Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Cơ hội số” cho nông nghiệp, nông thôn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam - ASOCIO 2014 khai mạc ngày 29/10 tại Hà Nội đã quy tụ 700 đại biểu đến từ 20 nền kinh tế thuộc châu Á, châu Đại Dương. Một trong những chủ đề "nóng" được thảo luận tại Diễn đàn là đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Sức mạnh của công nghệ

Các nhà lãnh đạo và giới chuyên gia đã cùng thẳng thắn chỉ ra, Việt Nam có nhiều lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, nhưng người nông dân còn chịu thiệt thòi, chưa được hưởng lợi nhiều từ những gì họ làm ra. Ngành nông nghiệp hiện chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ dựa vào kinh tế hộ gia đình, năng suất lao động thấp hơn cả Lào, Campuchia. Trước thực trạng này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, các ứng dụng CNTT chính là "cơ hội số" giúp mỗi hộ nông dân có thể trở thành một "DN số" có năng suất và giá trị vượt trội. Câu chuyện một nông dân dùng điện thoại tải nhạc trên internet rồi phát cho đàn gà nghe, nhờ đó năng suất trứng tăng đáng kể được Phó Thủ tướng nêu ra như một ví dụ sinh động cho thấy sức mạnh mà công nghệ mang lại cho nông nghiệp, nông dân. 
 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn trao Giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp.      Ảnh: Thanh Hải
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn trao Giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Hải
 
Để chứng minh rõ hơn giá trị to lớn của CNTT đối với phát triển nông nghiệp, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hiệp hội DN Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) chia sẻ câu chuyện về Israel - một quốc gia có điều kiện canh tác nông nghiệp vô cùng khó khăn, nhưng nhờ có công nghệ, một héc ta đất cho năng suất 3 triệu bông hồng hay một con bò cho ra 11 tấn sữa/năm. Ở Isarel, một người lao động nông nghiệp hiện có thể cung cấp đủ lương thực, thực phẩm cho 100 người, trong khi con số này năm 1955 chỉ là 15 người... Từ kinh nghiệm các nước, TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn tin tưởng, việc đẩy mạnh các ứng dụng CNTT sẽ giúp Việt Nam có một nền nông nghiệp thông minh, chính xác với "năng suất ghê gớm".

Doanh nghiệp cần vào cuộc

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT thừa nhận, đa số DN CNTT hiện nay "vẫn chưa chạm vào nông nghiệp", chưa nghĩ đến các giải pháp công nghệ cao cho nhà nông. Tuy nhiên, một phần nguyên nhân là do lĩnh vực nông nghiệp cũng ít có ai đặt hàng. Trong khi đó, một số nông dân muốn áp dụng CNTT vào trồng trọt, chăn nuôi nhưng không có nguồn thông tin, chưa hiểu nên bắt đầu từ đâu, hoặc không có đủ kinh phí. 

Theo các chuyên gia, việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay đã đến thời điểm chín muồi. Tuy nhiên, để có thể thành công cần phải hội đủ 5 yếu tố: Người dân được truy cập internet; hạ tầng cáp quang; hệ thống thông tin cho nông nghiệp; đào tạo cho người dân và các phần mềm ứng dụng cho nông nghiệp.
Mạng xã hội, di động cá nhân, điện toán đám mây sẽ tạo ra nền tảng phát triển mới mà ở đó mọi giá trị cá nhân đều được phát huy tối đa. Từ nông dân đến người làm khoa học, từ người có điều kiện về vật chất, giáo dục đến cháu bé bị khuyết tật… đều có cơ hội phát triển nhờ vào các ứng dụng CNTT.     

