Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ hội tiếp cận và ứng dụng công nghệ xử lý rác tại WETV

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng chục công ty với đầy đủ các trang thiết bị và công nghệ xử lý rác thải sắp quy tụ tại Đà Nẵng. Đây là cơ hội để Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương tiếp cận và lựa chọn ứng dụng công nghệ xử lý rác thải.

Hội thảo và Triển lãm quốc tế về Giải pháp và Công nghệ xử lý chất thải tại các đô thị Việt Nam (viết tắt là WETV) sẽ diễn ra trong hai ngày (25 và 26/8) tại Trung tâm Hội chợ triển lãm TP Đà Nẵng.

Sự kiện do Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng phối hợp cùng Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam, Công ty Informa Markest và các đơn vị liên quan tổ chức.

Ban tổ chức họp báo thông tin về sự kiện. Ảnh: Quang Hải
Ban tổ chức họp báo thông tin về sự kiện. Ảnh: Quang Hải

Thông tin tại buổi họp báo ngày 19/8, ban tổ chức cho biết, sự kiện thu hút sự quan tâm tham dự của hơn 2.000 khách mời là đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan trung ương, tổ chức quốc tế…

Hội thảo gồm 2 phiên với hơn 20 diễn giả là các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực môi trường.

Trong khi đó, quy mô triển lãm gồm trên 35 gian hàng với hơn 1.000m2 (trong nhà và ngoài trời) trưng bày các thiết bị, công nghệ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải đô thị hiện đại của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng Tô Văn Hùng cho biết: “Đây là cơ hội lớn để các cơ quan, hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước trao đổi, chia sẻ; nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ. Đặc biệt, khuyến khích và ưu tiên thúc đẩy chuyển giao công nghệ xử lý môi trường mới, công nghệ tái chế, năng lượng tái tạo, phù hợp cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải tại các đô thị Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng trong thời gian tới”.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2016-2020, chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) ở các đô thị tăng từ 10-16%. Khối lượng CTRSH phát sinh tại khu vực đô thị trong cả nước là 35.624 tấn/ngày, chiếm khoảng 55% tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên cả nước.

CTRSH sau khi thu gom được xử lý chủ yếu bằng các phương pháp sau: 71% khối lượng được xử lý bằng phương pháp chôn lấp; 16% khối lượng được xử lý tại các nhà máy chế biến compost; 13% khối lượng được xử lý bằng phương pháp đốt.

Thực tế hiện nay cho thấy công nghệ sử dụng trong các phương pháp nói trên nhìn chung còn lạc hậu, thiếu đồng bộ; thiếu cơ chế chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ từ khâu thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH.