Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có nên mặc trang phục Tây Tạng, Mông Cổ chụp ảnh khi du lịch Hà Giang?

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – “Gần đây Khoai thấy nhiều bạn mặc đồ Tây Tạng, Mông Cổ khi chụp với sông Nho Quế. Bạn Khoai người nước ngoài hỏi Khoai là: "Nho Quế có phải của Việt Nam không?". Thật lòng nghe câu đó mình cũng có chút buồn thật!” - blogger nổi tiếng Khoai Lang Thang chia sẻ.

“Lạc” địa danh du lịch

Hoa hậu Thùy Tiên cũng từng mặc trang phục Mông Cổ chụp hình tại sông Nho Quế trong chuyến thiện nguyện tại vùng cao Hà Giang. Ngay sau đó, cô đã nhận ra điểm thiếu tinh tế của mình và rút kinh nghiệm. Ảnh FBNV
Hoa hậu Thùy Tiên cũng từng mặc trang phục Mông Cổ chụp hình tại sông Nho Quế trong chuyến thiện nguyện tại vùng cao Hà Giang. Ngay sau đó, cô đã nhận ra điểm thiếu tinh tế của mình và rút kinh nghiệm. Ảnh FBNV

Mới đây travel blogger nổi tiếng Khoai Lang Thang (tên thật là Đinh Võ Hoài Phương) đã chia sẻ một câu chuyện khiến nhiều người phải suy ngẫm. Trên trang cá nhân có 2,2 triệu lượt người theo dõi, nam travel blogger viết:

“Bà con cô bác mình ơi!

Nếu mình có đi du lịch sông Nho Quế, Hà Giang hay bất cứ cảnh đẹp tự nhiên nào của Việt Nam, mình hạn chế mặc đồ của những nước khác nha.

Gần đây Khoai thấy nhiều bạn mặc đồ Tây Tạng, Mông Cổ khi chụp với sông Nho Quế. Bạn Khoai người nước ngoài hỏi Khoai là: "Nho Quế có phải của Việt Nam không?". Thật lòng nghe câu đó cùng mấy tấm hình bạn ấy đưa thì mình cũng có chút buồn thật!

Mặc trang phục nào là quyền tự do của cá nhân mọi người, không sai trái nên xin đừng ai công kích cá nhân ai nha mọi người ơi. Chỉ là một chút cảm xúc cá nhân của Khoai thôi”.

Ngay lập tức, những dòng chia sẻ của Khoai Lang Thang đã nhận được nhiều phản hồi, thảo luận sôi nổi của cộng đồng mạng. Trong số hơn 1.600 comment thảo luận, đa số ý kiến đồng ý với nam travel blogger nổi tiếng này, bởi nếu mặc trang phục của nước khác chụp ảnh check-in tại các địa danh du lịch của Việt Nam sẽ dẫn đến sự hiểu nhầm của du khách quốc tế.

Nhiều du khách thích thú trong trang phục của đồng bào dân tộc Hà Giang khi trải nghiệm trên dòng Nho Quế thơ mộng. Ảnh: Thanh Thủy
Nhiều du khách thích thú trong trang phục của đồng bào dân tộc Hà Giang khi trải nghiệm trên dòng Nho Quế thơ mộng. Ảnh: Thanh Thủy

Đồng tình với quan điểm của Khoai Lang Thang, nữ TikToker nổi tiếng An Đen cũng bình luận: “Nay thành trào lưu và báo động rồi cậu ạ. Cứ lên Nho Quế là đồ Tây Tạng, Mông Cổ! Tràn ngập khắp mạng xã hội”.

Tài khoản Minh Thúy bày tỏ: “Em cũng cùng suy nghĩ với anh Khoai. Trang phục các dân tộc Việt Nam mình đẹp quá chừng, thấy mọi người cứ mặc đồ Mông Cổ buồn ngang á”.

Một số người tinh ý còn phát hiện Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2021 Nguyễn Thúc Thùy Tiên cũng từng diện trang phục Mông Cổ chụp hình tại sông Nho Quế trong chuyến thiện nguyện tại vùng cao Hà Giang.

Nhận ra điểm thiếu tinh tế của mình, Thùy Tiên đã vào comment dưới dòng trạng thái của Khoai Lang Thang với thái độ hết sức tiếp thu: “Lần đầu đi Hà Giang nên em cũng đã không chú ý tới vấn đề đó ạ. Em sẽ chú ý trong những lần tới anh ơi”.

Xây dựng các điểm đến mang bản sắc Việt Nam

Cùng với cao nguyên  đá Đồng Văn, dòng sông Nho Quế là điểm du lịch khá nổi tiếng của Hà Giang, thu hút du khách tới tham quan. Sông Nho Quế cũng được vinh danh là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị của Việt Nam.

Hà Giang là điểm du lịch hấp dẫn du khách. Ảnh: Bá Trình
Hà Giang là điểm du lịch hấp dẫn du khách. Ảnh: Bá Trình

Hành trình đi thuyền trên sông Nho Quế thơ mộng xanh biếc, lênh đênh giữa con hẻm Tu Sản kỳ vĩ (được Bộ VHTT&DL xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh Việt Nam năm 2009) là một trải nghiệm rất thú vị, khiến du khách nhớ mãi không quên.

 

Mỗi khi có dịp đi quảng bá, xúc tiến ở trong nước cũng như nước ngoài, tôi luôn tự tin mặc, giới thiệu bản sắc văn hoá của các dân tộc Hà Giang đến bạn bè trong nước và quốc tế. Tôi cảm thấy tự hào vô cùng!

Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Hà Giang Triệu Thị Tình

Tuy nhiên, hình ảnh du khách mặc trang phục Mông Cổ, Tây Tạng chụp ảnh khi đi thuyền trên dòng sông Nho Quế gây hiểu nhầm về định danh địa điểm du lịch khiến không chỉ cộng đồng mạng mà ngay cả các chuyên gia, nhà quản lý du lịch không khỏi xót xa.

Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Hà Giang Triệu Thị Tình cho biết, việc này Sở đã nắm được và kiểm tra thực tế. “Chúng tôi chỉ đạo các địa phương tuyên truyền tới các hộ kinh doanh dịch vụ cho thuê trang phục, không cho thuê trang phục cổ trang, trang phục nước khác mà tập trung vào trang phục các dân tộc của tỉnh Hà Giang. Nếu có cách tân nhưng vẫn phải bảo đảm phù hợp” – bà Triệu Thị Tình cho biết.

Bà Triệu Thị Tình cũng chia sẻ thêm, bản thân bà cũng từng cảnh báo về tình trạng cho thuê trang phục cổ trang, nước ngoài trên trang cá nhân của mình để hướng tới xây dựng du lịch Hà Giang có bản sắc hơn.

Trang phục dân tộc Dao, Mông, Lô Lô của tỉnh Hà Giang được giới thiệu tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Triệu Tình
Trang phục dân tộc Dao, Mông, Lô Lô của tỉnh Hà Giang được giới thiệu tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Triệu Tình

“Tôi muốn chia sẻ với anh chị em đang kinh doanh các dịch vụ, phục vụ du lịch thay vào việc cho thuê những trang phục không phù hợp với điểm đến của Hà Giang, hãy đặt may những bộ trang phục của các dân tộc thiểu số, để cho du khách đến Hà Giang có thể tự tin mặc check-in và góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Đồng thời góp phần giới thiệu văn hóa, quảng bá hỉnh ảnh du lịch Hà Giang điểm đến “An toàn - Bản sắc - Hấp dẫn” – bà Triệu Thị Tình chia sẻ.

Không riêng gì Hà Giang, thời gian qua, tại nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng khác như Sa Pa (Lào Cai), cũng xuất hiện nhiều dịch vụ cho thuê trang phục Tây Tạng, Mông Cổ. Những bộ ảnh với trang phục như vậy xuất hiện với khung cảnh núi rừng hùng vĩ, hoang sơ khiến cho nhiều người thích thú, song cũng không ít ý kiến bày tỏ băn khoăn.

Nét đặc sắc văn hóa dân tộc của tỉnh Hà Giang mùa tam giác mạch. Ảnh: Thanh Thủy
Nét đặc sắc văn hóa dân tộc của tỉnh Hà Giang mùa tam giác mạch. Ảnh: Thanh Thủy

Không ít người cho rằng, vùng Tây Bắc nước ta có nhiều đồng bào dân tộc như Mông, Tày, Dao, Mường... với nét văn hóa rất độc đáo và đậm đà bản sắc riêng. Tại sao ngành du lịch và văn hóa không khuyến khích tìm hiểu văn hóa, trang phục của những dân tộc trên đất nước mình, để tôn vinh văn hóa, khung cảnh Việt Nam?

Cũng liên quan đến việc khai thác yếu tố văn hóa dân tộc vào phát triển du lịch, chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, anh Tráng A Chu – Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn và Phát triển du lịch cộng đồng CBT Hua Tạt, chủ cơ sở A Chu homestay, bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La cho biết, văn hóa của đồng bào dân tộc chính là điều hấp dẫn du khách đến với Hua Tạt.

Hà Giang có cảnh quan núi non hùng vĩ, thu hút khách du lịch. Ảnh: Bá Trình
Hà Giang có cảnh quan núi non hùng vĩ, thu hút khách du lịch. Ảnh: Bá Trình

Bởi thế, từ Giám đốc tới nhân viên lễ tân, phục vụ của A Chu homestay đều được yêu cầu mặc trang phục dân tộc Mông, như một cách quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc đến với du khách. Bên cạnh đó, anh còn khai thác các sản phẩm, họa tiết thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mông đưa vào trang trí cho homestay xinh xắn của mình.

Hay nói như Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam - Hà Nội (Vietnamtourism - Hanoi) Đào Xuân Tùng: “Làm du lịch sinh thái ở miền núi thì không thể tách khỏi đồng bào. Sa Pa hay Sơn La có thể phát triển được du lịch cộng đồng vì có văn hóa và đồng bào dân tộc thiểu số”.

 

Tại Hội thảo bản sắc văn hóa dân tộc Mông và vai trò của phụ nữ trong phát triển du lịch, kinh tế - xã hội tại Hà Giang tổ chức ngày 17/3 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý khẳng định, nền văn hóa của các dân tộc, đặc biệt là dân tộc thiểu số có nguy cơ bị mai một do ảnh hưởng của quá trình phát triển và hội nhập sâu rộng trên các mặt kinh tế - xã hội, sự thay đổi trong tư duy, nhận thức của bộ phận không nhỏ người dân.

Do đó việc đầu tư hơn nữa công tác bảo tồn phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc nói chung và dân tộc Mông nói riêng càng cần thiết. Tỉnh Hà Giang tiếp tục gắn kết chặt chẽ các chương trình, kế hoạch giữa bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số với phát triển du lịch bền vững; phục dựng và duy trì các lễ hội truyền thống, giá trị phi vật thể, phong tục tập quán của dân tộc Mông.