Chị Ngát thân mến!
Năm 2019 là được cho là năm bản lề về việc Chính phủ thực hiện siết chặt các khoản tài chính – tín dụng cho vay BĐS đối với các DN và người dân. Cùng với đó, nhằm ổn định tình hình của thị trường, tránh xảy ra “bong bóng” BĐS làm ảnh hưởng, suy thoái nền kinh tế, Chính phủ cũng đã thực hiện thanh tra, rà soát, siết chặt thủ tục cấp phép đối với nhiều dự án… Những yếu tố trên đã làm cho thị trường bị ảnh hưởng và giảm sút đáng kể.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, việc Chính phủ thực hiện siết chặt hành lang pháp lý và chính sách tài chính – tín dụng đang giúp cho thị trường trở nên bền vững hơn. Theo đó, qua đợt kiểm soát này, những DN có đủ tiềm lực tài chính, uy tín sẽ tiếp tục tồn tại, phát triển; ngược lại, những DN không có thực lực và hoạt động kinh doanh theo kiểu “chộp giật” thì sẽ bị đào thải.
Nhằm khắc phục những khó khăn và có nguồn tiền để triển khai dự án, nhiều DN BĐS đã tìm đến các kênh tài chính khác như: Hợp tác – liên doanh với DN nước ngoài, phát hành trái phiếu để huy động tiền từ các tổ chức tín dụng, khách hàng…
Ghi nhận của Ngân hàng Nhà nước, nhiều DN khi phát hành trái phiếu đã xây dựng khung lãi suất cao hơn lãi sất của ngân hàng từ 2 – 3%/năm, đặc biệt có một số DN huy động trái phiếu với mức lãi suất xấp xỉ 15%/năm, cao hơn mức lãi suất ngân hàng từ 5 – 6%/năm.
Theo đánh giá, những DN đã tham gia sàn chứng khoán và phát hành trái phiếu đều là những DN lớn, có uy tín trên thị trường. Đây là thời điểm khó khăn về nguồn vốn vay từ các ngân hàng cho DN nên để đảm bảo có tài chính cho hoạt động, các DN đã chấp nhận giảm phần lợi nhuận kinh doanh, nhằm huy động vốn với mức lãi suất cao.
Trở lại vấn đề thị trường đang giảm sút, các chuyên gia nhận định đây là thời điểm các DN đang chuẩn bị bước vào một chu kỳ phát triển mới, với sự can thiệp kịp thời từ Chính phủ thì thị trường BĐS sẽ vẫn bình ổn và không bị đóng băng. Vì vậy, thời điểm này có thể đầu tư vào trái phiếu BĐS để sinh lời. Chúc chị thành công!