Có ngăn chặn được tình trạng...cát cứ?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Công Thương vừa có quyết định thành lập Tổ kiểm tra thị trường cơ động. Vậy, vì sao phải thành lập đơn vị này?

Có ngăn chặn được tình trạng...cát cứ? - Ảnh 1
Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) (Bộ Công Thương) (ảnh bên) xung quanh về vấn đề này. 

Các địa phương đều đã có Chi cục QLTT. Vì sao Bộ Công Thương quyết định thành lập Tổ kiểm tra thị trường cơ động, thưa ông?

- Hiện hoạt động buôn lậu, sản xuất hàng giả có tính liên thông, liên vùng và liên quan đến yếu tố nước ngoài khá cao, song thực tế, việc phân cấp quản lý lại theo địa giới hành chính, có nghĩa là chi cục QLTT địa phương chịu sự quản lý hành chính của các cấp chính quyền sở tại, nên nhiều khi cơ quan T.Ư muốn triển khai, xử lý triệt để một vấn đề "nóng" nào đó lại phải phụ thuộc vào địa phương. Vì vậy, việc thành lập Tổ kiểm tra thị trường cơ động không chỉ giúp lực lượng QLTT tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý các vụ việc phức tạp liên quan đến nhiều lĩnh vực, hoặc có yếu tố nước ngoài mà còn phối hợp với các lực lượng chức năng khác giải quyết nhanh những vụ việc phát sinh liên quan, tránh chồng chéo và bỏ trống trận địa. 

Thưa ông, Tổ kiểm tra này có chức năng, nhiệm vụ gì?

- Tổ kiểm tra thị trường cơ động có trách nhiệm tổ chức hoạt động trinh sát, phát hiện hành vi vi phạm pháp luật đồng thời xây dựng phương án, biện pháp kiểm tra, ngăn chặn xử lý vi phạm theo thẩm quyền. cùng với các phòng nghiệp vụ chống hàng giả, hàng lậu… Bên cạnh đó, Tổ còn hỗ trợ lực lượng QLTT các địa phương trong việc kiểm tra, xử lý các vụ việc trọng điểm, hoặc có nhiều tình tiết phức tạp.

 
 Lực lượng QLTT Hà Nội tiêu hủy thuốc lá nhập lậu. Ảnh: Hoài Nam
Lực lượng QLTT Hà Nội tiêu hủy thuốc lá nhập lậu. Ảnh: Hoài Nam

Thực tế chống hàng lậu, hàng giả cho thấy có sự chồng chéo giữa các lực lượng chức năng, tính "địa phương" khá cao… Để công tác QLTT hiệu quả, trong thời gian tới, ngành công thương nên có giải pháp gì?

- Muốn công tác QLTT có hiệu quả, cần xây dựng lực lượng chính quy, tổ chức chặt chẽ, bảo đảm sự quản lý và chỉ đạo thống nhất từ T.Ư đến địa phương. Tuy nhiên, để làm được điều đó, trước hết cần xây dựng hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách, chế tài đủ mạnh để lực lượng QLTT thực thi công vụ, đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời nên nghiên cứu áp dụng mô hình QLTT xuyên suốt từ T.Ư đến địa phương, tăng quyền hạn cho lực lượng QLTT trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm. 

Ngoài ra, việc đào tạo nhằm nâng cao kiến thức, trình độ nghiệp vụ,… rất cần được chú trọng, nhằm xây dựng tác phong làm việc của đội ngũ cán bô, công chức trong quản lý, điều hành cũng như thực thi công việc.

Hiện tượng doanh nghiệp bán hàng hóa không đảm bảo chất lượng vẫn diễn ra khá phổ biến. Vậy, lực lượng chức năng cần phải làm gì để ngăn chặn tình trạng này?

- Hiện nay, ngoài hàng hóa nhập khẩu chính thức được cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra kiểm soát về chất lượng, còn có lượng hàng hóa xách tay theo tiêu chuẩn của những người đi nước ngoài được nhập vào Việt Nam. Luồng hàng này không được kiểm tra chất lượng, đây là vấn đề cần các cơ quan chức năng phải xử lý quyết liệt. Mới đây, một số doanh nghiệp sản xuất sữa trong nước khẳng định không nhập khẩu nguyên liệu từ Fonterra, New Zealand về làm nguyên liệu sản xuất, tuy nhiên để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, lực lượng QLTT đã tiến hành xác minh thông tin này và đề nghị Công ty Abbott phối hợp về việc phân phối tại Việt Nam. Nếu đơn vị nào nhập khẩu lô sản phẩm này, chúng tôi sẽ phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý qua đó bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Song cùng với đó, tôi cũng lưu ý rằng, người tiêu dùng khi mua hàng hóa phải lấy hóa đơn chứng từ để khi có phát sinh về vấn đề chất lượng hay hàng giả, lực lượng chức năng mới có cơ sở xử lý.

Xin cảm ơn ông!