Khu đất tọa lạc của Tràng Tiền Plaza trước đây được biết đến với tên gọi Bách hóa Tổng hợp Hà Nội. Có vị trí đẹp nhất Thủ đô lại có bề dày lịch sử, song do cách quản lý vận hành lỗi thời nên TTTM sau khi xây dựng lại, đơn vị kinh doanh liên tục thua lỗ. Trước tình trạng này, Nhà nước đã chuyển giao vốn sở hữu của Tràng Tiền Plaza từ Vinaconex sang Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước quản lý. Sau khi chuyển đổi đơn vị quản lý và được đầu tư cải tạo với kinh phí lên đến 400 tỷ đồng, Tràng Tiền Plaza đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn góp vốn kinh doanh. Tuy nhiên, DFS (Singapore) với chuỗi cửa hàng miễn thuế tại các sân bay trên toàn thế giới (Công ty con của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương) đại diện là ông Johnathan Hạnh Nguyễn được lựa chọn.
Nói về tương lai của Tràng Tiền Plaza, ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ: Trong thời gian tới, TTTM này sẽ chủ yếu kinh doanh những mặt hàng của các thương hiệu nổi tiếng như Burberry, Cartier, Dior, Louis Vuitton… và các thương hiệu cao cấp của Việt Nam. Để thu hút các thương hiệu nổi tiếng vào kinh doanh tại đây không kể 400 tỷ đồng cải tạo bên ngoài, tổng số tiền hoàn thiện cho 112 gian hàng và hàng hóa lên đến 150 triệu USD, tương đương 3.000 tỷ đồng.
Tràng Tiền Plaza trước ngày khai trương. Ảnh: Hoài Nam
Mặc dù trở thành TTTM cao cấp, tuy nhiên khai trương vào giai đoạn kinh tế đang khó khăn, hàng hiệu trở thành món đồ quá xa xỉ không chỉ với đại bộ phận người tiêu dùng mà ngay cả đối với những người có thu nhập cao, nên việc tiêu thụ hàng hóa được dự báo là điều không dễ dàng.
Bên cạnh đó, số liệu của Công ty CBRE Vietnam cho thấy, dự kiến trong năm 2013 thị trường sẽ đón nhận thêm khoảng 700.000m2 mặt bằng bán lẻ. Ngoài ra, Parkson sẽ tiếp tục mở thêm 3 - 4 trung tâm mới tại Hà Nội. Lotte cũng đang gấp rút để mở TTTM 65 tầng với tổng vốn dự án lên tới 400 triệu USD… Những TTTM này sẽ là đối thủ trực tiếp với Tràng Tiền Plaza.
Một nguyên nhân nữa khiến Tràng Tiền Plaza không cạnh tranh nổi về sức mua so với các TTTM xa trung tâm là do không gian chật hẹp, thiếu chỗ gửi xe. Cùng với đó, việc "biến" Tràng Tiền Plaza trở thành điểm mua sắm cao cấp đã phần nào "xóa" đi hình ảnh một TTTM dành cho mọi đối tượng người tiêu dùng cũng là một sức ép không nhỏ nếu DFS và các nhãn hàng kinh doanh tại đây.