại Hà Nội, có tổng diện tích lên tới 323ha sau hơn 10 năm đưa vào khai thác các dịch vụ vui chơi, giải trí đang gặp những khó khăn đã được các nhà đầu tư phân tích.

Tổng Giám đốc PYS Travel Trần Sỹ Sơn cho biết: "Muốn đẩy mạnh phát triển du lịch, quận Hoàng Mai cần nghiên cứu bức tranh tổng thể du lịch Hà Nội. Muốn thu hút được lượng khách Mỹ, EU vốn tiêu nhiều tiền nhất, quận Hoàng Mai cần nghiên cứu, tìm ra nét đặc sắc của văn hóa - lịch sử của quận, làng nghề đậu bạc Định Công là một địa chỉ cần quan tâm, bởi cơ hội phát triển khá lớn".

Quận Hoàng Mai đã đầu tư 700 triệu đồng mua trang thiết bị, đào tạo 25 học viên nghề đậu bạc.
Quận Hoàng Mai đã đầu tư 700 triệu đồng mua trang thiết bị, đào tạo 25 học viên nghề đậu bạc.

Cơ hội cho quận Hoàng Mai

Theo TS. Phạm Thành Trí, sáng lập viên Hiệp hội phát triển Công nghiệp văn hóa Việt Nam: "TP Hà Nội nói chung và quận Hoàng Mai nói riêng đang có nhiều điều kiện để phát triển Công nghiệp văn hóa. Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2024 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang có sự phân nhóm rõ từng nghề để có cơ chế phù hợp từng đối tượng, như: nhóm các làng nghề sản xuất đồ gỗ, kim khí; nhóm các làng nghề chế biến nông sản; nhóm các làng nghề dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ… và gắn với mục tiêu phát triển kinh tế của các địa phương".

"Như vậy, nghề đậu bạc Định Công có tuổi đời trên 1.500 năm, nếu có cơ chế, chính sách, nguồn lực hỗ trợ từ chính quyền, sẽ sớm được khôi phục lại vị thế vốn có của nó. Người thợ Đậu bạc đang cần chính quyền hỗ trợ quảng bá sản phẩm, tìm đầu ra cho làng nghề để thu hút lớp trẻ lưu giữ và phát triển nghề truyền thống của cha, ông" - Bí thư Đảng ủy phường Định Công Phạm Hải Bình chia sẻ.

Người dân Định Công mong muốn có bảo tàng, trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm đậu bạc kết hợp du lịch làng nghề. Ảnh ĐC
Người dân Định Công mong muốn có bảo tàng, trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm đậu bạc kết hợp du lịch làng nghề. Ảnh ĐC

Nói về phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Đàm Tiến Thắng chia sẻ: "Đây là cơ hội tốt để quận đánh giá lại hướng phát triển của nghề truyền thống, làng nghề truyền thống. Việc 2 làng nghề truyền thống đầu tiên của Việt Nam được phê duyệt trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo trên toàn thế giới (làng nghề thứ 67 và 68 được công nhận trên thế giới - PV) và Việt Nam là quốc gia thứ 28 có làng nghề được công nhận là làng nghề thủ công thế giới đã khiến cho lãnh đạo quận chúng tôi suy nghĩ, trăn trở rất nhiều".

Sau khi được khi nghề kim hoàn đậu bạc Định Công được công nhận "Nghề truyền thống Hà Nội” vào tháng 9/2024, quận Hoàng Mai đã đầu tư mua trang thiết bị và đào tạo 35 học viên đầu tiên theo nghề. Đến nay, số học viên này đã nắm được kỹ thuật cơ bản của nghề đậu bạc và tiếp tục theo học lớp nâng cao. UBND phường Định Công đã kêu gọi các nghệ nhân gốc làng Định Công trên toàn quốc (Hưng Yên, Thái Bình, TP Hồ Chí Minh…) gặp mặt, giao lưu và chia sẻ kỹ thuật tuyệt tác của cha, ông truyền lại để tập trung, phát huy hết tinh hoa người thợ làng Định Công năm xưa.

Theo đánh giá của chuyên gia du lịch, CEO PYS Trần Sỹ Sơn, nếu xây dựng và triển khai khu trưng bày quảng bá sản phẩm, phát triển nghề đậu bạc gắn với du lịch tâm linh cụm đình, đền, miếu Định Công Thượng thì Định Công sẽ hút được khách du lịch quốc tế khi đến Hà Nội.

Điều thuận lợi, hiện 4.000m2 (ô D2/CC8- Định Công) đã làm xong công tác giải phóng mặt bằng, quận Hoàng Mai hoàn toàn có thể đầu tư xây dựng chợ truyền thống kết hợp trung tâm thương mại, bảo tàng, trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm đậu bạc kết hợp du lịch, quảng bá làng nghề.