Cơ hội nâng tầm quan hệ sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ từ ngày 23-25/5 sẽ là cơ hội nâng tầm quan hệ giữa 2 nước, mang lại lợi ích song phương trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, quốc phòng...

Tổng thống Mỹ Obama và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 7 năm ngoái.
Tổng thống Mỹ Obama và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 7 năm ngoái.
Chuyến thăm của Tổng thống Obama lần này được xem là chuyến thăm lịch sử đối với quan hệ 2 nước khi dự kiến các nhà lãnh đạo sẽ bàn thảo cởi mở về các vấn đề Biển Đông, hợp tác về kinh tế, quốc phòng... Đây không chỉ là cơ hội củng cố chính sách xoay trục của Mỹ tại châu Á mà còn nhằm làm sâu sắc quan hệ kinh tế, an ninh với khu vực địa chiến lược quan trọng. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã phát biểu, 2 nước sẽ bàn thảo sâu về vấn đề an ninh ở Biển Đông và gọi đây là một trong những “lợi ích chung”.

Trong chuyến thăm lần này, một vấn đề dự kiến sẽ được đưa ra bàn thảo là việc dỡ bỏ lệnh bán vũ khí sát thương với Việt Nam. Ông Ben Rhodes - Phó Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama cho biết, chính quyền của Tổng thống Obama vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc có dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí với Việt Nam hay không. Tuy nhiên, Phó Cố vấn an ninh quốc gia vẫn nhìn nhận chuyến thăm có ý nghĩa như một chương mới trong quan hệ hợp tác an ninh và kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ.

“Điều chúng tôi muốn thể hiện trong chuyến thăm này này là nâng tầm quan hệ giữa 2 nước một cách đáng kể như những đối tác quan trọng trong nhiều vấn đề”, ông Ben Rhodes nhấn mạnh.

Ngoài cuộc gặp với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ họp với các lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam nhằm đẩy mạnh quan hệ đối tác trong lĩnh vực kinh tế. Cũng trong chuyến thăm kéo dài 3 ngày, ông Obama sẽ thảo luận về tầm quan trọng của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Các học giả nhận định, quan hệ Việt - Mỹ đang ở mức khăng khít nhất kể từ khi 2 nước bình thường hóa quan hệ. Về kinh tế, Việt Nam đã có sự tăng trưởng ổn định trong những năm gần đây nhờ vào sự mở rộng sản xuất và xây dựng trong nước cũng như gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài, bao gồm cả các nhà đầu tư Mỹ. GDP của quốc gia châu Á khu vực Đông Nam đã tăng 6,7% trong năm ngoái - hiệu suất cao nhất trong 7 năm qua va dự kiến sẽ tăng lên 8,1% vào năm 2030 nhờ tác động của TPP.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần