Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ hội nào chờ nhà đầu tư chứng khoán đến cuối năm?

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau tháng 4 đầy sóng gió, thị trường chứng khoán (TTCK) tháng 5 đi qua gần 2/3 thời gian với nhiều diễn biến tích cực. Nhiều phiên, VN-Index đã phục hồi quanh mốc 1.275 điểm.

Tuy nhiên, những lo lắng của nhà đầu tư về thời gian “thiếu vắng thông tin” hỗ trợ giữa năm này dường như vẫn chưa vơi.

Thị trường dập dềnh, khối ngoại vẫn mạnh tay bán ròng

Tháng 5, TTCK đã có nhiều phiên “quay xe” khi phục hồi rồi lao dốc trong chớp mắt. Mới đây nhất, kết thúc phiên 22/5, sau phiên "hồi sinh", thị trường chứng kiến lực bán tháo mạnh, đặc biệt là khối ngoại, khiến kết phiên VN-Index giảm 10,23 điểm (tương đương 0,8%) xuống còn 1.266,91 điểm. Toàn sàn HoSE có 291 mã giảm, 50 mã đứng giá và 173 mã tăng. Bảng điện rổ VN30 cũng trong tình cảnh tương tự với 24 mã giảm so với 5 mã tăng và 1 mã đi ngang.

Giao dịch bán ròng của khối ngoại cũng là một điểm trừ trong thời gian đã qua của tháng 5. Tính đến hết phiên 22/5, khối ngoại đã xả ròng khối lượng lớn 4 phiên liên tiếp, trung bình mỗi phiên xả từ 700 - 800 tỷ đồng. Tổng cộng 4 phiên gần đây, khối ngoại rút 3,2 nghìn tỷ đồng khỏi TTCK. Thống kê từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã bán ròng khoảng 27.000 tỷ đồng trên TTCK Việt Nam.

Việc khối ngoại tiếp tục bán ròng là một điểm trừ của chứng khoán tháng 5. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, động thái này cũng chưa ở mức quá đáng lo. Theo tính toán, riêng nhóm cổ phiếu họ Vingroup (VIC, VHM, VRE) đã chiếm tới khoảng 45% trị giá bán ròng, còn lại một số cổ phiếu vốn hóa lớn khác như MSN, VNM và các quỹ ETF... Những con số này cho thấy việc bán ròng tập trung vào một số nhóm cổ phiếu nhất định, chứ không phải toàn thị trường.

Dự báo mới nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu giảm lãi suất lần đầu tiên trong năm nay vào cuộc họp chính sách tháng 9 tới. Nhiều nước trong khu vực đều ghi nhận việc nhà đầu tư nước ngoài rút tiền khỏi TTCK. Một số chuyên gia dự báo, có thể khi Fed có động thái giảm lãi suất, khối ngoại sẽ giảm áp lực bán ròng. Đặc biệt, trong trường hợp Việt Nam đủ điều kiện nâng hạng lên thị trường mới nổi vào tháng 3/2025 hoặc chậm hơn là tháng 9/2025, sẽ kích thích dòng tiền nước ngoài trở lại.

Nhận định của các chuyên gia Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho thấy, khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh và đại hội cổ đông dần đi qua, kỳ vọng có động lực thông tin từ phía DN không quá nhiều. Các thông tin tích cực hỗ trợ cũng thiếu vắng.

Nhà đầu tư giao dịch tại một sàn chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Nhà đầu tư giao dịch tại một sàn chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Ông Trần Thanh Long - Giám đốc Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, nhà đầu tư luôn lo lắng về một giai đoạn TTCK có thể bị điều chỉnh kể từ tháng 5 khi vào thời điểm này thị trường sẽ dần thiếu vắng các thông tin. Tuy nhiên, năm 2024, mặc dù còn những yếu tố rủi ro từ bên ngoài nhưng nền kinh tế cũng đang được kỳ vọng tăng trưởng tích cực cùng nỗ lực nâng hạng TTCK.

“Các yếu tố chính về mặt kinh tế vĩ mô vẫn đang tạo thuận lợi cho TTCK tiếp tục có những xu hướng phục hồi” - ông Trần Thanh Long phân tích.

Nhóm ngành nào dẫn sóng cuối năm?

Nhận định diễn biến thị trường trong các quý tới, BSC đang đưa ra những kịch bản thị trường mà nhà đầu tư có thể tham khảo. Theo đó, với kịch bản cơ sở VN-Index có thể sẽ kết thúc năm ở khoảng xấp xỉ 1.300 điểm. Với kịch bản tốt sẽ lên mức khoảng 1.425 điểm.

Đại diện BSC cũng cho rằng, năm 2024 là năm kinh tế phục hồi và kết quả kinh doanh của các DN được cải thiện, EPS (chỉ số tài chính dùng để đo lường lợi nhuận trung bình đối với mỗi cổ phiếu của một công ty trong một khoảng thời gian nhất định) của toàn bộ thị trường được dự báo sẽ vào khoảng từ 15 - 17% tăng trưởng so với năm 2023.

 

Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tháng 4/2024, Việt Nam đã có thêm 110.761 tài khoản chứng khoán mới, nâng tổng số tài khoản chứng khoán trong nước lên hơn 7,7 triệu. Theo Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030, Việt Nam hướng đến mục tiêu đạt mốc 9 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên TTCK vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030. Trong đó, Chính phủ yêu cầu tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

Khối ngoại liên tục bán ròng nhưng số lượng tài khoản của nhà đầu tư nước ngoại tại Việt Nam vẫn tiếp tục tăng qua từng tháng. Thời điểm cuối tháng 4/2024, nhà đầu tư ngoại có tổng cộng 46.137 tài khoản chứng khoán, tăng 242 tài khoản so với cuối tháng 3.

Kết quả kinh doanh toàn thị trường quý I/2024 cũng cho thấy, thứ nhất, lợi nhuận sau thuế của các DN niêm yết đã tăng trưởng khoảng 11,7 - 12,3%. Thứ hai, mức độ định giá của VN-Index trên cơ sở dữ liệu của BSC hiện nay cho thấy, mức P/E của thị trường đang ở khoảng 14,5 lần và đây là mức tương đối thấp so với trung bình 5 năm của VN-Index. Đây là những lý do vì sao BSC đưa ra kịch bản lạc quan rằng VN-Index có thể tiến về vùng 1.400 điểm trong năm 2024.

Lạc quan hơn, Maybank Investment Bank (MSVN) kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của các DN niêm yết sẽ bứt phá trong nửa cuối năm, cùng với đó là việc VN-Index hướng đến mốc 1.420 điểm.

Ba yếu tố để các chuyên gia MSVN đưa ra dự báo gây sốc này gồm: tăng trưởng lợi nhuận mạnh hơn trong 6 tháng đầu năm 2024; tiến trình vững chắc hướng tới việc FTSE nâng hạng thị trường Việt Nam lên thị trường mới nổi (dự kiến vào tháng 3/2025) và định giá thị trường vẫn hợp lý.

Các tổ chức phi ngân hàng đang giao dịch ở mức P/E 20,4 lần, cao hơn một chút so với mức trung bình 3 năm trong khi các ngân hàng vẫn đang dao động ở mức P/B hấp dẫn là 1,6 lần, gần mức trung bình 3 năm - 1 độ lệch chuẩn. Do đó, MSVN duy trì mục tiêu cho VN-Index ở mức 1.420 điểm, tương ứng với P/E là 14,2 lần.

Ông Đinh Đức Minh, Giám đốc đầu tư, Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital nhận định, khoảng 1 tháng trước, các nhà đầu tư khá lo ngại trước sức ép tỷ giá tăng, lãi suất nhấp nhổm đi lên hay căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông, khiến VN-Index mất hơn 100 điểm chỉ trong 1 tuần vào giữa tháng 4. Còn hiện tại, những lo lắng này vẫn còn nhưng dường như nhà đầu tư đã quen, trong khi kinh tế vĩ mô trong nước đang có những tín hiệu tích cực hơn, sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu đều khả quan.

"Kết quả kinh doanh quý I/2024 của các DN niêm yết tăng khoảng 12% so với cùng kỳ. Nếu nhìn kỹ hơn, nhiều DN có lợi nhuận rất tốt" - ông Đinh Đức Minh nói.

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Khối phân tích cá nhân, Công ty Chứng khoán Maybank, nếu nhìn vào các kênh đầu tư ở hiện tại, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn hơn. Ngay cả lãi suất huy động có nhích lên nhưng mặt bằng chung vẫn ở mức thấp. Vì vậy, khi VN-Index có mức giảm đủ hấp dẫn sẽ kích thích dòng tiền từ nhà đầu tư chảy vào.

Bốn nhóm ngành được lãnh đạo Công ty Chứng khoán MayBank khuyến nghị nhà đầu tư nên cân nhắc từ nay đến cuối năm gồm: ngân hàng, bán lẻ, công nghệ và thép.

 

Khi đánh giá xu hướng tăng giảm của TTCK cần nhìn yếu tố dòng tiền vào thị trường như thế nào? Thực tế, ở thời điểm hiện tại, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư có lợi thế cạnh tranh so với bất động sản, trái phiếu, vàng, lãi suất. Trong đó, lãi suất có tăng nhưng vẫn trong mặt bằng thấp so với 1 năm trước. Còn giá vàng dù lập đỉnh nhưng không phải ai cũng đổ xô mua vàng như 10 năm trước.
Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Thành Công
Nguyễn Thành Trung