Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có một Bát Tràng bình dị

Bài, ảnh: Lệ Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua chuyến khảo sát du lịch tại làng nghề Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) mới đây, nhiều người mới vỡ lẽ, ngoài đặc sản gốm sứ trứ danh, nơi đây còn có một góc bình dị mà hào hoa với những ngôi nhà cổ, những ngõ rong rêu, nhỏ hẹp và cả mâm cỗ được chế biến cầu kỳ.

Trái ngược hẳn với khu chợ gốm sứ sầm uất, Bát Tràng bình yên trong những con đường hẹp, dắt không vừa một con trâu xung quanh bờ phủ rêu xanh mướt xen lẫn những viên gạch gốm cổ nâu đỏ đã hơn trăm năm tuổi. Và còn có cả những bức tường đắp than đã đốt hết chất cháy. Từng con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo tiếp nối nhau như một mê cung nên bất cứ du khách cũng cần đến người bản địa chỉ đường. Cảnh sắc và đời sống con người Bát Tràng có sự hòa quyện với nhau thật bình yên. Bên hiên gian nhà cổ, cây quất hồng bì mùa hạ sai trĩu cành, cây vả chín mọng. Nhà nghệ nhân Tô Thanh Sơn, trưng bày đầy ắp những bình, đôn, chậu cây cảnh, phù điêu… như một bảo tàng gốm cổ thu nhỏ. Trong khi đó, sẽ được tham quan quy trình sản xuất gốm đương đại khép kín ở nhà nghệ nhân Trần Đức Tân. Xuyên qua những con ngõ sâu hun hút, du khách sẽ được người dân làng gốm cổ dẫn ra đình làng, nơi có tầm nhìn khoáng đạt ra bến sông Hồng. Đây chính là nơi giao thương của người Bát Tràng tới các địa phương khác qua đường sông. Đình làng rộng rãi, màu gỗ nâu trầm qua năm tháng mộc mạc. Khách ra đến đình được thưởng thức chén nước trà hạt - một trong những đặc sản của người Bát Tràng và nghe người già kể chuyện lịch sử, truyền thống lâu đời…
Buổi trưa, du khách sẽ được thưởng thức mâm cỗ truyền thống của người dân bản địa với những hương sắc khó quên. Trong đó, độc đáo nhất trong mâm cỗ Bát Tràng phải kể đến món đặc sản canh măng mực “độc nhất vô nhị” chỉ có ở Bát Tràng. Canh được nấu rất cầu kỳ khi phải tước măng và mực nhỏ như que tăm ninh kỹ trong nước dùng ngọt lịm. Kế đến phải kể tới món cuốn tôm, thịt điểm xuyết bỗng rượu xào đường đỏ, dưa hành muối chua, rau xà lách, rau thơm và lạc rang. Ăn món này phải ngập miệng, phùng má nhai mới đã. Hấp dẫn không kém là món ngan nướng ăn kèm lá húng non thơm và béo ngậy. Canh bóng bì có tới hơn 10 loại gia vị cũng được chế biến cầu kỳ. Món mực xào xu hào phơi héo cũng là món ăn hấp dẫn của người dân làng gốm cổ. Bát chim bồ câu hầm ăn mềm, thơm đậm đà. Đĩa thịt gà do vàng ươm dưới lớp lá chanh thái chỉ xanh mướt cạnh đĩa dưa hành nén chua thật hấp dẫn. Một món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ của người Bát Tràng là nem rán có màu nâu cánh gián đi kèm với bát nước chấm chua ngọt, nộm bò khô hoặc nộm ngó sen... Nếu là ngày lễ, mâm cỗ sẽ có thêm bánh chưng và xôi gấc. Cuối cùng, thực khách sẽ được tráng miệng cùng trái cây theo mùa và món xôi chè ngon đúng điệu.
Người Bát Tràng chân chất luôn mong mỏi khách phải hết 8 - 9 phần, nên món ăn luôn được làm với những nguyên liệu tươi, ngon và sạch nhất. Chẳng thế mà biết bao lữ khách khi ra về đều vấn vương những trải nghiệm bình dị mà hào hoa ấy.