70 năm giải phóng Thủ đô

Có nên tiếp tục cấp phép chương trình âm nhạc điện tử?

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau sự việc 7 người chết trong Lễ hội âm nhạc điện tử Du hành đến mặt trăng hôm 16/9 tại Công viên nước Hồ Tây (Hà Nội), Sở Văn hóa Thể thao đã chính thức tạm dừng cấp phép đối với tất cả các chương trình nhạc điện tử. Tuy nhiên, cả nhà tổ chức và nhiều đơn vị quản lý vẫn đang băn khoăn ứng xử ra sao với loại hình nghệ thuật du nhập từ phương Tây này.

Các đơn vị chủ động xin dừng tổ chức
Từ nay đến cuối năm 2018, Hà Nội có 3 chương trình âm nhạc điện tử đã được Sở VH&TT Hà Nội cấp phép, nhưng chưa biểu diễn, đó là Lễ hội Min (Sóc Sơn), Lễ hội âm nhạc điện tử ở Đồng Mô (Sơn Tây) và một sự kiện ở nội thành Hà Nội. Tuy nhiên, ngay sau khi TP Hà Nội có thông tin tạm dừng cấp phép các chương trình âm nhạc điện tử, các công ty tổ chức 3 sự kiện này đã chủ động xin hoãn tổ chức. “Các đơn vị chủ động xin rút, vì thế Sở chỉ cần đồng ý. Ngoài ra trong thời gian các cơ quan chức năng điều tra, Sở sẽ không cấp phép cho bất cứ chương trình nào có yếu tố DJ” – Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Tô Văn Động cho biết.
Một Lễ hội âm nhạc Rock diễn ra ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Hiện nay dư luận đang dồn sự chú ý vào một chương trình do Sở VH&TT TP Hồ Chí Minh cấp phép, sắp diễn ra ở Hà Nội. Đó là chương trình hòa nhạc điện tử quy mô lớn với tên gọi "Revolution 2018" vào tối 29/9 tại Sân vận động Bách Khoa. "Revolution 2018" từng được tổ chức nhiều năm ở Việt Nam, thu hút dàn DJ nổi tiếng quốc tế. Tháng 5/2018, khi diễn ra ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP Hồ Chí Minh) chương trình này đã thu hút hàng nghìn người tham dự. Ông Tô Văn Động xác nhận, đến nay Hà Nội chưa nhận được giấy tiếp nhận xin tổ chức biểu diễn của chương trình này, dù trước đó Ban tổ chức đã họp báo thông tin đến báo giới. Liên hệ với đại diện truyền thông của "Revolution 2018" được biết, đơn vị tổ chức đã họp bàn và lên phương án khả năng phải dừng tổ chức sự kiện theo chủ trương của TP Hà Nội, chờ kết quả điều tra của cơ quan chức năng để quyết định tổ chức tiếp hay không.

"Tóm lại cách thức tổ chức và quản lý của chúng ta trong lĩnh vực này vừa mới, vừa yếu và vừa thiếu. Tôi hy vọng sẽ có bộ máy chuyên nghiệp để xây dựng môi trường nghệ thuật Việt Nam theo quy chuẩn khu vực và quốc tế." - Chủ tịch Hội âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân


"Hiện nay vấn đề an ninh trật tự có nhiều cách. Chúng tôi không bắt ép các đơn vị phải làm việc với công an. Họ có quyền thuê các công ty bảo vệ bên ngoài miễn là thấy tốt và đảm bảo. Tuy nhiên, mỗi giấy phép tổ chức chương trình Sở đều chuyển sang phía công an quận để bên công an nắm được." - Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Tô Văn Động


"Khi tổ chức các sự kiện âm nhạc ở sân Hàng Đẫy, gần như 100% công ty tổ chức sự kiện thuê lực lượng an ninh bên ngoài. Lực lượng bảo vệ của sân Hàng Đẫy chỉ phối hợp với họ để nắm bắt tình hình. Theo tôi, thông thường các sự cố xảy ra hầu hết là do các yếu tố bên ngoài cố tình đốt pháo, dùng chất cấm. Với hàng nghìn người tham gia, đông như vậy là bất khả kháng, và những chuyện đó không bao giờ ai mong muốn xảy ra. " - Đội trưởng tổ bảo vệ tại sân Hàng Đẫy Trần Văn Thanh (Ngọc Tú ghi)

Việc dừng các chương trình vào phút chót, ít nhiều ảnh hưởng đến kinh tế của đơn vị tổ chức, bởi hầu hết các đơn vị đã bỏ tiền ra làm công tác quảng bá, ký hợp đồng với các nghệ sĩ thế giới cũng như đơn vị cho thuê địa điểm. Tuy nhiên, theo đại diện một đơn vị tổ chức Lễ hội âm nhạc điện tử ở ngoài khu vực Hà Nội (không chịu tác động chủ trương tạm dừng cấp phép cả Hà Nội), nếu tiếp tục biểu diễn chương trình các đơn vị cũng đứng trước khả năng vắng khán giả.

