Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cố hương...

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Con chim có tổ, con người có quê hương, cội nguồn - nguyên lý này ngàn năm không thay đổi. Có thể lúc ngày thường, người ta bận với việc mưu sinh cơm áo, công danh sự nhiệp; nhưng khi Tết đến, Xuân về, ai chẳng mong được trở về nơi chôn rau, cắt rốn…

Nhớ những xuân xưa, khi dịch dã chưa bùng phát, tầm ngoài rằm tháng Chạp, bến tàu, bến xe, nhà ga hàng không đã tấp nập người về quê đón Tết. Không cần đoán, người ta cũng dễ dàng nhận ra ai là người Nam ra - đâu là kẻ từ Bắc về; bởi kèm theo hành lý thì Nam mai - Bắc đào! Năm nay, nghe chừng im ắng quá…Tết ư, ai mà chẳng mong đoàn viên gia đình, anh em, dòng tộc? Năm nay, dịch dã khó lường; mỗi địa phương lại có quy định riêng về cách ly, khiến không ít người băn khoăn, khó xử… Như đã nói, Tết với người Việt là thời khắc vô cùng thiêng liêng. Chiều 30, thắp hương cho tổ tiên xong, anh em, vợ chồng, con cái tụ tập bên mâm cơm cuối năm; đây là lúc người ta thường “điểm” lại những việc vui buồn, hay dở trong 365 ngày…

Tết là dịp để được quay về. Mà cái sự “về” này bao hàm rất nhiều ý nghĩa. Vì thế, tận miền Tây xa xôi, hay đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, người ta vẫn văng vẳng đâu đó điệu chèo, tiếng then. Và ngược lại, tại vùng biên ải cõi Bắc, nơi núi rừng âm u, việc thoảng nghe 6 câu vọng cổ cũng là điều hết sức bình thường…

Trên bình diện quốc tế, khắp năm châu bốn biển, mấy chỗ không có dấu ấn của tộc người da vàng, máu đỏ? Với kẻ xa xứ, thường ngày vì sự bộn bề của cuộc sống, có thể người ta tạm quên đi nơi mình cất bước. Nhưng Tết thì khác. Có lẽ chẳng bậc cha mẹ nào muốn con cháu quên đi nguồn cội, mà Tết chính là dịp đoàn viên. Bố mẹ về nhà, con cháu về quê…

Nhiều gia đình đã định cư ở TP mấy thế hệ, nhưng mỗi độ Xuân về, không dài thì ngắn, kiểu gì cũng phải có chuyến hành hương. Với người cao niên, Tết là lúc để con cháu biết đâu là quê cha đất tổ - nơi mà theo quy định phải hết mấy đời, người ta mới không ghi vào giấy tờ tùy thân 2 từ quê quán.

Bình - một người anh cùng quê với tôi đã bỏ làng tha phương cầu thực từ bé. Cha mẹ qua đời từ lâu, nhà cửa, đất đai thất tán và cái tên Bình chỉ còn trong ký ức của những người cùng trang lứa. Sau hàng chục năm trời, người làng gần như quên anh. Nhưng cách đây vài năm, cả làng không khỏi ngỡ ngàng khi Bình thuê xe đưa vợ con trở về, khi mọi người trong xóm chuẩn bị ngồi vào mâm cơm chiều 30 Tết.

Sáng mồng 2 Tết năm đó, anh đưa vợ con đi thăm hỏi toàn bộ các gia đình trong xóm. Trong câu chuyện với làng, Bình cho biết, do nghèo đói, bất đắc chí anh bỏ làng. Trong giai đoạn khó khăn, cha mẹ về với tổ tiên khi nào anh không hề biết. Phiêu bạt cùng Nam, chí Bắc, ngoài 40 anh trụ lại đất Quảng Bình và yên bề gia thất. Rồi cái đói, cái nghèo bủa vây… Nhưng dân gian có câu “ai giàu 3 họ, ai khó 3 đời”, đến khi con cái trưởng thành, hỏi đến quê bố - anh mới nhớ ra mình cũng có một chốn gọi là cố hương. Thế là Tết năm đó anh về… Không những đàn con anh vui, mà hàng xóm láng giềng cũng mừng vì làng không khuyết đi một gia đình từng hiện diện trong quá khứ.

"Cố hương" - hai từ luôn thiêng liêng trong sâu thẳm của mỗi người, nhất là dịp Tết đến, Xuân về.