Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Chế tài không rõ, khó khả thi

Trâm Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lỗ hổng lớn nhất cho tiêu cực và tham nhũng nằm ngay trong chính cách thức thực hiện cổ phần hóa DN Nhà nước (CPH DNNN). Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khẳng định, đồng thời cho rằng, cần đấu giá công khai toàn bộ giá trị DN, xử lý nghiêm tiêu cực, vi phạm pháp luật của cá nhân có liên quan…

Tập trung vào chất lượng
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020". Theo đó, hoàn thành CPH 137 DN; phấn đấu đến hết năm 2020, Nhà nước chỉ giữ 100% vốn tại 103 DN. Ông đánh giá gì về kế hoạch này?
- Giữ lại hay CPH DNNN đều phải tính đến hiệu quả kinh doanh. Có thể thời điểm này, Nhà nước nắm giữ 100% vốn để thuận tiện cho việc điều hành của Chính phủ, nhưng ở thời điểm khác không cần nắm giữ sẽ được bán 100%. Sau khi Thủ tướng ban hành Đề án tái cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2016 - 2020, các đơn vị cần xây dựng kế hoạch, lộ trình tổ chức triển khai CPH, kịp thời báo cáo các cơ quan chức năng về những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện. Với danh sách vừa được ban hành nói trên, các nhà đầu tư cũng có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư tại các DNNN, DN có vốn Nhà nước một cách cụ thể.
Đã tiến hành CPH được tới 96% DNNN, nhưng hiện mới có tổng vốn 6% được CPH, còn 92% tổng vốn chưa CPH. Cộng thêm với kế hoạch vừa ban hành, việc CPH còn rất nhiều bộn bề, thưa ông?
- Chúng ta hơi thiên về số lượng mà không tập trung đúng chất lượng. Từ năm 1993 đến giờ, gần 25 năm mà chúng ta còn giữ tới trên 90% vốn DNNN thì trong một bộ phận những người làm công tác quản trị, quản lý nhà nước về lĩnh vực DN còn trì trệ và chính tư duy của chúng ta đã kìm hãm sự phát triển. Vẫn chỉ thích những con số về số lượng mà không đánh giá xem nó tác động đến nền kinh tế thế nào? Phải bảo đảm vốn Nhà nước được bán, thoái vốn tốt hơn, từ đó tạo ra bước chuyển mạnh mẽ và thực chất. Với những DNNN giữ lại cũng phải đổi mới quản trị để hoạt động hiệu quả hơn. 
Gieo niềm tin cho nhà đầu tư
Trong Đề án vừa ban hành, khi tái cơ cấu DNNN, kiên quyết xử lý các DN thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường, vậy cơ chế thị trường ở đây là gì, có mâu thuẫn với yêu cầu không để xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm, thất thoát vốn, tài sản Nhà nước?
- Khi chúng ta thực hiện theo nền kinh tế thị trường thì có hàng hóa bán lãi, có hàng hóa bán thấp, cái đó do thị trường quyết định, quan trọng là phương thức bán thế nào phải công khai minh bạch, kiểm soát được. Không phải một DN nào thành lập bán cũng có lãi được, cần bỏ tư tưởng này vì đây chính là cái mà mọi người đang vin vào để cố tình không thực hiện bán thoái vốn DNNN. Đấy chỉ là những cái áo khoác trùm lên lợi ích nhóm để trì hoãn bán vốn, CPH DNNN.
Tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện CPH DNNN đã từng xảy ra.  Vậy theo ông cần có biện pháp gì để  chống thất thoát tài sản Nhà nước?
- Lỗ hổng lớn nhất cho tiêu cực và tham nhũng đã nằm ngay trong chính cách thức thực hiện CPH DNNN. Có thể phát sinh ngay từ trước khi lên phương án CPH, chẳng hạn nếu ai đó có ý đồ hạ giá trị DN thì họ để DN thua lỗ rồi sau đó mua được rẻ, hay cố tình che giấu thông tin liên quan để hạn chế, ngăn cản người mua khác... Ngoài ra, quá trình CPH có những trường hợp không tính đến lợi thế đất và khung giá đất chỉ coi là căn cứ tham khảo. Các nhà đầu tư (NĐT) cần đấu giá công khai toàn bộ giá trị DN, gồm cả đất đai. Ngoài ra, trong các nghị định về CPH có quy định không cho các thành viên ban chỉ đạo CPH, bao gồm cả cấp trên của DN, mua cổ phần lần đầu.
Để hạn chế cần thực hiện với tinh thần công khai, minh bạch và lựa chọn theo đấu thầu tư vấn, đấu thầu cạnh tranh và lựa chọn NĐT. Đưa ra công khai lên sàn, hình thành thị trường mua bán nợ, mua bán DN. Ngoài ra, cần một chế tài mạnh mẽ xử lý trách nhiệm cá nhân gây ra thất thoát tài sản khi CPH.
Bộ Tài chính khẳng định, trước đây, DN trong diện CPH mà Nhà nước sẽ chia nhỏ tỷ lệ cổ phần để bán trong nhiều năm, nay sẽ không thực hiện như vậy, mà nghiên cứu để triển khai bán luôn 100% để tăng sức hấp dẫn NĐT. Vậy, theo ông, cách thức nào để thu hút NĐT tham gia CPH?
 - Để thu hút các NĐT lớn cần minh bạch thông tin, có như vậy là họ quan ngại việc công bố thông tin của các DNNN cho đến trước thời điểm IPO (đấu giá cổ phần lần đầu) thiếu minh bạch. Không chỉ kém minh bạch thông tin, trách nhiệm giải trình của DNNN cũng rất kém. Có thể thấy, việc thu hút được nguồn lực có chất lượng để cải thiện năng lực cạnh tranh của DN sau CPH không dễ dàng khi thông tin về CPH DNNN chưa khớp được với nhu cầu của NĐT. Đây cũng là điều mà các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải lưu tâm trong năm 2017 để đạt được các mục tiêu CPH đã được giao.
Xác định rõ trách nhiệm cá nhân
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao trách nhiệm cho người đứng đầu nếu để xảy ra chậm tiến độ, thất thoát tài sản sẽ bị xử lý nghiêm... Việc này có đẩy tiến trình CPH thông hơn không?
- Có một thực tế nhiều DN sau khi CPH xong, lãnh đạo DN phải lui về bộ, ngồi văn phòng, dẫn đến tâm lý không mặn mà với CPH. Rõ ràng, nhanh hay chậm là do ý người đứng đầu. Nếu không có những quy định chặt chẽ, người đứng đầu không có trách nhiệm thì không thể đẩy nhanh tiến độ CPH DNNN.
Nhiều ý kiến cho rằng, người đại diện vốn chủ sở hữu tại các DN hậu CPH như những “ông chủ giả” vì họ chỉ là người giữ và bảo toàn vốn cho Nhà nước nên không có động lực đổi mới,  nâng cao năng lực cạnh tranh. Ông nghĩ sao về kiến nghị nên có đặc phái viên về CPH nằm tại DN để xử lý các vướng mắc? Và cần phải lên sàn chứng khoán?
- Trường hợp “ông chủ giả” là với những DN còn phần Nhà nước nắm giữ lớn và chỉ bán theo hình thức. Còn nếu theo nền kinh tế thị trường bán ra bao nhiêu, còn lại bao nhiêu thì người đại diện sẽ được quyền tương ứng. Ví dụ, nếu chỉ bán hình thức thì chưa có sự đổi mới thực chất về quản trị kinh doanh. Nhưng nếu chỉ còn dưới 30% hay 40% vốn chẳng hạn thì sẽ đạt được nguyên tắc của công ty cổ phần. Lên sàn chứng khoán sẽ thu hẹp dần khoảng cách về mức độ minh bạch thông tin giữa DNNN và NĐT. Về đặc phái viên nằm tại DNNN, Thủ tướng đã quyết định ai đứng đầu DN, người đó phải chịu trách nhiệm, do đó không cần thiết phải thêm vị trí này.
Ông có thể nêu kinh nghiệm các nước trong việc này thế nào?
- Ở tất cả các nền kinh tế chuyển đổi thành công, người ta đều thực hiện tư nhân hóa nền kinh tế với mục tiêu rõ ràng là Nhà nước từ bỏ chức năng kinh doanh để giao việc đó cho người dân. Tuy nhiên, thay vì giao cho từng ngành và từng DN tự thực hiện thì có một cơ quan tập trung được thành lập để thực hiện chức năng bán các DNNN. Điều này ít nhất làm giảm thiểu các sự phức tạp và các lỗ hổng tiêu cực.
Xin cảm ơn ông!

Các NĐT nước ngoài khi nhìn vào DN Việt Nam đầu tiên là các chuẩn mực quản trị công ty. Đây cũng là điểm góp phần quyết định họ có đặt niềm tin vào DN đó hay không. Việt Nam cần từng bước áp dụng các thông lệ quốc tế, các nguyên tắc về quản trị công ty đối với các DNNN theo bộ hướng dẫn của OECD, để hạn chế những xung đột về lợi ích và vai trò, cũng như nhằm đảm bảo các DNNN hoạt động hiệu quả, minh bạch và có tính giải trình cao.

Ông Chris Razook - Chuyên gia của Công ty Tài chính Quốc tế (IFC)


Chính phủ đang quyết tâm và mạnh tay hơn trong việc CPH cũng như chống thất thoát tài sản, cụ thể là “đất vàng” của các DN trong quá trình CPH. Tuy nhiên, tất cả phải theo quy định của luật nên không thể dễ dàng làm sai nếu như có sự tham gia, giám sát của cơ quan chức năng. Định giá đất cần tuân theo nguyên tắc thị trường. Tức là giá đó không căn cứ là đất được giao, đất thuê trả tiền một lần hoặc đất thuê trả tiền hàng năm.

Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT  Đặng Hùng Võ