Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có nên hình sự hóa việc chi trả vượt trần lãi suất?

Hồng Thái thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xung quanh các ý kiến trái chiều về trần lãi suất, nên giữ hay bỏ lãi suất cơ bản, báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với luật sư Nguyễn Thiều Dương - Giám đốc Công ty Luật Đại Việt (Hà Nội).

Bài 1: Trần lãi suất, từ luật đến thị trường

Bài 2: Cán bộ ngân hàng “sống trong sợ hãi”

Bài 3: Nên sớm bỏ trần lãi suất

Bài 4: Linh hoạt điều chỉnh để ổn định thị trường 

Thưa ông, hiện nay có nhiều ý kiến trái chiều về trần lãi suất, trong đó các ý kiến băn khoăn nên giữ hay bỏ lãi suất cơ bản (LSCB). Quan điểm của ông thế nào?Có nên hình sự hóa việc chi trả vượt trần lãi suất? - Ảnh 1

- Việc quy định LSCB, trần lãi suất… là một biện pháp quản lý hành chính của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để đảm bảo điều tiết thị trường tài chính. Quan điểm bỏ hẳn trần lãi suất, LSCB, theo tôi chưa phù hợp trong thời điểm hiện nay, bởi có thể dẫn đến bất ổn thị trường tài chính. Cụ thể, các tổ chức tín dụng (TCTD) đua nhau tăng lãi suất tiền gửi để huy động vốn, dẫn đến những TCTD không có khả năng thu hút khách hàng vay tiền sẽ không cạnh tranh được lãi suất huy động vốn, dần dần nguồn vốn sẽ thu hẹp, có thể dẫn đến phá sản. Những TCTD huy động quá nhiều vốn nhưng không cho vay được nhiều cũng sẽ gặp khó khăn lớn do chi phí vốn quá cao so với lợi nhuận. Bên cạnh đó, khách hàng sẽ có tâm lý lựa chọn TCTD nào tại từng thời điểm huy động lãi suất cao để gửi, dẫn đến nguy cơ tạo những làn sóng rút tiền ào ạt từ TCTD này để gửi sang các TCTD khác. Việc cạnh tranh lãi suất tiền gửi cũng sẽ dẫn đến lãi suất tiền gửi tăng dần, kéo theo lãi suất cho vay cũng phải tăng theo, gây khó khăn cho các DN vay vốn, nguy cơ tăng giá sản phẩm, tăng lạm phát, và đẩy nhiều DN đến bờ vực phá sản. Ngoài ra, còn nhiều hệ luỵ khác khi thị trường tài chính bất ổn.

Tuy nhiên, về lâu dài, LSCB, trần lãi suất cần được điều chỉnh linh hoạt hơn phụ thuộc vào các yếu tố thị trường, lạm phát, nhu cầu vay vốn của các DN…, tránh tình trạng như hiện nay. Vì trần lãi suất không phù hợp nên tâm lý khách hàng không mặn mà với việc gửi tiết kiệm lấy lãi. Trong khi đó, các DN luôn cần vốn, dẫn đến các TCTD phải lách luật, dùng các chiêu khuyến mại để thu hút tiền gửi, ảnh hưởng đến tính minh bạch của thị trường tài chính, vi phạm luật cạnh tranh.

Chúng ta đang hướng đến một nền kinh tế thị trường và cũng đang mong muốn nhiều nước công nhận nền kinh tế thị trường và không ít lần NHNN nghiêm cấm các NH huy động vượt trần lãi suất như: Không áp dụng các biện pháp kỹ thuật để lách, vượt trần lãi suất huy động; nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn… Ông đánh giá sao về chính sách điều hành này?

- Như đã phân tích nêu trên, chính sách này là cần thiết để ổn định thị trường tài chính. Tuy nhiên, theo tôi, dùng biện pháp quản lý hành chính sẽ không xử lý được tận gốc vấn đề, mà cần linh hoạt hơn trong việc điều hành lãi suất theo các chỉ số lạm phát, thị trường…

Vậy, có nên hình sự hóa chi trả lãi ngoài lãi suất huy động và các loại hình quan hệ tín dụng chung hay không?

- Không nên hình sự hóa hành vi chi trả lãi ngoài lãi suất huy động, vì mục đích của hành vi này chỉ nhằm thu hút tiền gửi cho TCTD để hoạt động kinh doanh của TCTD được suôn sẻ, thuận lợi, mang lại lợi nhuận cho TCTD. Tất nhiên, hành vi này là vi phạm pháp luật nhưng cần cân nhắc đến hậu quả của hành vi. Tôi cho rằng, không thể áp đặt các hậu quả như gây bất ổn thị trường tài chính cho hành vi này được, vì việc bất ổn của thị trường tài chính (nếu có) còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác. Một khi không chứng minh được hậu quả thì việc hình sự hóa hành vi nêu trên là không cần thiết.
Giao dịch tại một chi nhánh LienVietPostBank ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Giao dịch tại một chi nhánh LienVietPostBank ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
NHNN chỉ quy định trần lãi suất huy động đối với tiền gửi dưới 6 tháng và cho vay tiền đồng ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, ngoài ra các loại huy động, cho vay tương ứng khác theo thỏa thuận riêng giữa NH và khách hàng (theo Luật các TCTD Việt Nam). Ông đánh giá sao về biện pháp áp dụng này?

- Quy định này của NHNN là đúng đắn, bởi phần lớn các khoản cho vay của các TCTD là cho vay trung và dài hạn, nên việc quy định trần lãi suất với tiền gửi ngắn hạn là cần thiết, tránh tình trạng các TCTD ồ ạt tăng lãi suất huy động ngắn hạn, đến khi cho vay dài hạn không thu đủ lãi bù cho chi phí vốn ngắn hạn, ảnh hưởng đến hoạt động của TCTD. Ngoài ra, quy định này cũng sẽ thu hút được các nguồn vốn dài hạn cho các TCTD, đảm bảo tính ổn định của thị trường tài chính và ổn định các hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các DN.

Thực tế, nhiều nhân viên NH đang ám ảnh nỗi lo "hình sự hóa các vi phạm trong lĩnh vực NH" và nguy cơ này sẽ lớn hơn nếu Bộ luật Hình sự 2015 chính thức được thi hành, tức dùng LSCB để tham chiếu và khống chế lãi suất thoả thuận?

- Tôi cho rằng, các lo lắng của nhân viên NH như vấn đề nêu ra là không cần thiết. Như tôi đã trao đổi ở trên, hành vi vi phạm pháp luật trong trường hợp này là có, nhưng hậu quả của hành vi không rõ ràng, không chứng minh được, và nguyên tắc chỉ được xử lý hình sự đối với người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định (Khoản 1 Điều 2 Bộ luật Hình sự 2015). Những trường hợp nêu trên khó chỉ ra điều luật hình sự nào quy định về tội phạm này.

Bộ luật Dân sự mở rộng quyền tự do thỏa thuận của người dân khi công nhận các giao dịch cho vay có lãi suất không quá 200% lãi suất trần, nhưng Bộ luật Hình sự 2015 lại muốn siết lại hoạt động cho vay nặng lãi khi xác định chỉ cần vượt 5 lần lãi suất trần (luật hiện nay là 10 lần) là đã phạm tội cho vay nặng lãi. Liệu các TCTD có nguy cơ đối mặt rủi ro chính sách gì trong giai đoạn hiện nay?

- Riêng về lãi suất, các quy định trong Bộ luật Dân sự và Bộ luật Hình sự mới đều không tạo ra rủi ro gì cho các TCTD, vì lãi suất của TCTD không thể vượt 5 lần lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự (Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015) mà trong Bộ luật Dân sự 2015 thì quy định lãi suất không được vượt quá 20%/năm (Điều 468 Bộ luật Dân sự). Như vậy, có thể hiểu lãi suất phải vượt quá 100%/năm mới phạm tội hình sự. Liệu có cá nhân, DN nào dám vay NH với lãi suất vậy không? Và có TCTD nào đưa ra mức lãi vay cao như vậy cho khách hàng? Thêm nữa, nếu là giao dịch tín dụng giữa TCTD với DN (vì mục đích lợi nhuận) thì đây là giao dịch kinh doanh thương mại, không phải là giao dịch dân sự.

Xu hướng lãi suất cơ bản và khống chế trần lãi suất trên thế giới thế nào, thưa ông? Nếu Việt Nam vẫn để khái niệm LSCB thì sẽ giải quyết thế nào khi có những vụ việc liên quan tới luật pháp của các nước khác?

- Qua thông tin đại chúng, tôi được biết các nền kinh tế lớn vẫn có quy định về trần lãi suất, nhưng họ luôn có điều chỉnh rất linh hoạt để đảm bảo ổn định thị trường tài chính.

Trong tình hình hiện nay, ông có kiến nghị gì đến việc xây dựng chính sách lĩnh vực NH, nhất là về lãi suất?

- Tôi cho rằng, vẫn cần duy trì trần lãi suất nhưng luôn phải linh hoạt trong điều chỉnh theo các chỉ số lạm phát và thị trường.

Xin cảm ơn ông!