Trung Quốc duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN, lớn thứ 6 trên toàn cầu của Trung Quốc. Thời gian qua, hợp tác về kinh tế - thương mại, đầu tư giữa hai bên đã liên tiếp tăng trưởng và đạt những dấu mốc kỷ lục mới.
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (từ ngày 12-13/12) là sự kiện quan trọng đầy ý nghĩa, dự kiến sẽ bổ sung thêm những động lực mới cho quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước, đóng góp vào phát triển và nâng tầm Quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.
Bức tranh sáng
Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới gặp thách thức, ảnh hưởng tới hoạt động ngoại thương của Việt Nam, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khả quan trong 10 tháng năm 2023 (tăng 5,1% so với cùng kỳ 2022), gần chạm mốc 50 tỷ USD.
Có thể nói Trung Quốc là một trong số ít các thị trường quan trọng hàng đầu của Việt Nam mà Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng của xuất khẩu.Mặt khác, bất chấp bức tranh kinh tế toàn cầu ảm đạm, thương mại song phương Việt Nam-Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt. Năm 2018, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Trung Quốc vượt 100 tỷ USD. Kể từ đó, trao đổi thương mại giữa hai nước không ngừng tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước.
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, quy mô thương mại Việt Nam-Trung Quốc năm 2022 đạt 175,56 tỷ USD, tăng 5,47% so với năm 2021, trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 57,7 tỷ USD, tăng 3,18%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 117,8 tỷ USD, tăng 6,63%. Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam đến cuối tháng 11/2023 có 4.203 dự án còn hiệu lực, với 27.224 triệu USD, đứng thứ 3 về số dự án và thứ 6 về số vốn đăng ký. Riêng từ đầu năm nay đến cuối tháng 11 có 632 dự án, với lượng vốn 3.806,5 triệu USD, đứng thứ nhất về số dự án, thứ 2 về lượng vốn đăng ký. Lượng vốn đăng ký bình quân 1 dự án chỉ đạt khoảng 6,5 triệu USD, thấp chỉ bằng một nửa mức bình quân chung về vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (khoảng 12,5 triệu USD).
Việc hai nước đạt được những bước tiến nhanh chóng trong quan hệ hợp tác kinh tế - đầu tư, theo giới quan sát, do lợi thế bổ trợ về kinh tế cũng như việc thực hiện đầy đủ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã tạo những cơ hội để hợp tác song phương liên tục được củng cố, không ngừng phát triển.
Tiềm năng hợp tác kinh tế cửa khẩu
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, trong nhiều năm vừa qua, Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Trung Quốc chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc với thế giới và là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Trung Quốc và Việt Nam có chung đường biên giới trên bộ, trên biển và đường thủy. Chiều dài biên giới đường bộ lên tới gần 400 km, đi qua địa phận của 7 tỉnh phía Bắc của Việt Nam. Đặc điểm này đã mang lại cho hai nước có lợi thế để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu.
Bên cạnh đó, một số cửa khẩu đã ứng dụng công nghệ, tần suất thông quan tốt hơn và thúc đẩy thương mại biên giới tốt hơn. Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương truyền thống giữa các tỉnh biên giới của Việt Nam với Trung Quốc được khôi phục với nhiều hình thức đa dạng.
Kinh tế - xã hội của các địa phương vùng biên cũng có nhiều khởi sắc, đặc biệt là không khí sống hòa thuận giữa các dân tộc của hai đất nước, hai địa phương thân thiện hơn. Một số dự án đầu tư đã được triển khai ở khu vực này, kể cả đầu tư trong nước cũng như đầu tư của nước ngoài tại khu vực.
Cơ hội rộng mở để thúc đẩy thương mại
Hiện nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Trong 11 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 47,84 tỷ USD.
Đặc biệt, Trung Quốc là thị trường dẫn đầu với giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt 11,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 23,2%, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước; Hoa Kỳ đạt 9,5 tỷ USD, chiếm 20,6%, giảm 17,9% và Nhật Bản đạt 3,5 tỷ USD chiếm 7,4%, giảm 9,1%. So với cùng kỳ năm trước..
