Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có phải không cần giải cứu nông sản vì hết hàng?

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa người nông dân và DN bán lẻ trong quá trình “giải cứu” nông sản tồn ứ", đó là ý kiến của các DN bán lẻ tại cuộc họp kết nối giữa DN phân phối lớn với các địa phương, để đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản trong hệ thống phân phối do Bộ Công Thương vừa tổ chức.

Người tiêu dùng lựa chọn dưa hấu tại siêu thị Hapro Thành Công.

Tại hội nghị, các DN bán lẻ mong muốn hỗ trợ tiêu thụ nông sản không lợi nhuận. Tuy nhiên, nhiều DN cho biết không có đủ hàng từ các tỉnh chuyển về để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Thậm chí khi xuống địa bàn thì không biết thu mua ở đâu.
Giám đốc thu mua miền Bắc của Tập đoàn Central Retail Đinh Hải Vân cho biết: Hiện hệ thống này mỗi ngày có thể tiêu thụ được 100 tấn dưa hấu, 70 tấn thanh long. Tuy nhiên, nguồn hàng từ các tỉnh chuyển ra không kịp tốc độ bán, song khi liên hệ với các đơn vị cung cấp thanh long ruột đỏ ở Tiền Giang lại được thông báo không có đủ hàng để giao và "không cần giải cứu".
Tương tự, đại diện VinCommerce cho biết hệ thống Vinmart và Vinmart+ có thể tiêu thụ 120 tấn dưa hấu mỗi ngày. Vấn đề là các tỉnh phải chia sẻ thông tin hàng hóa, vận chuyển theo đúng cam kết.
Phó Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce (sở hữu chuỗi Vinmart) Nguyễn Thanh Thủy nêu rõ: Đơn cử như dưa hấu Gia Lai, Vinmart có nhu cầu 60 tấn/tuần nhưng giao rất nhỏ giọt. Do đó, tháng nào có trái gì, sản lượng bao nhiêu, giá thế nào thì cần rõ, vì khi đi kết nối thì thông tin cung cấp một giá, nhưng sau đó người dân lại đưa ra giá khác" - bà Thủy nói.
Tương tự, bà Trần Thu Quỳnh - Giám đốc thu mua miền Bắc của Công ty Aeon Việt Nam, cho biết hiện tại có thông tin là dưa hấu và thanh long không cần giải cứu nữa.
Do đó, các DN bán lẻ kiến nghị các tỉnh, thành cần phải có thông tin chính xác và chiến lược dài hạn hơn, bởi nếu người tiêu dùng nghĩ rằng các sản phẩm này cần giải cứu thì giá trị sẽ không cao và không ưu tiên sử dụng; đồng thời cần nâng cao tiêu chuẩn về đóng gói, bao bì và chất lượng sản phẩm để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang các thị trường khác.
Trước kiến nghị của các DN bán lẻ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đề nghị các địa phương cần phải cung cấp thông tin cụ thể sản lượng, chất lượng và thời điểm để có kết nối cung cầu cho phù hợp, tập hợp đầu mối thông tin tại Vụ Thị trường trong nước, liên hệ qua các đầu mối để có kết nối nhanh nhất với từng sản phẩm, tránh thủ tục rườm rà.