Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có nên tăng diện tích trồng lúa khi giá gạo xuất khẩu tăng?

Hồng Thắm - Hoàng Nam - Xuân Lương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo các chuyên gia, việc tranh thủ thời cơ giá gạo tăng, nâng diện tích trồng lúa là điều cần thiết. Tuy nhiên, cần quan tâm chất lượng gạo và giải bài toán thu nhập để người nông dân có nguồn lợi nhuận tốt nhất.

Tranh thủ thời cơ giá gạo trên thế giới đang tăng và nguồn cung có hạn, Cục Trồng trọt - Bộ NN-PTNT đã điều chỉnh, nâng diện tích trồng lúa vụ thu đông ở ĐBSCL từ 650.000 ha lên 700.000 ha

Theo tính toán, với năng suất trung bình 5,7 tấn/ha vụ ở vụ thu đông, nếu tăng thêm 50.000 ha, sẽ có thêm khoảng 325.000 tấn lúa, tương đương 200.000 tấn gạo để tăng cường xuất khẩu. Với giá xuất khẩu gạo như hiện nay, việc tăng thêm 50.000 ha lúa thu đông có thể đem về hơn 100 triệu USD.

Đối với chủ trương tăng 50.000 ha lúa thu đông ở ĐBSCL của Cục Trồng trọt, ngành nông nghiệp một số địa phương cho biết không thực hiện được. Ảnh TC
Đối với chủ trương tăng 50.000 ha lúa thu đông ở ĐBSCL của Cục Trồng trọt, ngành nông nghiệp một số địa phương cho biết không thực hiện được. Ảnh TC

Cẩn trọng trong việc diện tích lúa thu đông

Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, đến ngày 11/8/2023, toàn ĐBSCL đã xuống giống vụ thu đông được 386 nghìn ha, xấp xỉ 58% so với kế hoạch. Trong đó, các tỉnh có diện tích xuống giống nhiều gồm Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, cho biết: Đến nay, người dân đã gieo sạ xong vụ thu đông, diện tích tương đương năm 2022. Theo đó, diện tích xuống giống của TP Cần Thơ tăng 12% so với kế hoạch, đạt 67.400/60.300 ha (tăng hơn 7.000 ha).

Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho rằng, phải đặt mục tiêu là cơ hội tăng nguồn thu cho bà con nông dân khi mở rộng diện tích lúa thu đông. Giá gạo đang tăng mạnh nhưng giá lúa tăng không nhiều vì diện tích trồng đã khai thác tối đa, ngành lúa gạo cũng đã tới ngưỡng.

"Ở một số vùng thuộc các quận, huyện Bình Thủy, Phong Điền, Cái Răng, hệ thống thủy lợi không bảo đảm nên không thể xuống giống nhiều, năng suất lúa thu đông không hiệu quả, gặp nhiều rủi ro. Sản xuất ở vùng không thuận lợi dù có làm đi nữa thì lũ tới cũng bị ngập và thiệt hại nhiều hơn" - ông Trần Thái Nghiêm nhận xét.

Tương tự, tại Kiên Giang, Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang nhận định, với việc nông dân tích cực đầu tư sản xuất, đẩy nhanh tiến độ xuống giống, khả năng vụ lúa này sẽ vượt kế hoạch từ 10.000-12.000 ha, đưa diện tích lúa thu đông toàn tỉnh đạt 83.000 ha.

Việc mở rộng diện tích lúa thu đông nhận được sự quan tâm của lãnh đạo ngành nông nghiệp nhiều địa phương vùng ĐBSCL. Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, tỉnh dự kiến tăng tổng diện tích lúa thu đông lên 44.000 ha. Tuy nhiên, Sở khuyến khích nông dân phải cẩn trọng khi mở rộng diện tích do Bạc Liêu xác định bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu, El Nino; đặc biệt là vấn đề thiếu nước vào cuối vụ thu đông.

Trong khi đó, một số địa phương khác tại ĐBSCL không có kế hoạch mở rộng diện lúa thu đông. Cụ thể, như tại Sóc Trăng, tỉnh không có chủ trương tăng diện tích mà vẫn ổn định diện tích theo kế hoạch.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NNPTNT Sóc Trăng, cho biết: Năm nay giá lúa tăng, nên bà con nông dân tăng cường đầu tư chăm sóc để đạt năng suất cao. Tuy nhiên khi đầu tư cao sẽ dễ dẫn đến dịch hại phát sinh, đồng thời do ảnh hưởng của thời tiết, cây lúa dễ đỗ ngã và ngập úng.

Do đó để bảo vệ năng suất lúa và thu nhập của nông dân, ngành nông nghiệp đã ban hành công văn, trong đó chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác quản lý sản xuất, khuyến cáo nông dân chủ động quản lý đồng ruộng để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh và thời tiết gây ra...

Hậu Giang cũng là địa phương không mở rộng diện tích lúa thu đông, đồng thời có khuyến cáo người dân trồng lúa vụ 3 (lúa thu đông) nếu có đê bao kiên cố. Nguyên nhân là do nhiều năm qua, trong điều kiện mưa bão, ở một số vùng, người dân trồng lúa không có lời đã chuyển sang rau màu, thủy sản cho thu nhập cao hơn, hiệu quả hơn

Cần sự đổi mới của người nông dân, hướng đến sản xuất lớn, hiện đại để giảm chi phí, tăng thu nhập cho nông dân.
Cần sự đổi mới của người nông dân, hướng đến sản xuất lớn, hiện đại để giảm chi phí, tăng thu nhập cho nông dân.

Nâng chất lượng gạo và giải bài toán thu nhập cho người dân

Theo nhiều chuyên gia nhận định, dù giá lúa tăng cao, người nông dân phấn khởi khi đạt được lợi nhuận chưa từng có; tuy nhiên, lợi nhuận này so những loại cây trồng khác cũng chưa tới đâu. Cụ thể, với những trường hợp, người nông dân chuyển sang trồng sầu riêng, mít; chỉ với một công đất thu lãi 40 - 50 triệu đồng mỗi năm, gấp cả chục lần trồng lúa. 

GS-TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp cho rằng, khi tăng diện số vụ trồng lúa thì phải sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Chi phí vật tư lớn là nguyên nhân vì sao giá lúa tăng cao, nhưng lợi nhuận của nông dân không nhiều. Thậm chí ở thời điểm giá không tốt, chi phí đầu vào còn "ăn thâm" khiến nông dân chỉ đủ ăn, hoặc lỗ.

Do đó, việc tăng sản lượng không quan trọng bằng việc tăng chất lượng hạt gạo, giảm chi phí sản xuất để nông dân vừa bán được giá lúa cao vừa thu được nhiều lợi nhuận hơn và bền vững hơn.

Để giải quyết bài toán thu nhập cho người nông dân trồng lúa, GS Võ Tòng Xuân cho rằng, cần sự đổi mới của người nông dân; chấm dứt tình trạng mạnh ai nấy làm, nông dân tự lo sản xuất, thương lái gom theo kiểu thương lái, doanh nghiệp ngồi chờ có đơn hàng rồi kêu thương lái thu gom. 

Theo đó, nông dân nên đứng chung với những hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới để tạo thành một cánh đồng lớn sẵn sàng liên kết với các doanh nghiệp lớn. Phải chuyển sang mô hình liên kết, sản xuất theo đơn đặt hàng; chứ không thể "chơi" với thương lái như trước, rất bấp bênh.

Đồng thời, GS Võ Tòng Xuân cũng khuyến cáo, để tránh rủi ro khi giá gạo tăng cao, doanh nghiệp cần ký hợp đồng xuất khẩu dài hạn với đối tác nhập khẩu. Điều này không chỉ có lợi cho doanh nghiệp mà cho cả người nông dân. Bởi nông dân sẽ hợp tác sản xuất, liên kết thành chuỗi cung ứng, doanh nghiệp có nguồn để xuất khẩu.