Tại Kỳ họp lần thứ 12 Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Trung Quốc tổ chức ngày 27/11, ông Vương Văn Đào, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc khẳng định, nước này có nhu cầu lớn và hoan nghênh nông sản chất lượng cao của Việt Nam.
Cụ thể, thống kê từ phía Trung Quốc cho thấy, sau 10 tháng kể từ khi sầu riêng được Trung Quốc mở cửa thị trường (cuối năm 2022), kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đã đạt gần 2 tỷ USD và dự kiến sẽ vượt xa con số này trong cả năm 2023. Bộ trưởng Vương Văn Đào cũng khẳng định, Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ tiếp tục điều phối, thúc đẩy Hải quan Trung Quốc mở cửa thị trường đối với nông sản Việt Nam.
Theo thống kê của Việt Nam, 10 tháng năm 2023, kim ngạch thương mại qua các cửa khẩu biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 34,57 tỷ USD, tăng 87,3% so với cùng kỳ 2022.
Xuất khẩu sang Trung Quốc lớn thứ 2 trong các thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Trong điều kiện tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 10 tháng năm 2023 giảm 7% so với cùng kỳ năm trước, thì xuất khẩu sang Trung Quốc là thị trường duy nhất có mức tăng trên 1 tỷ USD (49,6 tỷ USD so với 47,2 tỷ USD).
Những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc có trên 42 mặt hàng, nhóm hàng. Trong 10 tháng năm 2023 có 28 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD, trong đó có 10 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD (điện thoại và linh kiện: 13,155 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: 11,009 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện: 3,312 tỷ USD; rau quả: 3,185 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác: 2,518 tỷ USD; xơ sợi dệt: 1,932 tỷ USD; cao su: 1,682 tỷ USD; giày dép: 1,517 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ: 1,410 tỷ USD; thủy sản: 1,345 tỷ USD).
Chỉ 10 mặt hàng này đã đạt 41,1 tỷ USD, chiếm 82,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc. Trong 42 mặt hàng chủ yếu, có 29 mặt hàng tăng, 9 mặt hàng tăng khá (trên 100 triệu USD), đặc biệt có 2 mặt hàng tăng trên 1 tỷ USD là rau quả; điện thoại và linh kiện.
Bên cạnh đó, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các thị trường và ngày một tăng lên. Tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2018 chiếm 27,6%, đến năm 2020 và 2021 đã tăng lên mức 32% và 33,1%, năm 2022 giảm nhẹ về mức 32,8% nhưng 10 tháng năm 2023 đã tăng lên, đạt 33,5%.
Những mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có trên 44, trong đó có 14 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD (cao nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: 18,8 tỷ USD; thứ hai là máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác: 18,1 tỷ USD; thứ ba là vải: 6,8 tỷ USD...). Chỉ 14 mặt hàng này đã đạt 73,915 tỷ USD, chiếm 82,7% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê và Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc trong mấy năm gần đây liên tục tăng lên, chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam (năm 2020 chiếm 24,4%, năm 2021: 24,8%) và là tỷ trọng lớn nhất trong các nước và vùng lãnh thổ.
Tỷ trọng này chỉ bị giảm nhẹ vào năm 2022 (còn 24%), nhưng đã tăng trở lại với mức cao hơn trong 10 tháng 2023 (đạt 25,1%), khi Trung Quốc thay đổi chiến lược phòng, chống đại dịch Covid-19 và 2 nước chuyển mạnh sang chính ngạch.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam có 14 nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 2 nhóm hàng đạt trên 20 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 24,3 tỷ USD và máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (24,1 tỷ USD).
Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới trên đất liền dài hơn 1.400 km, trong đó có 383,914 km đường biên giới đi theo sông suối, tiếp giáp giữa 7 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh của Việt Nam với tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của Trung Quốc. Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, Quảng Tây và Vân Nam đều là thị trường truyền thống, đóng vai trò rất quan trọng không chỉ với 7 tỉnh biên giới phía Bắc mà đối với tổng thể quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc.