Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ hội giao thương tại MTA HANOI 2018

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 165 doanh nghiệp các nước, vùng lãnh thổ, trong đó có tới 75% là doanh nghiệp nước ngoài đã tham dự Triển lãm quốc tế lần thứ 6 về máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại (MTA HANOI 2018).

 Khách hàng tìm hiểu sản phẩm tại một gian hàng của triển lãm.
Sự kiện diễn ra từ ngày 16 - 18/10 trong khuôn khổ diện tích trưng bày lên đến 4.300 m2, tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Hà Nội (ICE). MTA HANOI 2018 là triển lãm quốc tế với mong muốn phát triển, vươn lên thành triển lãm hàng đầu trong việc trưng bày và giới thiệu những thiết bị máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại dành riêng cho các tỉnh miền Bắc Việt Nam. 
Với 75% đơn vị triển lãm là những nhà cung ứng, doanh nghiệp và nhóm gian hàng quốc tế, MTA HANOI 2018 là minh chứng rõ nét cho vị thế và tầm quan trọng trong lĩnh vực sản xuất gia công cơ khí tại khu vực miền Bắc Việt Nam.

Là đơn vị tổ chức, theo Tổng giám đốc Công ty UBM Việt Nam BT Tee, MTA HANOI 2018 là nơi trưng bày hàng loạt các sản phẩm công nghệ hiện đại, và thiết bị máy móc thông minh đến từ rất nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới; thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia và đơn vị sản xuất đầu ngành, đồng thời mở ra cơ hội giao thương đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp đứng đầu trong chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp sản xuất và cơ khí chế tạo tại khu vực miền Bắc Việt Nam.

Đánh giá về ngành cơ khí trong nước, ông Phạm Đức Thiên - Trưởng bộ môn kỹ thuật cơ khí, Đại học Mỏ, Địa chất Hà Nội cho hay, hiện nay, tổng vốn của các công ty cơ khí trong nước đạt khoảng 360 - 380 triệu USD, và tổng vốn đầu tư nước ngoài trong ngành sản xuất đạt khoảng 2,1 tỷ USD. “Những con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới khi Việt Nam trở thành điểm đầu tư đầy hứa hẹn với các nhà đầu tư nước ngoài”, vị này cho biết.

Dự đoán đến năm 2020, ngành công nghiệp cơ khí chế tạo sẽ có tổng sản lượng xuất khẩu đạt 35%, giai đoạn đến năm 2030 đạt 40%, đến năm 2035 đạt 45% tổng sản lượng ngành cơ khí.

Chiến lược đặt ra là tập trung phát triển một số phân ngành cơ khí như ô tô, máy kéo, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp và thiết bị điện, có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và một phần xuất khẩu; đội ngũ lao động ngành cơ khí cơ bản có trình độ đáp ứng nhu cầu của nền sản xuất hiện đại. Điều đó sẽ tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ để các nhà sản xuất không ngừng nâng cấp công nghệ nhằm cải tiến chất lượng kỹ thuật và công nghệ.

Bên lề triển lãm MTA HANOI 2018, nhiều hội thảo khoa học cũng sẽ được tổ chức như Hội thảo Mô hình kinh tế tích hợp hàng hóa - dịch vụ nhằm nâng cao giá trị tổng thể và tối ưu hóa lợi ích cho doanh nghiệp và khách hàng”; “An toàn thông tin” và “Chuyển đổi doanh nghiệp số trong thời đại công nghiệp 4.0”…