Cơ hội vàng cho nghệ thuật truyền thống

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin từ quý III/2016, các vở diễn chất lượng cao của nghệ thuật truyền thống Việt Nam sẽ được xếp hàng công diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội, khiến người làm sân khấu khấp khởi.

Bởi đã từ lâu, tuồng, chèo, cải lương không dám mơ một lần công diễn nơi có giá thuê ngất ngưởng này.

Cuộc chơi quá sức

Tân Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận: “Chúng ta đang đi lạc đường, chạy theo các sự vụ tầm thường”. Vì từ lâu, Nhà hát lớn Hà Nội - nơi được coi là thánh đường nghệ thuật, chỉ dành cho các chương trình biểu diễn mang tính thương mại hoặc các sự kiện lễ lạt của các ngành, mà thiếu vắng các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống.
Một cảnh trong vở kịch Hamlet của Nhà hát Kịch Việt Nam biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Một cảnh trong vở kịch Hamlet của Nhà hát Kịch Việt Nam biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Cuối năm 2015, Nhà hát Kịch Việt Nam khiến làng nghệ thuật truyền thống ngưỡng mộ, vì mạnh dạn đưa "Hamlet" vào biểu diễn tại Nhà hát lớn với giá thuê 40 - 45 triệu đồng/buổi diễn. Dù giá vé của vở diễn đưa ra mức "đỉnh" nhất của kịch Việt là 1 triệu đồng/vé, nhưng ông Nguyễn Thế Vinh - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam thừa nhận: “Nếu buổi diễn hôm đó không nhận được tài trợ của DN, Nhà hát không bao giờ dám xếp lịch diễn ở đó. Bán vé không bù được chi phí. Theo dự kiến, “Hamlet” sẽ biểu diễn mỗi tháng 2 tối tại Nhà hát lớn nhưng đã không thực hiện được”. Ngoài Nhà hát Kịch Việt Nam dám “chơi sang”, rất nhiều nhà hát khác có vở đoạt huy chương vàng, bạc tại các kỳ liên hoan sân khấu trong nước và quốc tế, song chưa từng một lần đặt lịch biểu diễn tại nhà hát hơn 100 tuổi này.

 Thế mới có chuyện, cách đây hơn 5 năm, những giọng ca nhạc vàng từ hải ngoại về như Tuấn Vũ, Giao Linh… trở về thực hiện được giấc mơ: Hát trong thánh đường Nhà hát lớn và kiếm được doanh thu "hời". Trong khi đó, ở nhiều quốc gia trên thế giới, dù không mang tính phân biệt, nhưng những không gian biểu diễn tương tự chỉ dành cho nghệ thuật giao hưởng, nhạc kịch, nhạc truyền thống. Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL yêu cầu, từ quý III năm nay, Nhà hát lớn Hà Nội sẽ ưu tiên cho các chương trình nghệ thuật truyền thống.

Lên kịch mục để lấp đầy suất diễn
“Các nghệ sĩ đang háo hức với thông tin này. Vì họ muốn được một lần tỏa sáng tại Nhà hát lớn”.

Ông Trương Nhuận – Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ.

Ý tưởng của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL không khó để thành hiện thực, bởi theo Bộ trưởng, vấn đề này nằm trong thẩm quyền của Bộ. Bộ sẽ yêu cầu Ban quản lý Nhà hát lớn đưa ra giải pháp cân đối nguồn thu, hỗ trợ giá thuê ưu đãi cho đơn vị nghệ thuật truyền thống. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt – Giám đốc Nhà hát lớn Hà Nội dù khá kín tiếng trước vấn đề này nhưng cũng thừa nhận: “Bộ trưởng giao, chúng tôi sẽ lên kế hoạch làm”.

Theo các đơn vị nghệ thuật tại Thủ đô, hiện nay, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã giao cho Cục Nghệ thuật biểu diễn làm việc với các nhà hát để lên kịch mục biểu diễn tại Nhà hát lớn từ nay đến cuối năm. Mặc dù, chưa có kịch mục chính thức nhưng các nhà hát hàng đầu như: Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã chuẩn bị những vở diễn được coi là “khủng” để trình diễn trước khán giả: “Hamlet”, “Lâu đài cát”, “Tai biến”, “Công lý không gục ngã”, “Tất cả đều là con tôi”, “Vua Phật”…

Vấn đề chính đặt ra hiện nay là liệu ngành văn hóa có thể bao cấp, tạo địa điểm “vàng” cho các vở diễn không thu hút khán giả? Ông Nguyễn Thế Vinh cho rằng: “Thời gian đầu nếu đòi hỏi bán kín vé các vở diễn này sẽ là rất khó, nhưng cần phải tạo ra địa điểm quen thuộc để không chỉ công chúng Thủ đô mà cả du khách quốc tế muốn xem nghệ thuật truyền thống Việt là đến Nhà hát lớn”. Hiện nay, Bộ VHTT&DL đã lên kế hoạch, giao cho Ban quản lý Nhà hát lớn bên cạnh ưu tiên thời gian biểu diễn, còn hỗ trợ quảng bá vở diễn cho các đơn vị nghệ thuật truyền thống. Với những động thái quyết liệt này của tân Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, rất có thể, thánh đường nghệ thuật của hơn 100 năm trước sẽ trở về đúng nghĩa giá trị mà khán giả mong muốn.