Cỗ làng Bát Tràng, Hà Nội: Ăn một miếng, nhớ cả đời

Bài và ảnh: Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến thăm làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội, du khách không chỉ được trực tiếp làm ra một sản phẩm gốm; khám phá những ngôi nhà cổ; lạc vào những con ngõ con trâu không đi lọt; mua các sản phẩm gốm, sứ tinh tế;… mà còn được thưởng thức mâm cỗ được người dân Bát Tràng nấu một cách cầu kỳ.

Cỗ ngon tới nỗi, nhiều người phải thốt lên rằng “Cỗ Bát Tràng, ăn một miếng, nhớ cả đời”.

 Trong chuyến khảo sát du lịch tại làng nghề Bát Tràng của Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cùng các doanh nghiệp lữ hành mới đây, các nghệ nhân Bát Tràng cho biết, mâm cỗ của người Bát Tràng bao giờ cũng thịnh soạn, nhiều màu sắc, với các bát đĩa cao, thấp, đầy, vơi khác nhau. 
 Thông thường, một mâm cỗ của người Bát Tràng có 8 bát và 8 đĩa chính, không kể đĩa dưa hành, rau xà lách, xôi vò, chè. Tùy theo hoàn cảnh mỗi gia đình mà gia giảm, thêm món này, bớt món khác cũng không sao, cái chính là mâm cỗ phải đầy đặn, ngon mắt, ngon miệng và nhất là để người ăn được no nê.
 Trong đó, độc đáo nhất trong mâm cỗ Bát Tràng phải kể đến món đặc sản canh măng mực, một món ăn đã trở thành truyền thống mà duy nhất chỉ ở Bát Tràng mới có. Canh măng mực được nấu rất kỳ công. Cầu kỳ và tốn thời gian nhất là công đoạn tước măng và mực nhỏ như que tăm. Đặc biệt, chỉ những người có kỹ thuật nấu ăn giỏi mới có thêm trứng tráng mỏng, thái chỉ đặt lên trên, khi ăn không hề bị tanh. Bát canh măng mực múc ra phải có màu vàng ươm, nước dùng phải trong và ngọt lịm. Khi ăn măng mực sẽ giòn giòn, dai dai và mềm cùng hương thơm hấp dẫn. 
 Kế đến phải kẻ tới món cuốn tôm, thịt điểm xuyết bỗng rượu xào đường đỏ, dưa hành muối chua, rau xà lách, rau thơm và lạc rang. Ăn món này phải ngập miệng, phùng má nhai mới đã. 
 Hấp dẫn không kém là món ngan nướng ăn kèm lá húng non thơm và béo ngậy.
 Canh bóng bì có tới hơn 10 loại gia vị cũng được chế biến cầu kỳ. Bì lợn trắng muốt được cắt thành những hình quả trám, trong suốt mọng nước, nổi lập lờ trên nền xu hào, cà rốt tỉa hoa, gan lợn, tôm, thịt ba chỉ, súp lơ, mọc, hành lá,… tất cả ngập chìm trong nước dùng ngọt lịm.
 Món mực xào xu hào phơi héo cũng là món ăn hấp dẫn của người dân làng gốm cổ.
 Bát chim bồ câu hầm, với cốm non, hạt sen, ý dĩ, thịt nạc, nấm hương, mộc nhĩ, thịt lợn vai băm nhỏ ăn mềm, thơm đậm đà.
 Miến xào lòng gà, miếng mề tỉa thành hoa, cong cong những tia nhỏ như cánh hoa khô bừng nở, nằm trên những sợi miến vô cùng hấp dẫn.
 Đĩa thịt gà úp xấp sau khi bày, phô ra màu vàng của da gà béo ngậy, dưới lớp lá chanh thái chỉ xanh óng và lấp lánh màu cây lá vườn quê.
 Món thịt ba chỉ rang tôm nếu không ăn cùng món cuốn, ăn với cơm trắng cũng rất ngon, đậm đà hương vị. 
 Một đĩa dưa hành nén, tuy đóng vai phụ nhưng nó quan trọng vì là chất chống ngấy khi mâm cỗ quá... nhiều chất.
 Một món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ của người Bát Tràng là món nem rán có màu nâu cánh gián. 
 Đi kèm với món nem rán là bát nước chấm chua ngọt đủ mặn nhưng vẫn thanh thanh. 
 Cùng với món nem rán còn có rau xà lách, rau thơm, đĩa nộm bò khô hoặc nộm ngó sen thi vị. 
  Sau khi thưởng thức những món ăn danh bất hư truyền ấy, thực khách sẽ được thưởng thức món xôi chè ngon đúng điệu và uống trà hột đặc biệt của người Bát Tràng.
Đây là mâm cỗ của người Bát Tràng trong những dịp trọng đại như: Đám cưới, đám ăn hỏi, giỗ,... Riêng cỗ ngày Tết có thêm bánh trưng và xôi gấc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần