Cơ hội từ các thị trường tiêu thụ gạo hàng đầu của Việt Nam

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Năm 2024, gạo Việt Nam sẽ vẫn giữ vị trí quan trọng và có nhiều dư địa để doanh nghiệp xuất khẩu gạo tiếp tục khai thác, gia tăng kim ngạch xuất khẩu tại những thị trường lớn như Philippines, Indonesia, Trung Quốc…

Giữ vững vị thế quan trọng tại nhiều thị trường lớn

Những năm gần đây, Philippines vẫn là thị trường tiêu thụ gạo hàng đầu của Việt Nam khi chiếm đến 38,5% tổng lượng và 37,5% tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt hơn 3,14 triệu tấn. Giá trị tương đương 1,75 tỷ USD trong năm 2023, tăng 20,5% về trị giá nhưng giảm 2,46% về lượng so với năm 2022.

Philippines vẫn là thị trường tiêu thụ gạo hàng đầu của Việt Nam. Ảnh minh họa
Philippines vẫn là thị trường tiêu thụ gạo hàng đầu của Việt Nam. Ảnh minh họa

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines Phùng Văn Thành nhận định, là nhà cung ứng gạo số 1 vào thị trường Philippines nên Việt Nam có nhiều lợi thế tại quốc gia này. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có quan hệ bạn hàng lâu năm với các nhà nhập khẩu gạo của Philippines, đã tạo được uy tín dựa trên nguồn cung ổn định, chất lượng và giá cả vô cùng cạnh tranh.

“2024 sẽ tiếp tục là năm có nhiều biến động, khi Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới duy trì lệnh cấm xuất nhập khẩu, gây ảnh hưởng đến nguồn cung. Trong khi đó, Trung Quốc và Indonesia có động thái gia tăng nhập khẩu, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho xuất nhập khẩu gạo của Việt Nam” – ông Phùng Văn Thành dự báo.

Tại Indonesia, quốc gia nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam, Tham tán Thương mại tại Indonesia Phạm Thế Cường cho biết: nguồn cung gạo tại thị trường này đang thiếu hụt nghiêm trọng khi hiện tượng gạo khan hiếm tại các siêu thị đã xuất hiện.

Dự báo chính phủ Indonesia sẽ tiếp tục mở thầu mua thêm gạo để đáp ứng nhu cầu lương thực. Chính vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần theo dõi sát thông tin thị trường, tận dụng, tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm sang thị trường Indonesia.

Trung Quốc là đối tác nhập khẩu gạo lớn thứ 3 của Việt Nam. Ảnh minh họa
Trung Quốc là đối tác nhập khẩu gạo lớn thứ 3 của Việt Nam. Ảnh minh họa

Còn tại thị trường Trung Quốc, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2023, Trung Quốc là đối tác nhập khẩu gạo lớn thứ 3 của Việt Nam, chiếm khoảng 11% tổng lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Theo đó, Việt Nam đã xuất khẩu được trên 917.000 tấn với kim ngạch đạt hơn 530 triệu USD.

Tham tán Thương mại tại Trung Quốc Nông Đức Lai cho hay, bình quân trong 10 năm qua, tỷ trọng gạo Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc chiếm từ 36 - 37%. Đây là con số khá cao so với các nước cùng xuất khẩu vào thị trường này. Đáng chú ý, dòng gạo thơm, gạo cao cấp, gạo ST đang được ưa chuộng tại thị trường nước bạn, do đó, các doanh nghiệp cần duy trì và mở rộng cũng như xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm gạo Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.

Nâng chất lượng và xây dựng thương hiệu

Nhận định về tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024, nhiều chuyên gia đánh giá, gạo Việt Nam gặp sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với gạo Thái Lan ở phân khúc chất lượng cao, trong khi nhận diện thương hiệu gạo Việt Nam tại thị trường Indonesia chưa thực sự rõ nét. Đơn cử như, tại nhiều siêu thị của Philippines và Indonesia, gạo Thái lan đã có thương hiệu dễ nhận biết đối với người tiêu dùng hơn là gạo Việt Nam.

TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, đa dạng hóa các chủng loại gạo, đảm bảo không có các vi phạm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Song song đó, cần quan tâm thúc đẩy xúc tiến các sản phẩm từ lúa gạo vì đây cũng là một phân khúc thị trường rất tiềm năng. Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần quan tâm hơn nữa xây dựng thương hiệu có chiến lược quảng bá bài bản về thương hiệu, các loại gạo chất lượng cao cấp của Việt Nam.

Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, việc tranh thủ nhu cầu tăng "nóng" của một số thị trường là vô cùng cần thiết, bởi trong thời gian tới, gạo Việt Nam sẽ gặp phải không ít khó khăn, thách thức. Đơn cử như, chủ trương tự đảm bảo an ninh lương thực từ nguồn lúa gạo trong nước và duy trì chính sách quản lý nhập khẩu chặt chẽ mặt hàng lúa gạo sẽ khiến nhu cầu nhập khẩu gạo của một số thị trường lớn có thể sụt giảm trong thời gian tới.

Bộ Công Thương cũng khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần tiếp tục phối hợp tốt với các Đại sứ quán, Thương vụ tại các nước Philippines, Indonesia và Trung Quốc để triển khai các chương trình xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm gạo của Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục giữ vững và đảm bảo chất lượng gạo ổn định, không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm, qua đó góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam.

 

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần bám sát, cập nhật thông tin thị trường, kịp thời nắm bắt các động thái mới nhất của thị trường nhập khẩu nhằm ứng phó kịp thời cũng như tận dụng cơ hội. Bên cạnh đó, đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác xúc tiến thương mại nhằm thâm nhập vào các khu vực tiềm năng của các nước bạn.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải