Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có nên cấm sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam?

Bảo Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề xuất cấm sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam cần được xem xét một cách thấu đáo hơn.

Theo các nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) mang tên “Đánh giá tác động kinh tế của việc cấm amiăng trắng tại Việt Nam - Trường hợp tấm lợp fibro xi-măng” thực hiện năm 2015 cho biết, người tiêu dùng sẽ phải bỏ ra khoảng 183,5 nghìn tỷ để thay thế tấm fibro xi-măng bằng tấm lợp không amiăng; sẽ cần từ 300 - 600 nghìn tỷ nếu lựa chọn sản phẩm thay thế khác và Chính phủ sẽ phải bỏ ra 454,5 nghìn tỷ đồng nếu thay thế 80 triệu m2 tấm lợp fibro xi-măng. Trước thực tế đó, Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, đề xuất cấm sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam cần được xem xét một cách thấu đáo hơn.
Đề xuất cấm sử dụng amiăng trắng khiến ngành sản xuất tấm lợp fibro xi-măng đang điêu đứng
Cần cứ liệu khoa học thuyết phục

Theo Hội vật liệu xây dựng Việt Nam (VLXD), sản phẩm có chứa sợi amiăng trắng được sử dụng tại Việt Nam từ năm 1901 tại nhà máy xi măng Hải Phòng và được sử dụng làm tấm lợp vào năm 1963 tại 2 nhà máy thuộc công ty Eternit ở Biên Hòa (Đồng Nai) và Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh).

Nhưng “cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào của Việt Nam xác định được bất kỳ trường hợp bệnh ung thư trung biểu mô do amiăng trắng”, Văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội của Hội VLXD Việt Nam khẳng định.

Dẫn chiếu cứ liệu, Hội VLXD Việt Nam cho biết, kết quả Đề tài “Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng môi trường các cơ sở sản xuất tấm lợp amiăng xi-măng và những ảnh hưởng của amiăng đối với sức khỏe con người - kiến nghị các giải pháp” do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện trong các năm 2002 - 2003 kết luận: “Chưa phát hiện được trường hợp nào có các bệnh ác tính như ung thư phổi phế quản và ung thư trung biểu mô liên quan đến amiăng trắng”.

Còn “Nghiên cứu các bệnh liên quan đến amiăng ở những người tiếp xúc” do Bộ Y tế triển khai từ năm 2009 - 2011 với các công nhân sản xuất tấm lợp amiăng xi-măng và các bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm bệnh liên quan đến amiăng tại 6 bệnh viện lớn. Kết quả phỏng vấn tìm tiền sử nghề nghiệp liên quan đến amiăng ở 447 trường hợp bệnh liên quan đến amiăng bao gồm: Ung thư phổi, mảng dày màng phổi và ung thư trung biểu mô cho thấy có chỉ có 46 trường hợp được chẩn đoán ung thư trung biểu mô màng phổi. Sau sàng lọc, chỉ còn lại 39 mẫu bệnh phẩm đối tượng được chẩn đoán ung thư trung biểu mô được lựa chọn gửi sang Bệnh viện Hiroshima (Nhật Bản) và đã được chuyên gia Nhật Bản xác định chẩn đoán là 8 trường hợp trong đó không có trường hợp nào có tiền sử rõ ràng tiếp xúc nghề nghiệp với amiăng.

…và cân nhắc lợi ích các bên

Với tư cách thành viên Nhóm nghiên cứu về sử dụng và sản xuất amiăng trắng của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường (KHCNMT) của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCNMT Lê Hồng Tịnh cho biết, hiện nay trên thế giới có 57 quốc gia (chiếm khoảng 15% dân số) cấm sử dụng các loại sợi amiăng, trong khi đó 147 quốc gia và vùng lãnh thổ (khoảng 85% dân số) cho phép sử dụng amiăng trắng và các sản phấm chứa amiăng trăng.

Còn tại Việt Nam, loại sợi này đã được ứng dụng khá rộng rãi nhưng chủ yếu sử dụng để sản xuất sản phẩm tấm lợp fibro xi-măngvới trên 40 doanh nghiệp có công suất thiết kế khoảng hơn 100 triệu tấn/năm, sử dụng khoảng từ 5.000 - 6.000 nghìn lao động.

“Ngành tấm lợp fibro xi-măng đáp ứng 62% nhu cầu tấm lợp hàng năm cho bà con thu nhập thấp”, ông Tịnh nói và cho biết, loại tấm này đã góp phần hiệu quả vào các Chương trình xóa đói giảm nghèo của Chính phủ, như: Chương trình 135, Chương trình xây dựng Nông thôn mới, Chương trình thực hiện Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà cho người nghèo và đối tượng chính sách.

Trước những ý kiến về tính độc hại của loại vật liệu này, từ năm 2002, một số nhà máy sản xuất tấm lợp đã thử nghiệm công nghệ không amiăng theo các Đề tài nghiên cứu cấp Bộ của Viện Công nghệ (Bộ Công Thương) và Đề tài nghiên cứu về sợi thay thế của Viện Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng). Tuy nhiên, kết quả cho thấy tấm lợp thay thế có tuổi thọ thấp hơn, cường độ kháng uốn kém hơn 2 lần so với tấm lợp fibro xi-măng.

Trong khi đó, Báo cáo nghiên cứu “Đánh giá tác động kinh tế của việc cấm amiăng trắng tại Việt Nam - Trường hợp tấm lợp fibro xi-măng”do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện năm 2015 cho biết, người tiêu dùng sẽ phải bỏ ra khoảng 183,5 nghìn tỷ để thay thế tấm fibro xi-măng bằng tấm lợp không amiăng; sẽ cần từ 300 - 600 nghìn tỷ nếu lựa chọn sản phẩm thay thế khác và Chính phủ sẽ phải bỏ ra 454,5 nghìn tỷ đồng nếu thay thế 80 triệu m2 tấm lợp fibro xi-măng.

“Do vậy, việc cấm sử dụng amiăng trắng cần phải có sự xem xét thận trọng lợi ích của các bên liên quan, cần thiết phải có những nghiên cứu cụ thể hơn nữa tại Việt Nam về ảnh hưởng của amiăng trắng để có được cách tiếp cận xử lý chính xác cũng như đáp ứng đúng tinh thần Hiến pháp, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư…”, ông Lê Hồng Tịnh nêu quan điểm.

Do gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hàng chục DN sản xuất tấm lợp fibro xi-măng đã gửi đơn kiến nghị đến lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề nghị xem xét tiếp tục cho sử dụng amiăng trắng.