Đa dạng các loại hình sản xuất
Lúc chúng tôi tới, anh Nhân đang tất bật cùng công nhân dọn dẹp khu chuồng nuôi sau khi xuất bán hơn 50 con lợn thịt. “Trừ chi phí chăm sóc, nuôi dưỡng, chắc cũng lãi được gần 100 triệu đồng…” - anh không giấu diếm. Trên diện tích khoảng 4.000m2, gia đình anh đã đấu thầu, bỏ nhiều công sức khai hoang, đầu tư chuồng trại khép kín, nuôi quay vòng khoảng 300 lợn thịt, 50 lợn nái và một số lợn rừng. Điều đáng ghi nhận là quy trình sản xuất sạch được anh Nhân hết sức chú trọng. Chuồng nuôi được thiết kế thoáng mát, rộng rãi. Mùa Đông kín gió; mùa Hè, hệ thống quạt được vận hành hết công suất phục vụ làm mát cho đàn lợn. Chất thải trong quá trình chăn nuôi được thu gom, xử lý qua bể chứa sinh học biogas. Nguồn năng lượng sạch này được sử dụng phục vụ nhu cầu khí đốt cho sinh hoạt. Khu chuồng trại nằm ở xứ đồng nên không gây ảnh hưởng tới đời sống của cư dân xung quanh.
Ngoài việc phát triển chăn nuôi lợn, anh Nhân còn nhận thầu khoảng 9.000m2 đất của các hộ dân đào ao nuôi trồng thủy sản nhằm tận dụng nguồn phế thải chăn nuôi. Tuy nhiên, mô hình trang trại chăn nuôi cũng chỉ mới được anh phát triển trong khoảng 3 năm gần đây. Trong 10 năm qua, kinh tế gia đình anh cơ bản phát triển mạnh ngành nghề cơ khí. Đó cũng là nguồn thu nhập quan trọng giúp anh có điều kiện cân đối nguồn vốn cho hướng phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Hiện, lợi nhuận từ tất cả các lĩnh vực đầu tư của anh Nhân hàng năm đạt trên dưới 1,5 tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho trên 20 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân lên tới gần 8 triệu đồng/người/tháng.
Mong muốn được đóng góp nhiều hơn
Không chỉ ngưỡng mộ khả năng làm kinh tế giỏi của anh Nhân, người dân thôn Mạch Tràng còn cảm phục và trân quý hơn tấm lòng của anh đối với quê hương. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương, hơn 3 năm qua, anh đã đóng góp gần 300 triệu đồng để xây dựng bãi chứa rác thải tập trung, khu vườn hoa cây xanh. Đặc biệt là nâng cấp con đường dẫn từ giữa làng ra xứ đồng bãi Miễu. Ông Đào Văn Tám - Trưởng thôn Mạch Tràng cho biết, một vài năm trước, đường ra xứ đồng bãi Miễu chỉ là đường đất, nhỏ hẹp và lầy lội vào mùa mưa, người dân gần như chỉ có thể đi bộ. Từ khi đường được đổ đất, san phẳng và rải đá sỏi, việc đi lại của bà con đã thuận lợi hơn. Máy móc cơ giới xuống đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng có thể qua lại dễ dàng...
Dù đã có những đóng góp nhất định, được người dân và chính quyền địa phương ghi nhận, nhưng anh Nhân vẫn rất khiêm tốn. Anh tâm niệm rằng, thành quả có được cũng là bởi được bà con lối xóm ủng hộ. Bản thân anh luôn hy vọng có thể tiếp tục đóng góp nhiều hơn vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương thông qua những hành động cụ thể, những hỗ trợ thiết thực bằng vật chất. Tuy nhiên, muốn thực hiện được ước nguyện đó, anh Nhân cho rằng sẽ còn phải nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn để phát triển kinh tế hộ ngày một lớn mạnh, bởi chỉ khi khá giả mới có điều kiện đóng góp dựng xây quê hương.