Cơ hội điện ảnh Việt tiếp cận công chúng quốc tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khuôn khổ chương trình Năm Việt Nam tại Pháp, Ban tổ chức Liên hoan phim châu Á Vesoul lần thứ 20 đang diễn ra tại thị trấn Vesoul miền Đông nước Pháp đã lựa chọn những tác phẩm tiêu biểu của điện ảnh Việt Nam. Đây thực sự là cơ hội để điện ảnh Việt Nam tiếp cận công chúng quốc tế.

Giữa 100 bộ phim đến từ các nước châu Á như Trung Quốc, Phillipines, Tadjikistan, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ…, "Bao giờ cho đến tháng Mười" (đạo diễn Đặng Nhật Minh), "Mê Thảo - Thời vang bóng" (đạo diễn Việt Linh), "Đời Cát" (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân), "Sống trong sợ hãi" (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên), "Bi đừng sợ" (đạo diễn Phan Đăng Di) hay "Chuyện của Pao" (đạo diễn Ngô Quang Hải) đã được khán giả Pháp và quốc tế đón nhận nồng nhiệt... Bên cạnh đó, 4 bộ phim tài liệu của các nhà làm phim Lê Hồng Chương, Vương Khánh Luông, Đào Thanh Tùng và 4 bộ phim hoạt họa cũng đem lại một cái nhìn toàn diện hơn về bức tranh điện ảnh Việt Nam. 

Ngoài chương trình dành cho phim ảnh Việt Nam, Ban giám khảo đã lựa chọn 16 bộ phim của châu Á để tranh tài trong hạng mục chính thức. Trong số 8 phim tài liệu tranh giải, có tác phẩm "Một ngàn ngày ở Sài Gòn" của nữ đạo diễn Pháp Marie Christine Courtès. Một điểm đáng chú ý khác của Liên hoan năm nay là chương trình mang chủ đề "20 bộ phim đánh dấu 20 năm ra đời" của Liên hoan phim châu Á Vesoul. Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1984, Liên hoan phim Vesoul đã tạo cơ hội để công chúng quốc tế tiếp cận nhiều hơn với các nền điện ảnh châu Á. Sự đa dạng, độc đáo trong ngôn ngữ điện ảnh của các nước châu Á đã giúp Liên hoan phim Vesoul tạo được dấu ấn riêng và thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng yêu nghệ thuật thứ bảy. Năm ngoái, sự kiện văn hóa tại một thị trấn nhỏ ở miền đông nước Pháp này đã thu hút sự theo dõi của hơn 30.000 khán giả.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần