Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ hội hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý đô thị

Chia sẻ Zalo

TKinhtedothi - ừ ngày 4 - 6/11/2014 tại Bangkok (ThaiLan) đã diễn ra Hội nghị Thị trưởng Thủ đô các...

TKinhtedothi - ừ ngày 4 - 6/11/2014 tại Bangkok (ThaiLan) đã diễn ra Hội nghị Thị trưởng Thủ đô các nước Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 2. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Vũ Hồng Khanh dẫn đầu Đoàn đại biểu của Thủ đô Hà Nội tham dự Hội nghị.

 
Cơ hội hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý đô thị - Ảnh 1
Với chủ đề “Hội nhập ASEAN cấp địa phương: Sáng kiến xây dựng Mạng lưới hợp tác giữa các thành phố”, Hội nghị lần này tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trên 12 lĩnh vực của 3 trụ cột Cộng đồng ASEAN: Trật tự, an ninh xã hội, Nhập cư, Quản lý thiên tai (Cộng đồng An ninh - Chính trị ASEAN); giao thông, Du lịch, Nâng cao năng lực (Cộng đồng Kinh tế ASEAN); giáo dục, Y tế, Giao lưu văn hóa và con người, Dịch vụ công, Môi trường, Xã hội Dân sự (Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN).

Ngoài ra, Hội nghị cũng tiến hành trao đổi phương hướng triển khai các dự án hợp tác chung trong tương lai nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa các TP thành viên và góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN thực sự.

Tại Hội nghị, đại diện Thủ đô Hà Nội - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Vũ Hồng Khanh đã có bài phát biểu tham luận về các lĩnh vực: Nhập cư, giao thông và trật tự, an toàn xã hội.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Vũ Hồng Khanh, Hà Nội là Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có truyền thống hơn 1000 năm văn hiến, nằm ở trung tâm vùng đồng bằng Bắc bộ với tổng diện tích tự nhiên 3.344km2, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật của Việt Nam, có 30 đơn vị hành chính gồm: 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã với 177 phường, 385 xã và 21 thị trấn với số dân là hơn 7 triệu người. Mật độ dân số trung bình của Hà Nội là 1.990 người/km2. Dân cư phân bố không đều giữa các đơn vị hành chính, tập trung cao nhất tại các quận và giảm dần theo hướng đi ra các huyện.
Cơ hội hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý đô thị - Ảnh 2
Trong nhiều năm trở lại đây, Hà Nội có tốc độ đô thị hóa rất cao kéo theo lượng nhập cư rất lớn từ các địa phương khác. Hằng năm trung bình có trên 60.000 nhân khẩu tỉnh ngoài đăng ký hộ khẩu vào Hà Nội. Việc nhập cư và di dân tự do vào Thủ đô Hà Nội, chủ yếu là khu vực các nội thành đã làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, như: Sự quá tải của hạ tầng kỹ thuật - xã hội, khó khăn cho quản lý nhà nước về nhân khẩu, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, các vấn đề về văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội… gây khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững của Thủ đô.

Tuy nhiên với sự nỗ lực và bằng nhiều biện pháp, chính sách đồng bộ, nên trong 3 năm gần đây, số lượng đăng ký hộ khẩu vào nội thành Hà Nội đã giảm khoảng 50%, tỷ lệ tăng dân số cơ học giảm đáng kể, từng bước góp phần quản lý tốt vấn đề nhập cư và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Trong lĩnh vực giao thông, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh cho rằng, 5 năm qua Hà Nội đã đạt được những thành công bước đầu, khẳng định bước đi của TP là đúng đắn. Trong đó nổi bật nhất là số điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc đã giảm từ 124 (năm 2010) điểm xuống còn 49 điểm (năm 2013) tương đương 60%; Tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn hàng năm đều giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương so với năm trước. Tình hình tai nạn giao thông năm 2013 so với số liệu năm 2009 đã giảm 35%; số người chết giảm 37% và số người bị thương giảm 32.9%. Trật tự giao thông được cải thiện và thông thoáng hơn, cơ bản không còn tắc đường, tình trạng ùn ứ giao thông chỉ còn xảy ra ở một số đoạn vào giờ cao điểm.
Cơ hội hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý đô thị - Ảnh 3
Trên cơ sở đó, thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển hệ thống giao thông đô thị như: Hoàn chỉnh quy hoạch giao thông vận tải; tập trung đầu tư các công trình hạ tầng giao thông khung; tăng cường quản lý, duy trì và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông vận tải.

Tại Hội nghị, các nội dung phát biểu của lãnh đạo TP Hà Nội đã được lãnh đạo các Thủ đô quan tâm trao đổi, nhất là về những thành tựu, kinh nghiệm, giải pháp tổng thể, đồng bộ của Hà Nội trong những năm gần đây nhằm giải quyết tốt vấn đề nhập cư, giao thông, trật tự, an toàn xã hội.

Kết thúc Hội nghị, lãnh đạo 9 Thủ đô ASEAN đã ký Tuyên bố chung Bangkok về Sáng kiến hợp tác giữa Thủ đô các nước ASEAN năm 2014 trong đó thống nhất xây dựng và tăng cường hợp tác thông qua các cơ chế do các bên cũng quyết định nhằm thúc đẩy các hoạt động trao đổi hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm thực hành tốt nhất giữa Thủ đô 10 nước ASEAN, thống nhất việc triển khai các dự án hợp tác chung trên 12 lĩnh vực của 3 trụ cột Cộng đồng ASEAN.
Hội nghị Thị trưởng Thủ đô các nước ASEAN là Hội nghị thường niên của các TP thành viên ASEAN được tổ chức theo sáng kiến của Ngài Joko Widodo, Thống đốc Jakarta (Indonesia) nhằm xây dựng một diễn đàn để các Thủ đô hợp tác trên 12 lĩnh vực thuộc 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN: Cộng đồng An ninh - Chính trị ASEAN, Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN. Hội nghị Thị trưởng Thủ đô các nước ASEAN lần thứ nhất được tổ chức từ ngày 17 - 19/9/2013 tại Jakarta (Indonesia) đã đưa ra những lý thuyết về hợp tác ASEAN và thông qua Tuyên bố chung Jakarta trong đó nhấn mạnh cam kết hợp tác giữa chính quyền địa phương trong quá trình hội nhập của ASEAN.