Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có nên đóng cửa trường Đại học Đông Đô?

Lưu Ly
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ năm 2019 mà năm 2011, Ban giám hiệu của trường Đại học Đông Đô cũng đã để xảy ra sai phạm và bị khởi tố.

Nhiều sai phạm
Liên quan đến vụ bê bối đào tạo "chui" văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh của trường Đại học Đông Đô vừa bị cơ quan điều tra khởi tố, ít ai biết, Ban giám hiệu của trường này cũng đã bị khởi tố.
Có nên giải thể Đại học Đông Đô?
Ngày 30/7/2019 Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc về tội “Giả mạo trong công tác” đối với 4 bị can, gồm: Nguyên Hiệu trưởng Dương Văn Hòa; nguyên Phó Trưởng phòng Đào tạo và quản lý sinh viên Trần Ngọc Quang; Phạm Vân Thùy và Lê Thị Lương là cán bộ trường Đại học Đông Đô.
Trước đó, năm 2001, Đại học Dân lập Đông Đô (hiện tại là Đại học Đông Đô) cũng để xảy ra sai phạm về tuyển sinh. Cụ thể, chỉ tiêu tuyển sinh là 1.400 nhưng trường lại gọi nhập học vượt mức chỉ tiêu với số lượng 4.000. Khi phát hiện, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã thanh tra tại trường và phát hiện sai phạm với hơn 1.600 thí sinh hệ đại học có mức điểm ở mức đỗ bậc cao đẳng và buộc thôi học 70 thí sinh vì điểm kém.
Tiếp đó, năm 2002, Cơ quan an ninh điều tra Công an Hà Nội khởi tố Trưởng phòng đào tạo Phạm Văn Chóng; nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Phan Văn Hạp và quyền Hiệu trưởng Trần Văn Đắc. Tháng 11/2003, Tòa án Nhân dân Hà Nội tuyên phạt 3 cán bộ trên mức án tù treo từ 24 đến 30 tháng về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Sau phiên xét xử, Tòa xử phạt Phan Văn Hạp và Trần Văn Đắc 30 tháng tù treo. Năm 2002 - 2003, Bộ GD&ĐT tạm dừng tuyển sinh và trường được tuyển sinh trở lại vào năm 2003 - 2004.
Qua số liệu có thể thấy, đây không phải là lần đầu tiên lãnh đạo trường bị khởi tố mà trước đó trường cũng để xảy ra nhiều sai phạm và cán bộ cũng bị xử lý.
Đóng cửa trường đại học?
Trở lại việc Đại học Đông Đô bị khởi tố về đào tạo "chui" văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh, một số chuyên gia cho rằng, Bộ GD&ĐT quản lý lỏng lẻo mới để xảy ra vụ đào tạo “chui” tại Đại học Đông Đô.
Nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học Lê Viết Khuyến cho rằng, nhiều năm liên tiếp xảy ra sai phạm mà Bộ GD&ĐT không phát hiện là điều đáng suy nghĩ. Qua sự việc này có thể thấy được kẻ hở của Bộ trong công tác quản lý và đòi hỏi Bộ phải xem xét kỹ để không xảy ra tình trạng tương tự. Đại học Đông Đô đã để xảy ra sai phạm về tuyển sinh, về ngành đào tạo, vì vậy, ông Khuyến cho rằng cần giải tán trường đại học này.
Theo ông Khuyến, không phải trường nào cũng được tự chủ hoàn toàn mà Bộ chỉ nên trao quyền tự chủ cho những trường xứng đáng và mức độ tự chủ của các trường sẽ khác nhau như tự chủ về tổ chức nhân sự, về học thuật hay tài chính.
Muốn được trao quyền tự chủ, các trường phải thể hiện được năng lực và Đại học Đông Đô thiếu sự công khai, minh bạch nên mới lừa được xã hội.
Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp Đặng Văn Cường cho biết: Sai phạm xảy ra ở Đại học Đông Đô được xác định là sai phạm của một số cá nhân, chưa có kết luận là sai phạm của tổ chức, có tính tổ chức của nhà trường. Bởi vậy, chưa cơ sở nào để dừng đào tạo, dừng tuyển sinh của trường này khi chưa có đủ căn cứ, theo trình tự thủ tục luật định.
Thường các cơ sở giáo dục hoạt động trái phép, vi phạm an ninh quốc gia hoặc gây hậu quả chết người thì mới có thể áp dụng các hình thức xử lý đối với pháp nhân trong đó có việc đình chỉ hoạt động, tước giấy phép. Còn trong trường hợp vụ án này thì chỉ có thể xem xét trách nhiệm của cá nhân những người vi phạm theo quy định pháp luật.
Việc giải quyết vụ án liên quan đến lĩnh vực giáo dục cũng cần đảm bảo tính nhân văn và giảm thiểu những hệ lụy, tác động tiêu cực đến xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của những người dậy, người học trong môi trường đó.
“Xử lý kỷ luật cán bộ, trách nhiệm của cơ sở đào tạo là một vấn đề hết sức thận trọng bởi ảnh hưởng lớn tới xã hội, Một quyết định vội vàng có thể gây ra hậu quả tai hại đối với hàng nghìn sinh viên, học viên và quyền lợi của biết bao cán bộ giáo viên của nhà trường” - luật sư Cường khẳng định.