Không có chuyện không quản được thì cấm

Sự việc gây hậu quả chết người ngày 16/9 ở Lễ hội âm nhạc "Du hành đến mặt trăng" ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của giới trẻ cũng như các bậc phụ huynh. Do không hiểu tính chất của âm nhạc điện tử nên họ cho rằng đây là âm nhạc mang tính kích động tâm lý, khiến giới trẻ không kiểm soát được hành động, cảm xúc. Một đại diện Ban tổ chức lễ hội (xin giấu tên) cho rằng âm nhạc điện tử là thể loại âm nhạc văn minh đang phát triển trên thế giới. Ở Việt Nam, rất nhiều lễ hội âm nhạc điện tử trở thành “bữa tiệc” nghệ thuật đúng nghĩa cho giới trẻ, cụ thể là Lễ hội đếm ngược tại Quảng trường Cách mạng Tháng 8 vào dịp Giao thừa hàng năm.

Trước câu hỏi Hà Nội sẽ dừng cấp phép âm nhạc điện tử đến khi nào, ông Động cho biết: “Khi có kết quả rõ ràng, nếu lỗi không phải ở đơn vị tổ chức, khâu tổ chức, các DJ, chúng tôi sẽ đề nghị UBND TP xem xét cấp phép trở lại”. Thông tin cấm hoàn toàn các sự kiện âm nhạc điện tử ở Hà Nội được Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội khẳng định là không đúng, bởi theo ông Động, lễ hội nhạc điện tử là hoạt động văn minh, đa phần có nội dung tốt, phù hợp với xu hướng hiện đại. Nhà sử học Dương Trung Quốc không đồng tình với việc cấm các lễ hội âm nhạc điện tử, nhấn mạnh sự cố ở Công viên nước Hồ Tây là sự cảnh báo đối với nhà tổ chức và nhà quản lý. “Theo tôi cần nắm bắt xu hướng, học hỏi thế giới tổ chức và quản lý loại hình này ra sao để rút kinh nghiệm và sửa đổi cách thức tổ chức cho phù hợp” - ông Dương Trung Quốc nói.

Cần lấp “lỗ hổng” cấp phép

Có rất nhiều nguyên nhân được các chuyên gia phân tích sau sự cố của Lễ hội âm nhạc "Du hành đến mặt trăng". Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân cho rằng một trong những nguyên nhân là do nhà tổ chức thiếu chuyên nghiệp, a dua chạy theo đám đông và lợi nhuận. Cũng nhiều người biện minh do số lượng khán giả quá đông, nên việc kiểm soát sử dụng chất kích thích là bất khả kháng với Ban tổ chức. Tuy nhiên, với kinh nghiệm tổ chức thành công "Revolution" trong nhiều năm, một thành viên Ban tổ chức sự kiện này cho biết, nếu lực lượng an ninh được bố trí hợp lý ở tất cả các góc, thì có thể ngăn chặn được.

Các đại nhạc hội nhạc trẻ, nhạc điện tử bung ra không gian mở có sức chứa hàng nghìn người, nên các điều kiện về kỹ thuật âm thanh, ánh sáng và đảm bảo an toàn cũng thay đổi. Tuy nhiên, hiện nay các quy định về cấp phép chưa bắt kịp xu thế, chưa theo sát thực tế. “Chúng ta mang đến cho khán giả hình thái âm nhạc mới đồ sộ hơn, nhưng mới dừng lại ở bề nổi, còn các yếu tố khác tạo nên đêm biểu diễn chưa được quan tâm đúng mức” - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chỉ rõ. Chính vì vậy, nhiều người đề xuất cần cấp phép các chương trình âm nhạc điện tử như một chương trình lễ hội, nhằm kiểm soát các sự kiện hoạt động kèm theo, chứ không chỉ cấp phép đơn thuần cho chương trình nghệ thuật.

Ngoài ra, đại diện "Revolution" cho rằng, bản thân sự kiện âm nhạc điện tử không có lỗi, mà giải pháp là phải tập trung giáo dục ý thức cho người đi xem. “Mặc dù Ban tổ chức có kiểm soát tốt đến mấy thì cũng nếu chủ ý các loại hình chất cấm vẫn có thể lọt qua cửa an ninh, chính vì vậy chúng ta chung tay giáo dục cho người đi chơi có ý thức vui chơi lành mạnh. Xây dựng bộ quy chuẩn tăng cường vấn đề an ninh, kiểm soát, làm việc với chính quyền chặt chẽ hơn trước mỗi sự kiện”. Đó là các giải pháp được các nhà tổ chức, các cơ quản lý hướng đến cho các sự kiện lễ hội âm nhạc về sau.