15 năm “lót ổ” cho hệ sinh thái
Tại Việt Nam, các DN được xem là “hùng mạnh” đã và đang xây dựng những hệ sinh thái cho riêng mình. Như Vingroup, DN này vừa đặt thêm mảnh ghép thứ 7 - công nghiệp ô tô vào hệ sinh thái của họ, trước đó là bất động sản, du lịch, bán lẻ, y tế, giáo dục và nông nghiệp.
Trong khi đó, Công ty CP Ô tô Trường Hải - THACO cũng đã có một hệ sinh thái, nhưng được hình thành một cách rất "lạ". Sự "lạ" ở đây chính là cách THACO "lót ổ", hay đúng hơn là xây bệ đỡ cho một hệ sinh thái của riêng họ, từ hơn một thập niên trước.
Trở lại 15 năm trước, khi Khu kinh tế mở Chu Lai được thành lập, cộng với sự kêu gọi đầu tư mạnh mẽ của tỉnh Quảng Nam, THACO đã đầu tư xây dựng và phát triển "Khu phức hợp sản xuất, lắp ráp ô tô Chu Lai - Trường Hải". Họ đã nhận ra tiềm năng, cơ hội của việc phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, từ năm 2003. Trong nhiều hội nghị, hội thảo, Chủ tịch HĐQT THACO Trần Bá Dương luôn nói về Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải (có thể gọi là "trái tim" của Khu kinh tế mở Chu Lai) với một niềm tự hào rằng THACO đã được chào đón, hỗ trợ bằng tất cả tâm sức của chính quyền các cấp ở vùng đất này.
Từ thời điểm bắt đầu tới tháng 9/2016, Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải có quy mô gần 600ha, được THACO đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng, bao gồm Khu công nghiệp cơ khí ô tô, Khu vực cảng và hậu cần cảng Chu Lai - Trường Hải. Mới đây, THACO còn cam kết sẽ tiếp tục đầu tư vốn trực tiếp hơn 20.000 tỷ đồng, với khoảng 10.000 tỷ đồng từ các đối tác của họ. Bắt đầu từ năm 2018, khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải sau 15 năm đã đủ sức thành bệ đỡ vững chắc, giúp DN này nghĩ xa hơn về một hệ sinh thái.
Những quần thể, những cá thể ô tô và… ô tô
Thành lập năm 1997, Công ty TNHH Ô tô Trường Hải lúc đầu chủ yếu nhập khẩu xe đã qua sử dụng về tân trang và bán ra thị trường, bên cạnh đó là cung cấp các vật tư phụ tùng cho việc sửa chữa ô tô. Nhờ đó, DN đã vươn dần tới thị trường TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… Tới 21/6/2001, Trường Hải thành lập Công ty Sản xuất và lắp ráp ô tô Tracimexco - Trường Hải, đặt tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (Đồng Nai), trở thành DN đầu tiên ở Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô có diện tích 10ha, công suất 5.000 xe/năm, tổng vốn 70 tỷ đồng. Trải qua các giai đoạn từ lắp ráp xe du lịch Trường Hải - KIA, thành lập Nhà máy Vina Mazda, Nhà máy Thaco Bus và mới đây nhất là bắt tay hợp tác với đối tác Pháp để sản xuất và lắp ráp xe Peugeot, THACO đã từng bước trở thành DN tư nhân có doanh thu lớn nhất Việt Nam với hơn 65.000 tỷ đồng... Năm 2017, THACO tạo thêm cú "sốc" vào tháng 9 khi trở thành nhà đầu tư và nhập khẩu xe BMW và MINI tại Việt Nam. Đầu tháng 12, thương hiệu xe tải nổi tiếng FUSO cũng chính thức về tay THACO, trở thành miếng ghép thứ 6 trong hệ sinh thái hơi… "kỳ lạ" của họ chỉ với duy nhất ô tô.
Tại sao THACO lại "gom trứng vào một rổ"? Câu hỏi này có lẽ chỉ kỹ sư cơ khí tỷ USD Trần Bá Dương mới có thể trả lời trọn vẹn, bởi ông có niềm đam mê đặc biệt với ô tô. Và với THACO luôn là những đau đáu về một nền công nghiệp ô tô Việt trọn vẹn.