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam
Một sự kiện đáng chú ý nhân dịp diễn ra ASOCIO 2014 là việc Tập đoàn Fujitsu Nhật Bản và Công ty CP FPT đã công bố hợp tác triển khai dịch vụ Akisai Cloud - Dịch vụ hỗ trợ toàn diện giải pháp quản lý nông nghiệp trên nền công nghệ điện toán đám mây. Được biết, giai đoạn 1 của dự án bắt đầu từ tháng 4/2015, hai bên sẽ hợp tác xây 2 Trung tâm thực nghiệm ứng dụng dịch vụ Akisai Cloud tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong đó, Trung tâm tại quận Gia Lâm, Hà Nội có diện tích 5ha và Trung tâm tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh là 9ha. Dự kiến, tại các trung tâm thực nghiệm, Fujitsu sẽ cùng FPT ứng dụng dịch vụ Akisai Cloud với các loại cây trồng gồm: Cà chua, dưa chuột, ớt ngọt và hoa lan. 

Chia sẻ thêm về kết quả ứng dụng giải pháp CNTT - truyền thông của Fujitsu vào nông nghiệp, đại diện Fujitsu cho hay: "Với việc thay đổi hoàn toàn cách thức canh tác, từ chỗ làm bằng chân tay sang điều khiển bằng hệ thống máy tính, chúng tôi tự tin là đối với trường hợp cây trồng là cà chua, năng suất có thể tăng từ 2 - 2,5 lần". Đây được xem là nỗ lực, quyết tâm cao của FPT nói riêng và DN CNTT Việt Nam nói chung trong việc học tập, kế thừa các thành tựu về ứng dụng CNTT phục vụ nông nghiệp theo hướng xanh, sạch và bền vững.

Hà Nội đặc biệt quan tâm đến CNTT

Tối 29/10, UBND TP Hà Nội đã tổ chức chương trình Giao lưu chào mừng ASOCIO 2014.

Chia sẻ tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Thiện Nhân – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định: “Việt Nam là quốc gia CNTT và viễn thông, Chính phủ Việt Nam luôn chào đón và tạo mọi điều kiện để các DN CNTT nước ngoài có cơ hội hợp tác lâu dài và phát triển bền vững cùng các DN Việt Nam”.

Đại diện cho cơ quan chủ trì tổ chức buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cũng khẳng định: “TP Hà Nội đặc biệt quan tâm đến triển khai ứng dụng và phát triển CNTT trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và đang hoàn thiện chính quyền điện tử của TP, thành lập các khu công viên công nghệ phần mềm, thu hút được hơn 400 dự án đầu tư nước ngoài liên quan đến lĩnh vực CNTT”. Cũng theo lãnh đạo Hà Nội, hiện tại Hà Nội đang xếp thứ 3 ở Việt Nam về mức độ sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT và xếp thứ 2 tổng thể về ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan Nhà nước.

Đặc biệt, tại buổi lễ, Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã trao tặng Giấy chứng nhận và giới thiệu tới cộng đồng quốc tế 30 DN CNTT hàng đầu Việt Nam 2014 - những DN tiêu biểu trong 2 lĩnh vực là Phần mềm đóng gói và BPO/outsourcing/offstore. Đây là hoạt động nằm trong chương trình hỗ trợ các DN CNTT Việt Nam mở rộng thị trường, vươn ra quốc tế, xác lập vị trí của mình và của Việt Nam trong chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu của ngành CNTT thế giới. Trong 30 DN có nhiều tên tuổi quen thuộc của ngành CNTT Việt Nam như: FPT software, CMC Software Solution, Tinh Vân, TMA Solutions…

Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức chương trình giới thiệu các DN được lựa chọn ra thế giới. VINASA sẽ thông qua hệ thống các tổ chức đối tác quốc tế song phương, đa phương của mình, trong đó có Liên minh Dịch vụ CNTT thế giới (WITSA), Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á – châu Đại Dương… để giới thiệu 30 DN CNTT hàng đầu Việt Nam đến các DN, hiệp hội DN, các tổ chức được lựa chọn tại gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. 30 DN này được VINASA cấp Giấy chứng nhận và quảng bá tại các sự kiện quốc tế như Triển lãm SODEC (Nhật Bản), Triển lãm CeBIT (Đức)… được ưu tiên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong nước, quốc tế do VINASA tổ chức.