Cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế toàn cầu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau khi gặp nhau tại Hội nghị Cấp cao APEC (Trung Quốc), Cấp cao Đông Á (Myanmar), ngày 15/11, các nhà lãnh đạo của các cường quốc hàng đầu thế giới lại có cơ hội bàn thảo về tương lai chính trị, kinh tế toàn cầu tại Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) ở Brisbane, Australia.

Phố Wall - trung tâm tài chính chứng khoán của nước Mỹ và thế giới.
Phố Wall - trung tâm tài chính chứng khoán của nước Mỹ và thế giới.
Tập trung cho tăng trưởng

Không phải ngẫu nhiên mà châu Á - Thái Bình Dương tuần qua trở thành tâm điểm của truyền thông thế giới với các cuộc gặp gỡ cả trên bàn đàm phán lẫn tiếp xúc riêng của giới chức các nền kinh tế lớn nhất. Bởi ngay cả trước khi kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, châu Âu chật vật đối phó với nợ công, các quốc gia tại châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Và một hội nghị thượng đỉnh tại Australia lần này là cơ hội hoàn hảo để lãnh đạo các nền kinh tế lớn thảo luận câu chuyện tái cơ cấu nền kinh tế toàn cầu với mục tiêu đầy tham vọng là thực hiện gần 1.000 sáng kiến nhằm tăng GDP toàn cầu trong 5 năm tới thêm 2% (tương đương 2.000 tỷ USD).

Theo đó, G20 sẽ triển khai chiến lược tăng trưởng mới gồm cải cách cả kinh tế vĩ mô nhưng lại tái cấu trúc cho phù hợp với từng quốc gia; tăng cường đầu tư có chất lượng vào cơ sở hạ tầng; cắt giảm rào cản thương mại; thúc đẩy cạnh tranh và tăng cường tạo việc làm. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo thế giới còn thảo luận về vấn đề phục hồi kinh tế như cải cách các quy định tài chính, hiện đại hóa hệ thống thuế, phục hồi thị trường năng lượng, củng cố hệ thống trao đổi thương mại toàn cầu và chống tham nhũng.

Giải quyết nhiều vấn đề nóng

Mặc dù lãnh đạo các nước cam kết sẽ hành động để thực thi kế hoạch đầy tham vọng này nhưng nhiều nhà phân tích vẫn cho rằng, sẽ khó để hiện thực hóa mục tiêu tăng 2% GDP do mâu thuẫn lợi ích giữa các nước giàu và nước phát triển mới nổi, những lợi ích kinh tế gắn với xung đột chính trị. Trên thực tế, trước khi Hội nghị thượng đỉnh G20 khai màn, những cuộc diễu hành phản đối chính sách thiên vị cho các nước giàu đã diễn ra tại Brisbane và nhiều quốc gia khác.

Không chỉ giải quyết những vấn đề kinh tế, hồ sơ Ukraine tiếp tục là nội dung được quan tâm tại Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay. Cuộc khủng hoảng tại Ukraine và những hệ lụy của nó đã khiến kinh tế châu Âu - nơi tập trung nhiều nước thành viên G20 trong đó trực tiếp là EU và Nga gặp nhiều nguy cơ. Các lệnh trừng phạt, trả đũa lẫn nhau giữa Nga và EU đã làm mức tăng trưởng kinh tế của 2 bên giảm đáng kể. Trong báo cáo đưa ra hồi tháng trước, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã dự báo nền kinh tế Nga và các nước châu Âu sẽ tăng trưởng không đáng kể, thậm chí nhiều nền kinh tế ở khu vực sẽ về con số 0 vào năm tới. Điều này không chỉ tác động tới sự tăng trưởng chung của nền kinh tế toàn cầu mà còn ảnh hưởng tới những cam kết, vốn đã bị cho là mang tính hình thức của G20.
Với sự tham gia của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga Vladmir Putin, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Anh David Cameron…, Hội nghị thượng đỉnh G20 thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới bởi những cuộc gặp song phương giữa lãnh đạo các cường quốc có thể đưa ra các quyết định ảnh hưởng đến tương lai toàn cầu.