Cổ phần hóa doanh nghiệp là điều kiện để phát triển

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 10/3, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng chủ trì họp kiểm điểm công tác tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp nhà nước ngành Giao thông.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp, 2 tháng qua Ban Chỉ đạo đã hướng dẫn, thực hiện thẩm định 10 công ty mẹ - Tổng Công ty thuộc ngành GTVT, hoàn thiện hồ sơ quyết toán chi phí cổ phần hoá (CPH), xác định lại giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chuyển sang công ty cổ phần.

Riêng đối với Tổng Công ty Thăng Long đã hoàn thành công tác quyết toán, bàn giao vốn nhà nước sang công ty cổ phần. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Năm 2015,  Bộ sẽ bàn giao vốn nhà nước của những doanh nghiệp đã thực hiện IPO trong năm 2014, sang công ty cổ phần và tiếp tục hoàn thiện hồ sơ thực hiện CPH 15 doanh nghiệp đã thực hiện CPH dở dang năm 2014. Ngoài ra Bộ thúc đẩy 29 doanh nghiệp, tổng công ty rà soát lại nguồn vốn, tài sản, nhân lực triển khai các bước CPH.

Dự kiến, ngày 12/3, Tổng công ty Hàng không VN sẽ tổ chức đại hội cổ đông lần đầu để thành lập công ty cổ phần và tiếp tục thực hiện quy trình lựa chọn và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.

Trong tháng 3/2015, dự kiến có 4 đơn vị trong ngành GTVT sẽ IPO, gồm: Công ty thi công cơ giới, thuộc Tổng công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Bắc; Công ty Traximexco Hà Nội; Cảng Cam Ranh.

Thời gian qua, Bộ GTVT đã chấp thuận chủ trương thoái vốn nhà nước của 25 doanh nghiệp với tổng giá trị thoái vốn khoảng gần 3.700 tỷ đồng theo mệnh giá, gồm TEDI, Cienco8, 11 công ty thuộc Tổng công ty Đường sắt VN, 4 công ty con của Vinalines, 1 công ty thuộc Vietnam Airlines, 3 công ty thuộc Cienco6, 3 công ty con của Vinamotor.

Theo như Bộ GTVT, ngay trong tháng 3/2015 Bộ sẽ dự thảo tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương xây dựng Đề án cổ phần hoá các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó tập trung vào 3 lĩnh vực là giáo dục, y tế và đăng kiểm.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đánh giá cao kết quả công tác tái cơ cấu, sắp xếp, CPH doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua và Bộ trưởng cũng chỉ rõ: Việc tái cơ cấu, sắp xếp, CPH doanh nghiệp là  chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ nên sẽ  không lùi tiến độ CPH vì bất kỳ nguyên nhân nào. 

CPH doanh nghiệp là một cách làm công khai, minh bạch, trong đó nhà nước chỉ quản lý bằng thể chế, chính sách, tạo cơ chế thông thoáng để mọi thành phần kinh tế cạnh tranh phát triển lành mạnh, đúng hướng./

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần