Tấm thu năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Trung Quốc đã gây ra nhiều bất đồng giữa hai bên.Ảnh: AFP
Mọi rắc rối bắt đầu từ tháng 9 và tháng 11 năm 2012 khi EU tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Trung Quốc. Đến ngày 5/6/2013, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố kết quả điều tra, theo đó quyết định sẽ phải áp mức thuế trừng phạt 47,6% và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất có giá trị giao dịch ước đạt 27 tỷ USD giữa Trung Quốc - EU. Để giải quyết vụ việc, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đến châu Âu để thương lượng và kết quả là EC đã đồng ý chỉ áp mức thuế 11,8%. Tuy nhiên, mức thuế này chỉ có hiệu lực trong 2 tháng, đến ngày 6/8 tới, nếu hai bên không đàm phán thành công, mức thuế sẽ được nâng lên 47,6% như phán quyết được EC đưa ra.
Trên thực tế, không chỉ có các sản phẩm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc cần thị trường EU, mà ngược lại những doanh nghiệp châu Âu cũng rất cần sản phẩm “vừa rẻ vừa đẹp” của Trung Quốc. Vì thế, không ngạc nhiên khi phiên điều trần diễn ra tại trụ sở EC ở Brussels, Bỉ hôm 17/7 đã “nóng” ngay từ những phút đầu tiên khi lãnh đạo của hơn 30 công ty quang điện của châu Âu đưa ra những bằng chứng cho thấy thiệt hại to lớn của quyết định áp thuế đối với ngành công nghiệp này. Được tổ chức bởi Hiệp hội năng lượng mặt trời châu Âu (AFASE) gồm hơn 740 công ty, cuộc điều trần là cơ hội để lãnh đạo các công ty quang điện châu Âu trình bày về thiệt hại mà họ phải gánh chịu do lệnh áp thuế này.
Trong bối cảnh, châu Âu chiếm tới một nửa thị trường pin năng lượng mặt trời trị giá 77 tỷ USD của thế giới trong năm 2012, phán quyết áp thuế về mức 47,6% chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới những doanh nghiệp EU, vốn đang phải vật lộn với khủng hoảng. Theo một nghiên cứu của Viện nghiên cứu độc lập Prognos của Thụy Sỹ công bố hồi đầu năm, việc áp thuế chống phá giá ở bất cứ mức nào cũng sẽ dẫn đến mất việc làm. Nếu mức thuế là 60%, khoảng 242.000 người sẽ mất việc ở châu Âu trong vòng 3 năm tới. Không những thế, vụ việc có khả năng dẫn đến một cuộc chiến tranh thương mại với các đòn trả đũa dai dẳng giữa EU – Trung Quốc. Việc Bắc Kinh cho biết sẽ mở cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ giá nhằm rượu nhập vang khẩu từ châu Âu chỉ một ngày sau khi EU thông báo lộ trình đánh thuế trên hôm 5/6 vừa qua là bằng chứng cho thấy, mối quan hệ thương mại EU – Trung Quốc rất dễ bị tổn thương.